Nhạc sĩ An Thuyên: Giữa nhiều bờ đa cảm

ANTĐ - “Mẹ Việt Nam Anh hùng”, ca khúc đầu tiên và gần như duy nhất viết cho các bà mẹ liệt sĩ, mỗi dịp tháng 7, có ngày Thương binh liệt sĩ (TBLS) lại được vang lên nhiều hơn. Tác giả là nhạc sĩ sáng tác nhiều tác phẩm rung động hồn người - nhạc sĩ, Thiếu tướng Nguyễn An Thuyên.

Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Viết nhạc có chất liệu dân ca quê nhà, ở Thủ đô 32 năm vẫn giữ âm sắc Nghệ An trong chất giọng, hàng ngày uống nước lá gửi từ quê ra thường xuyên, nhưng An Thuyên chưa khi nào “cũ”. Người lính nghệ sĩ ấy xuất thân nhà nghèo, song luôn sống giàu tinh thần.

Căn hộ gia đình ông ở tầng 3, khu chung cư cao cấp 36 Vạn Bảo. Cao cấp vì danh vị các chủ nhân chứ không phải vì đẹp, tiện nghi. An Thuyên vẫn có chỗ cho cả trăm chiếc máy hát mà ông dày công sưu tập. Nhạc sĩ nghiện thuốc lá, ông đốt Esse Gold liên tục.

- Thưa nhạc sĩ, bắt đầu câu chuyện hơi khác nhé, ông không bỏ được thuốc lá sao, thói quen hại lắm!

- 50 năm rồi, không bỏ được. Không sao đâu, tôi khám kỹ rồi, phổi trong veo, 14 loại xét nghiệm máu đều không có vấn đề gì.

- Tài sản quý nhất của ông là gì. 

Tài sản quý nhất là máy hát cổ, mua từ Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Thụy Sĩ. Có khi mua trực tiếp, khi công tác, phần nhiều qua mạng hoặc có người giới thiệu, mua và nhờ đem về giúp. Có 100 cái rồi, mà đêm nào tôi cũng đi chợ mạng 1 tiếng để tìm. Mua được rồi thì đừng hòng bán lại.

- Máy tính Acer của ông đắc dụng thật!

- Xưa viết bằng tay, dạo nhạc thử bằng guitar, 1991 tôi đã dùng máy tính, viết trên máy và máy chơi nhạc cho mình nghe lúc viết luôn máy in để bên rất tiện. Có 2m2 góc làm việc mà ra bao tác phẩm đấy. 

- “Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao / Vì đất nước, hy sinh cả cuộc đời”, bài hát xúc động này nhiều khán giả đã thuộc. Xin nhạc sĩ cho biết hoàn cảnh ra đời ca khúc này?

- Năm 1994, Nhà nước có đợt phong danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) đầu tiên, tôi được giao làm Tổng đạo diễn chương trình. Thượng tướng Đặng  Vũ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị và NS Trần Hoàn - Bộ trưởng Bộ Văn hóa khi đó, gọi tôi lên, giao nhiệm vụ viết ca khúc cho các mẹ Anh hùng. Mẹ mất 1, 2 con; có mẹ mất 6, 7, 9, 10 con, cứ vài tháng vài năm lại có giấy báo tử, họ chịu đựng, sống thế nào khi mất chồng và những đứa con cho đất nước? Mà đợt đó, có 100 mẹ được phong ngồi dự. Nếu viết bi lụy, không khí sẽ buồn thảm. Đêm đó, tôi viết, mà nước mắt giàn giuạ. Gọi là viết theo “đặt hàng”, chính là tự đặt mình. Lời ca đầu tiên bật ra, và đến kết “Mẹ đã có ngàn đứa con / Mẹ đã có cả nước non / Mẹ hát, mẹ hát cùng con“ là động viên, vỗ về các mẹ, tôi chọn được cách thể hiện: hành khúc trữ tình cho tốp ca nam, tha thiết mà vẫn khí thế.

- Ông đã khóc khi viết, phải chăng vì hình ảnh sâu nặng của nguyên mẫu nào?

