Nhà văn Y Ban: Đàn bà đẹp chắc gì đã có quà?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Không phải cứ đẹp thì có quà đâu. Phụ nữ đẹp mà nông cạn, lại khao khát “kiễng chân” để tận hưởng sự sung sướng phù du thì cũng dễ trở thành món đồ chơi trong tay đàn ông lắm ” – nhà văn Y Ban khẳng định.

Y Ban tên thật là Phạm Thị Xuân Ban, sinh năm 1961 tại Nam Định. Sau khi tốt nghiệp khoa Sinh học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Xuân Ban trở thành giảng viên tại Trường Cao đẳng Y tế Nam Định và Trường Đại học Y Khoa Thái Bình. Trong thời gian này, chị bắt đầu sáng tác truyện ngắn, lấy bút danh là Y Ban với ý nghĩa Ban ở trường Y.

Năm 1989, chị bỏ nghề dạy học, chuyển hẳn sang viết văn. Y Ban là một trong số ít nhà văn nữ gây tiếng vang trong văn đàn những năm cuối thế kỷ 20 bởi giọng văn cá tính, sức sáng tác đều đặn. Một trong những tác phẩm đình đám nhất của Y Ban là “Đàn bà xấu thì không có quà” – với câu chuyện về cuộc đời của Nấm - một cô gái thông minh, nhưng xấu xí tới nỗi “đồng nghiệp say rượu lột ra, nhìn kỹ, tỉnh cả rượu, vái ba vái rồi bỏ đi”.

Sau 17 năm tiểu thuyết “Đàn bà xấu thì không có quà” ra đời, tiêu đề của cuốn tiểu thuyết vẫn luôn được coi là "hot trend" trong các câu chuyện của giới trẻ. PV ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng nhà văn Y Ban về phụ nữ xấu, phụ nữ đẹp và những bi kịch của nữ giới trong đời sống hiện đại.

Nhà văn Y Ban

Nhà văn Y Ban

PV: Vậy là tới hôm nay, tác phẩm “Đàn bà xấu thì không có quà” của Y Ban đã ra đời được gần hai thập kỷ. Theo chị, ở năm 2021, chuyện “đàn bà xấu thì không có quà” có còn đúng không?

- Đúng chứ, phụ nữ xấu vẫn thiệt thòi thế, mà thậm chí còn thiệt thòi hơn trong thời đại bây giờ. Khi tôi viết “Đàn bà xấu thì không có quà”, xã hội vật chất vẫn còn chưa hình thành rõ rệt. Hiện tại thì bạn biết đấy, người ta sống gấp, sống nhanh và thực dụng hơn. Vì đồng tiền, họ có thể làm mọi thứ, dù nó chà đạp không ít tới giá trị đạo đức cũng như phẩm cách của người phụ nữ.

Truyền thông tràn ngập hình ảnh các cô gái chân dài được photoshop kỹ càng. Trên mạng xã hội, người ta đua nhau quảng cáo dụng cụ làm đẹp, phương pháp thẩm mỹ, nếu không đẹp thì chồng chán, chồng chê. Cá biệt hôm nọ, có một quảng cáo khiến tôi thấy “sợ” đó là việc một nha khoa sử dụng hình ảnh của người phụ nữ 59 tuổi, chị ấy có hàm răng không thẩm mỹ cho lắm. Trong mẩu quảng cáo này, anh con trai bảo: “Nếu mẹ không sửa răng, con không dám dẫn bạn gái về nhà”. Tình mẫu tử, sự tôn trọng giữa con người với con người, người ta vì đồng tiền mà vùi đi tất cả.

Những thông tin như vậy lặp đi lặp lại, dần dần ăn sâu vào tiềm thức của cả xã hội. Phụ nữ xấu mà giàu còn đỡ, bởi họ có thể bỏ tiền và chịu đau đớn để làm đẹp. Còn phụ nữ xấu và nghèo, hoặc xấu và không quá thông minh, họ còn đáng thương và buồn khổ hơn gấp bội.

PV: Vậy theo chị, đâu là lối thoát cho những người phụ nữ không có nhan sắc?

- Trong các truyện ngắn tôi viết, tôi không bao giờ đẩy người phụ nữ đến bước đường cùng. Tôi nghĩ ông trời cũng vậy, đôi khi ta được cái này thì mất cái kia. Xấu xí như Nấm (nhân vật chính trong truyện ngắn “Đàn bà xấu mà không có quà” - PV) nhưng thông minh thì cuối cùng cô ấy vẫn nhìn thấy tia hy vọng. Tôi nghĩ đàn bà xấu nhưng trí tuệ vẫn đạt được hạnh phúc, theo một cách nào đó, bởi họ biết như thế nào là đủ.

