Nhạc sĩ Giáng Son hiểu lầm việc bị “đánh” bản quyền ca khúc "Giấc mơ trưa"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bức xúc vì cho rằng chị bị BH Media đánh bản quyền ca khúc do chính mình sáng tác, nhạc sĩ Giáng Son đã gửi đơn kiến nghị lên Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam – VCPMC
Nhạc sĩ Giáng Son

Nhạc sĩ Giáng Son

Ồn ào bắt nguồn từ việc nhạc sĩ Giáng Son đăng tải ca khúc “Giấc mơ trưa” lên kênh Youtube riêng. Ca khúc được nữ nhạc sĩ chia sẻ là bản phối khí riêng qua sự thể hiện của ca sĩ Khánh Linh từng được chị đưa vào album phát hành năm 2007. Với bản phối này thì nhạc sĩ Giáng Son khẳng định mọi yếu tố bản quyền từ tác giả, phối khí, thu âm đều thuộc về mình. Tuy nhiên sau khi chị đưa ca khúc này lên kênh Youtube vài ngày thì nhận được thông báo khiếu nại từ đơn vị truyền thông BH Media. Đơn vị này cho biết thay mặt một công ty phát hành băng đĩa nhạc Hồ Gươm Audio là chủ sở hữu bản quyền để khiếu nại về việc này

Ngay khi chia sẻ sự việc trên lên mạng xã hội cá nhân, nhạc sĩ Giáng Son nhận được liên hệ từ phía BH Media nhưng hai bên chưa có sự đối thoại rõ ràng. Ngay sau đó, tác giả ca khúc “Giấc mơ trưa” đã làm đơn kiến nghị gửi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam – VCPMC để trình bày bức xúc và đề nghị phía VCPMC đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Cụ thể trong kiến nghị, nhạc sĩ Giáng Son khẳng định không hề ký bản quyền với BH Media hay công ty phát hành băng đĩa nhạc Hồ Gươm Audio, đồng thời cho rằng mọi sở hữu bản quyền đối với bài hát trên phải thuộc về mình.

Thông báo mà nhạc sĩ Giáng Son nhận được từ kênh Youtube, không phải từ BH Media

Thông báo mà nhạc sĩ Giáng Son nhận được từ kênh Youtube, không phải từ BH Media

Liên quan đến việc này, mới đây phía BH Media đã lên tiếng phản hồi.

Theo đó, chia sẻ với truyền thông, ông Nguyễn Hải Bình – Giám đốc BH Media cho biết, vụ việc thật ra rất đơn giản, có thể giải quyết trong “một nốt nhạc” song do nhạc sĩ Giáng Son từ chối đối thoại nên khiến câu chuyện bị đẩy đi xa. Đại diện BH Media khẳng định, việc nhạc sĩ Giáng Son cho rằng chị bị “đánh” bản quyền ca khúc do mình sáng tác là không chính xác.

Cụ thể, giải thích về việc ca khúc “Giấc mơ trưa” mà nhạc sĩ Giáng Son đăng tải trên kênh Youtube cá nhân và bị thông báo vi phạm bản quyền, đại diện BH Media phân tích: đó là cơ chế quét bản quyền tự động của Youtube và thông báo mà nhạc sĩ Giáng Son nhận được là thông báo từ kênh này chứ không phải từ BH Media. Sở dĩ Youtube có thông báo này là để chủ sở hữu các bản ghi đối soát vấn đề bản quyền với nhau. Trong trường hợp này, thông báo không làm ảnh hưởng đến quyền đăng tải bản ghi của nhạc sĩ Giáng Son. Lẽ ra khi nhận được thông báo, nếu như nhạc sĩ Giáng Son phản hổi lại việc chị là chủ sở hữu bản ghi trên thì sau khi xác minh lại, Youtube sẽ tự động gỡ xác nhận bản quyền khỏi video.

Cũng theo ông Nguyễn Hải Bình, mỗi bản ghi âm, audio của một bài hát khi được phát hành đều chứa 2 loại quyền tách biệt là: quyền bản ghi (liên quan đến phần nhạc, hoà âm phối khí và âm thanh giọng hát có trong bản ghi) và quyền tác giả (liên quan đến phần giai điệu, tiết tấu và lời của bài hát được sử dụng trong bản ghi âm). Theo luật bản quyền, hãng đĩa hoặc nhà sản xuất ra bản ghi âm là người nắm giữ phần quyền bản ghi; còn nhạc sĩ, người sáng tác bài hát nắm giữ quyền tác giả hay còn gọi là tác quyền. Tuy nhiên nhiều nghệ sĩ hiểu lầm rằng mình là người tạo ra tác phẩm đó thì có quyền 100% đối với những bản ghi âm, ghi hình liên quan đến tác phẩm của mình. Ví dụ một nhạc sĩ chuyên sáng tác các ca khúc cho các show truyền hình của VTV, HTV nhưng không có nghĩa nhạc sĩ được quyền đăng tải các chương trình này lên kênh YouTube của nhạc sĩ, bởi VTV, HTV mới là chủ sở hữu thực sự.

Bản ghi "Giấc mơ trưa" do nghệ sĩ Dương Thùy Anh trên YouTube đã được YouTube ghi nhận. Dòng chữ Licensed to YouTube tức là: Cấp cho YouTube bởi BH Media (được chủ sở hữu ủy quyền) và ba tổ chức bảo vệ bản quyền (trong đó Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam). Ghi nhận này rất quan trọng, vì YouTube sẽ trả tiền tác quyền cho Giáng Son về Trung tâm bảo vệ tác giả âm nhạc Việt Nam, nơi Giáng Son ủy quyền. Ảnh: BH Media

Bản ghi "Giấc mơ trưa" do nghệ sĩ Dương Thùy Anh trên YouTube đã được YouTube ghi nhận. Dòng chữ Licensed to YouTube tức là: Cấp cho YouTube bởi BH Media (được chủ sở hữu ủy quyền) và ba tổ chức bảo vệ bản quyền (trong đó Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam). Ghi nhận này rất quan trọng, vì YouTube sẽ trả tiền tác quyền cho Giáng Son về Trung tâm bảo vệ tác giả âm nhạc Việt Nam, nơi Giáng Son ủy quyền. Ảnh: BH Media

Hiện tại, trên Youtube cũng đang lưu hành rất nhiều bản ghi ca khúc “Giấc mơ trưa” của nhiều chủ sở hữu khác nhau. Vì thế khi phát hiện bản ghi của nhạc sĩ Giáng Son hơi giống với bản ghi “Giấc mơ trưa” của nghệ sĩ Dương Thuỳ Anh đã đăng tải trước đó mà BH Media đang quản lý, vì thế YouTube đã tự động gửi thông báo xác nhận bản quyền tới nhạc sĩ Giáng Son.

YouTube đã ghi nhận quyền tác giả của nhạc sĩ Giáng Son trong bản ghi âm Giấc mơ trưa của nghệ sĩ Dương Thùy Anh do Hồ Gươm Audio cung cấp và YouTube sẽ trả phí tác quyền về cho VCPMC - đơn vị được nhạc sĩ Giáng Son ủy quyền về quyền tác giả trên YouTube.” – người đứng đầu BH Media khẳng định.

Được biết, hiện nay ở Việt Nam có 5 tổ chức bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan là: Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC); Hiệp hội Bảo vệ Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAF); Hiệp hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA); Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam (VCCA); Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) và Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ truyền thông BIHACO (BH media).