Nhạc sĩ Giáng Son: Phá cách rất đỗi dịu dàng với "Bóng tối Jazz"

ANTĐ - Giáng Son nói vui, đôi lúc chị cũng thấy hơi “ấm ức” khi nghe một số người cho rằng: “Đỉnh cao của nhạc sỹ Giáng Son là… Giấc mơ trưa”, nhưng chị không nghĩ thế mà quyết định phá cách.
Nhạc sĩ Giáng Son: Phá cách rất đỗi dịu dàng với "Bóng tối Jazz" 	 ảnh 1

Viết nhạc trong bóng tối

8 năm ấp ủ để cho ra đời một album không phải là quãng thời gian ngắn, nhưng với Giáng Son thì điều đó có nhiều lý do. Một là bởi chị không biết nên làm theo phong cách nhạc gì, lại trở về với Pop, dân gian đương đại hay thử phá cách với nhiều niềm yêu thích khác như R&B hay Blues Jazz. Giáng Son nói vui đôi lúc chị cũng thấy hơi “ấm ức” khi nghe một số người cho rằng: “Đỉnh cao của nhạc sỹ  Giáng Son là… Giấc mơ trưa”.

Rồi lại có người nói với Giáng Son rằng chị chỉ nên viết nhạc dân gian đương đại thôi. Giáng Son lại không nghĩ thế, nhất là sau khi những ca khúc mang âm hưởng nhạc Jazz như “Cỏ và mưa” hay “Thu cạn” mà chị sáng tác cách đây không lâu đã nhận được không ít cảm tình của người yêu nhạc. Vậy là chị quyết định làm một đĩa nhạc riêng mang phong cách Blues Jazz và sau 8 năm thì “Bóng tối Jazz” ra đời.  

“Bóng tối Jazz” thật ra là ca khúc được Giáng Son phổ nhạc từ một bài thơ của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến từ cách đây hơn chục năm. Thời điểm đó, cùng với bài thơ này, chị còn phổ nhạc 4 bài thơ khác của tác giả “Bà tôi” là “Trôi trong gương”, “Nếp ngày”, “Chút nắng vàng bay” và cả “Giấc mơ trưa”. Có điều, duy nhất “Bóng tối Jazz” mang màu sắc âm nhạc khác nên Giáng Son đành phải tạm cất đi… để dành. Nữ nhạc sĩ chia sẻ, cho đến khi có ý định làm đĩa Blues Jazz, chị mới quyết định viết thêm vài bài nữa theo phong cách nhạc này cho đủ.

Đó là khoảng thời gian mà chị thường trốn vào thế giới của mình mỗi khi đêm xuống và cũng là một trong những lý do đĩa nhạc sau khi hoàn tất xong xuôi được lấy tên “Bóng tối Jazz”. Còn nói như lời của nhạc sĩ Nguyễn Quang Long - một người bạn thân thiết của Giáng Son thì vì “Giấc mơ trưa” ít thời gian quá nên chị phải tranh thủ lao vào làm nhạc vào buổi đêm mới xong được đĩa.

Không ngại bị ca sĩ “chỉnh”

Giáng Son chia sẻ, lẽ ra “Bóng tối Jazz” đã ra đời cách đây khoảng 3 năm nhưng vì còn đợi Hà Trần và Tùng Dương - hai giọng ca thể hiện trọn vẹn 10 bài trong album của chị đỡ… bận nên đành hoãn lại. Đĩa làm xong đâu vào đấy, chọn được “ngày đẹp” để giới thiệu tới mọi người thì cả Hà Trần lẫn Tùng Dương đều đang ở Sài Gòn nên chị quyết định bay từ Hà Nội vào cho tiện. 

Để có được bản phối ưng ý cho 10 ca khúc trong album, chị đã sửa đi sửa lại không ít lần, thậm chí có bài còn phải thu lại từ đầu. Nhưng đổi lại, Giáng Son không độc đoán mà rất cầu thị. Như lời chia sẻ của ca sĩ Tùng Dương, chị không gò ca sĩ theo kiểu “bảo sao hát vậy” mà sẵn sàng lắng nghe góp ý và không ngại chỉnh sửa lại “đứa con tinh thần” của mình cho phù hợp. Điều này lại vô cùng quan trọng với phong cách Blues Jazz vốn rất cần sự sáng tạo và phá cách của nghệ sĩ trong cách thẩm thấu và thể hiện.

Cũng bởi thế mà ngay cả khi ở trong phòng thu, Tùng Dương cũng không ngần ngại tranh luận với Giáng Son về chuyện thay đổi tiết tấu đến sửa lại nốt nhạc. Mà lần nào nghe xong mà thấy hợp lý, nữ nhạc sĩ này cũng vui vẻ gật đầu chấp thuận. 

Tinh tế và tĩnh lặng

Có đến 8 trong số 10 ca khúc trong “Bóng tối Jazz” được Giáng Son phổ nhạc từ thơ của người khác. Trong số đó, tác giả trẻ cũng có, trung tuổi cũng có mà cao tuổi như nhạc sĩ Phan Vũ (tác giả của bài thơ “Em ơi Hà Nội phố”) cũng có. Với chị, không quan trọng đó là thơ của ai mà chỉ bài nào thấy có cảm xúc, thấy hay là phổ nhạc. Có điều đặc biệt thú vị là trong album lần này, có một tác phẩm được Giáng Son phổ nhạc từ bài thơ của tác giả trẻ Trương Quý Chi - bạn gái cũ của ca sĩ Tùng Dương.

Phổ xong, chị nghĩ đến việc mời Tùng Dương thể hiện, có điều nam ca sĩ từ chối dù rất thích bài hát này vì thấy mình không phù hợp khi vào vai một cô gái để thể hiện tâm trạng khi yêu. Sau này, bài hát được chuyển lại cho Hà Trần thể hiện và trở thành một trong hai ca khúc “đinh” của album.

Chọn sang ngang với một thể loại âm nhạc bị cho là kén người nghe, song “Bóng tối Jazz” của Giáng Son lại khiến nhiều người ngỡ ngàng vì quá dịu dàng và nữ tính. Ở đó Hà Trần và Tùng Dương đã thực sự có cuộc đối thoại bằng âm nhạc đầy cảm xúc và thuyết phục. Nói như lời Tùng Dương thì 5 bài hát trong album đã giúp anh vẽ đúng chân dung về mình, tĩnh tại và biết “cột” mình lại hơn chứ không quá phiêu linh. Còn với Giáng Son, đây có lẽ là sự lựa chọn đúng đắn nhất với chị tại thời điểm này, bởi ít nhiều thì sự phá cách của chị đã để lại dấu ấn trong làng nhạc Việt, đầy tinh tế và tĩnh lặng.