- Mẹ hơn bố tôi 2 tuổi, mất trước bố 2 năm, khi mất họ đều ở tuổi 82. Tôi nhớ mẹ tôi (nhìn sang bàn thờ cha mẹ bên trái, mắt rưng rưng). Mẹ tôi nếu còn sống, nay 105 tuổi, họ mất từ 1980, khi tôi còn làm việc ở Ty Văn hoá Nghệ An (từ 1969). Tôi xót nhớ thầy mẹ lắm, lúc ấy nghèo quá, đến lúc khấm khá hơn, có thể báo đáp sinh thành, khi thầy mẹ còn đâu. Trước kia, nhớ mỗi lần từ thành phố Vinh về làng ở xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, mẹ tôi lúc nào cùng mừng: “Hôm qua chim khách đậu trên cây táo nó báo, y như rằng hôm sau thằng Thuyên về”. “Sang nhất” chỉ mua được cân đường hộp sữa, vài lạng mỡ cho mẹ, còn mẹ thì cứ dành gạo để nấu cho con. Cả tuổi thơ, anh em tôi ăn cơm độn khoai, khoai là chính, ám ảnh đói thường trực. Khi mẹ sắp mất, tôi kịp về phút lâm chung, sờ túi áo nâu của mẹ chỉ có 5 đồng, chum sành đựng gạo lúa trong buồng, chỉ vài đấu gạo, còn nửa chum là khoai lang phơi khô ăn dần, thóc đã hết.

- Gia đình ông có mất mát trong chiến tranh chống Mỹ?

- Thầy mẹ tôi sinh 6 con, 5 trai, 1 gái. Thầy tôi từng làm thư ký kiểm lâm cho Pháp ở Quảng Ninh, sau làm Chủ tịch xã. “Gánh hát gia đình” do bố chủ trò. Ông vừa là diễn viên, đạo diễn, vừa chơi guitar. Anh cả tài hoa nhất, anh vẽ phông, kéo nhị, làm gì cũng khéo. Năm 1968, mới 33 tuổi, chưa vợ, anh cả tôi bị trúng bom bịt đứt chân, không cấp cứu kịp, qua đời. Anh thứ 4, Ngọc Dương, là thương binh sau chiến dịch Khe Sanh.

- Vậy là duy nhất ông sống tại Hà Nội?

- Các anh tôi đều biết âm nhạc. Anh Dương ở TP Vinh, anh 2 và 3 ở ngôi nhà xưa tại Quỳnh Thắng. Cô út là giáo viên cấp 1 về hưu ở cùng xã. Tôi vẫn lái xe về thăm quê, 300km.

- Chùm tác phẩm của ông được tặng giải thưởng Nhà nước gồm: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, thanh xướng kịch: Người đi tìm nhịp trống (1985, về Bác Hồ), tất cả đều mang âm hưởng Nghệ - Tĩnh.

- Em chọn lối này (1972) theo làn điệu dân ca Thái Nghệ An, là bài đầu tiên của tôi nổi tiếng nhưng ca khúc đầu tay của tôi là Nối gót anh hùng, viết năm 1965 khi 16 tuổi, nhân huyện có 4 vị được phong Anh hùng, cả xã hát bài tôi đấy. Hồi đó, mới được bổ túc 1 tháng âm nhạc ở Vinh, do các nhạc sĩ ở Dàn nhạc giao hưởng (DNGH) về dạy. Ông An Thuyên nói giọng Nghệ mang tâm hồn Việt Nam, công chúng và các nhà phê bình nhận định thế.

- Khán giả biết nhiều đến ông qua ca khúc, chỉ là một mảng thôi?

- Tôi viết nhạc cho kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, nhạc cho kịch múa Núi đôi (trường CĐVHNTQĐ dựng 1997), concerto cho flute và DNGH Hà Nội, nhạc kịch Đất nước đứng lên (1995, từ tác phẩm của Nguyên Ngọc), Hai người mẹ (2008, từ Hòn đất của nhà văn Anh Đức). Còn nhạc phim cho ĐD Hải Ninh, Xuân Sơn, phim nhựa Nhìn ra biển cả (về Bác Hồ thời trẻ), Huyền sử thiên đô (đạo diễn Tất Bình).

- Các nhà thơ đã và vẫn thắc mắc bởi câu hát “chặt đôi câu thơ”, hôm nay tôi muốn được nhạc sĩ giải thích: thơ làm sao mà “chặt” được?

- Nguyễn Du từng viết: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi / Nửa soi gối chiếc, nửa soi dặm trường“. Trăng mà đại thi hào còn “xẻ” cơ mà. Cụ viết nhưng để đại từ phiếm chỉ “ai xẻ”, chứ không nhận mình xẻ. Còn tôi nhận tôi làm. “Cắt nửa vầng trăng làm con đò nhỏ“. Nửa vầng trăng là con đò, thì lấy gì để con đò dịch chuyển?

