Nhà xe tranh thủ “móc túi” hành khách

ANTĐ - Mặc dù đã có chỉ đạo nhưng số lượng các nhà xe đăng ký tăng giá vé dịp Tết Nguyên đán 2014 đã tăng vọt tối đa lên tới 61%. Lý giải tăng giá vé để bù vào chiều chạy lệch đầu là không hợp lí khi mà lượng khách về cuối năm luôn đông hơn trên cả hai chiều.

Cuối năm, giá vé xe ngày Tết đua nhau tăng

Đông khách nhưng giá vẫn tăng

Còn gần 3 tuần nữa mới tới Tết Nguyên đán, nhưng tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội, TP HCM đã có hàng loạt doanh nghiệp vận tải đăng ký tăng giá vé. Đáng nói, có doanh nghiệp tăng giá với mức 61%, có doanh nghiệp gửi thông báo tăng giá vé xe trước Tết cả tháng.  

Công ty quản lý bến xe Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, bến xe Giáp Bát đã có 4 doanh nghiệp đăng ký tăng giá vé từ 20- 61%. Trong số này, tăng cao nhất là hãng Hải Vân-Đà Nẵng, tăng từ 380.000 lên 610.000 đồng (61%) áp dụng từ ngày 31-1 đến 15-2, nhà xe Thuận Phát (Nam Định) tăng từ 70.000 đồng lên 100.000 đồng  (43%) từ 21-1 đến 9-2. Còn tại bến xe Mỹ Đình, đến ngày 8-1 đã có 14 đơn vị đăng ký tăng giá vé xe dịp Tết Nguyên đán với mức tăng từ 5- 20%. Mức tăng cao nhất tại bến này thuộc về tuyến Hà Nội - Nam Định, tăng 20% kể từ 28-12-2013. Bến xe Nước Ngầm cũng đã có 3  đơn vị đăng ký tăng giá vé, mức tăng từ 40%. 

Tại Bến xe Miền Đông (TP HCM), từ cuối tháng 11-2013, trong số 215 nhà xe khai thác tại bến cũng đã điều chỉnh giá cước từ 5 - 10% và từ 15-1 tới, tất cả các nhà xe tại bến sẽ áp dụng mức phụ thu từ 20 - 60%. 

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho hay, các hãng xe tại bến Mỹ Đình năm nay tăng nhẹ giá vé là do chủ yếu chạy các tuyến ngắn, hơn nữa ngày càng có nhiều doanh nghiệp tăng cường thêm xe vào dịp Tết nên một phần đã giảm tải được số lượng hành khách. Hơn nữa, trước khi các doanh nghiệp đăng ký tăng giá vé, bến đã khuyến cáo không nên tăng quá cao để tránh phản ứng không tốt từ phía hành khách.

Đại diện bến xe Giáp Bát cho biết, dự kiến ngày Tết lượng hành khách đổ về bến tăng 20 – 50% so với ngày thường, đặc biệt sẽ tập trung đông vào 3 ngày 23, 26 và 28 tháng Chạp, do đó để đảm bảo lưu thông, bến sẽ tăng cường thêm 150 – 200 lượt xe/ngày. Còn tại bến Mỹ Đình, dự kiến, lượng khách đổ về đây trong những ngày giáp Tết Nguyên đán sẽ tăng từ 30-50% so với ngày thường. Vì vậy, một số tuyến như Thanh Hóa, Thái Bình,Vinh, Quảng Ninh… có thể xảy ra ùn tắc cục bộ vào từng thời điểm trong ngày. Tuy nhiên, để giải tỏa hết số hành khách trên bến, bến Mỹ Đình đã có kế hoạch tăng cường hơn 850 xe trên tất cả các tuyến. 

Phụ thu hay chiêu trò móc túi?

Lý giải nguyên nhân mức tăng giá vé xe Tết cao, đại diện một số doanh nghiệp vận tải cho biết, giá xăng dịp gần Tết đã tăng thêm 580 đồng/lít, cùng với đó hầu hết các lượt xe phục vụ Tết chủ yếu chỉ có khách chiều về, còn chiều đi hoàn toàn rỗng. Do vậy, họ phải tăng giá vé để bù vào chi phí xăng dầu. 

Lý giải của các nhà xe không nhận được sự đồng tình từ dư luận. Bởi dịp cuối năm, nhu cầu đi lại tăng cao, tình trạng các chuyến xe chạy “rỗng” gần như rất ít xảy ra, thậm chí còn đông hơn ngày thường. Do đó, việc phụ thu đến 61% chỉ là một chiêu trò móc túi người dân về cuối năm. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, với mức giá xăng tăng vừa qua, doanh nghiệp vận tải chỉ tăng giá cước 5 - 10% là hợp lý. Việc tăng giá vé xe khách dịp Tết chỉ được tăng với chiều vắng khách, còn chiều đông thì không được tăng. Ngoài ra, việc tăng giá vé xe cũng chỉ nên diễn ra trước và sau Tết 5 ngày, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều tăng từ 10 đến 20 ngày, thậm chí hơn 1 tháng là không thể chấp nhận được.