“Chặt đôi câu thơ“, chặt không được, lại “bẻ đôi câu thơ, tôi làm mái chèo lướt sóng“. Câu thơ bẻ đôi làm 2 mái chèo, chèo con đò trăng “đưa tôi về với người tôi yêu“. Lãng mạng trữ tình thế chứ có bao lực đâu (cười, tươi). Sinh trưởng ở miền thơ đất học, tôi rất yêu thơ. Không yêu thơ, sao viết ca từ hay được, với thơ, tôi chỉ là học trò nhỏ.

- Là hiệu trưởng trường Cao đẳng (lên đại học năm 2006) VHNTQĐ từ 1993 - 2009, ông có công lớn trong cuộc xây dựng nền tảng, nâng cao vị thế cho trường và tuyển chọn nhiều học trò tài năng. Con đường nhà giáo ấy thật đáng tự hào.

- Con đường ấy có sự chia sẻ của vợ tôi, Ngô Huyền Lâm (SN 1953, quê Quỳnh Nghĩa). Năm 1982, vợ con tôi ra Hà Nội, cô ấy theo học đại học đạo diễn, sau về trường tôi làm giảng viên, trưởng Khoa Sân khấu. 

- Điện ảnh và viết văn (nay không còn). Đúng 6 năm trước, tôi được phong Thiếu tướng. Bạn bè trêu “Tướng không quân”. Tôi cự ngay: “Cực đông quân”. Quân của tôi là các học trò rất lễ phép, luôn quý trọng thầy. Học trò do tôi trực tiếp tuyển, có: Hương Mơ, Hồ Quỳnh Hương, Hồ Ngọc Hà, Kasim Hoàng Vũ, Phương Anh, Mai Trang, Quang Hào, Xuân Hảo, Bùi Lê Mận, Lê Hoàng Nghiệp; “lôi” Đỗ Bảo về trường tốt nghiệp đại học sáng tác và giảng dạy. Rất tự hào khi nhiều em bên Nhạc viện không học tôi, vẫn xưng “con với thầy”. 

- Ông thật hạnh phúc vì có các con theo nghề. Ông có thể bật mí về công việc của các con hiện nay?

- An Hiếu (SN 1975) sinh bên sông Hiếu, ở quê mẹ Nghĩa Đàn, khi ấy vợ tôi là diễn viên kịch Nghệ An, trở dạ về bên ngoại. Hiếu vừa học 4 năm tại Vũ Hán, Trung Quốc (mất 2 năm học tiếng), đã có bằng thạc sĩ, hiện là Thiếu tá, giảng viên khoa Âm nhạc của trường ĐHNQĐĐ, nhà ở phố Vĩnh Phúc.  Bông Mai chào đời 1h sáng mùa Thu tại Vinh, tôi đặt tên con. Mai học múa, hát, đàn keyboard, tham gia nhóm Con gái, hiện là BTV phòng Âm nhạc (chương trình Bài hát Việt) của VTV3. Chồng Bông Mai là Sơn Thạch, chơi keyboard trong Ban nhạc Anh em; Sơn Thạch phối khí có uy tín. Mai có con gái 12 tuổi giống mẹ, con trai Đỗ Sơn Bách giống bố, sắp vào lớp 1. Mai đang ở phố Hoàng Văn Thái. Tôi là thầy âm nhạc đầu tiên của các con, chúng rất hợp bố.

- Ông nhiều lần làm giám khảo, hội đồng thẩm định các chương trình âm nhạc của VTV cho giới trẻ. Có phải đấy là điều khiến ông trẻ tư duy và cập nhật không? 

- Tôi lúc nào cũng chú ý phát hiện và ghi nhận tài năng trẻ, gần gũi ủng hộ lớp trẻ. Tư duy tất nhiên là trẻ, vì còn đầy ham mê sáng tác, muốn làm mới, đa dạng tác phẩm.

- Mà muốn viết hay không thể không yêu?

- Đúng thế. Cả đời tôi mê đắm phụ nữ. Tôi không giấu điều này. Cả nhà biết hết, vợ con tôi rất tâm lý và tôn trọng. Không yêu, không bay bổng sao viết hay được.