Tôi cũng đang muốn sáng tác một truyện ngắn mới, mang tên là “Đàn bà đẹp thì có quà hay không?”. Không phải cứ đẹp thì có quà đâu. Phụ nữ đẹp mà nông cạn, lại khao khát “kiễng chân” để tận hưởng sự sung sướng phù du thì cũng dễ trở thành món đồ chơi trong tay đàn ông lắm. Và thế là cuối cùng cuộc sống của họ cũng bi kịch chẳng kém gì.

Trong truyện ngắn “Người đàn bà có ma lực”, tôi cũng từng viết: “Tạo hóa đã rất công bằng khi ban cho cô gái này sắc đẹp nhưng lại ít thông minh. Cô gái kia thông minh nhưng ít xinh đẹp. Nhưng tạo hóa lại không có cách nào để cho người ta hiểu ngay được rằng người ta chỉ có một hoặc vài khả năng nào đó thôi. Bởi thế người xinh đẹp cứ ngỡ mình là người thông minh. Và kẻ thông minh lại tưởng lầm mình là xinh đẹp. Điều này đôi khi cũng đúng. Bởi vì người xinh đẹp thường chinh phục điều họ muốn bằng sắc đẹp. Người thông minh dĩ nhiên là bằng trí tuệ. Nhưng, có lẽ điều này chỉ đúng với đàn bà mà thôi”.

"Đàn bà xấu thì không có quà"- tác phẩm đuợc yêu thích của nhà văn Y Ban trong suốt gần 20 năm qua

"Đàn bà xấu thì không có quà"- tác phẩm đuợc yêu thích của nhà văn Y Ban trong suốt gần 20 năm qua


PV: Nói vậy thì, đàn bà xấu và đàn bà đẹp đều có những bi kịch riêng. Phải chăng ý của chị là đàn bà nào rồi thì cũng khổ?

- Không, ý tôi không phải vậy. Ở tuổi 61, tôi nhận ra, bi kịch lớn nhất của con người chúng ta là không biết mình là ai trên trái đất này, ta cần gì, ta có thể có gì, đâu là giá trị mình cần nhận được. Tôi thực sự ngao ngán và tiếc nuối khi thấy nhiều phụ nữ đẹp, giàu có lại biến mình trở thành trò hề mỗi ngày trên mạng xã hội hay có những người đường nét tự nhiên đã rất đẹp lại đi dao kéo, “chữa lợn lành thành lợn què” chỉ vì vài lời gièm pha, kích bác.

Đám đông bây giờ đáng sợ lắm, phụ nữ chúng ta mà cứ lạc theo đám đông là ta khổ. Còn ngoài kia, vẫn có nhiều người phụ nữ hạnh phúc chứ, vì họ biết thế nào là đủ.

PV; Xưa nay, không ít ý kiến cho rằng, chính sự gia trưởng của đàn ông Việt làm phụ nữ Việt khổ. Chị nghĩ thế nào về điều này?

- Cũng khó nói lắm. Đàn ông nước nào chả có vấn đề. Giàu có, thành đạt, chăm rửa bát như Bill Gates rồi cũng một ngày đột ngột ly hôn sau hàng mấy chục năm xây dựng hình ảnh gia đình hạnh phúc. Tôi có nói với bạn bè về câu chuyện này đấy. Tôi bảo, rửa bát hay không rửa bát không hề quan trọng. Hôn nhân có hàng ngàn câu chuyện tác động mỗi ngày. Trong khi đó, phụ nữ luôn bí ẩn trong mắt đàn ông và ngược lại, đàn ông cũng vậy.

Khi yêu người ta có thể làm nhiều điều cho nhau, thế nhưng, tình yêu đôi lứa lại là thứ mong manh vô cùng. Trong các thứ tình cảm, nó chính là thứ mong manh và dễ thay đổi nhất.

PV: Hình tượng người phụ nữ dường như cũng đang ngày càng thay đổi trên truyền thông. Hình ảnh các cô gái mộc mạc, e dè, hay lam hay làm của nông thôn xưa, giờ đây đang dần được thay thế bởi những phụ nữ thành thị tự tin, hiện đại, tự chủ cuộc sống. Chị nghĩ gì về thực trạng này?

- Tôi nghĩ đó là sự lệch lạc mà ta đang chưa điều chỉnh được trong những năm vừa qua. Hãy nhìn thẳng vào thực tế rằng 80% chúng ta vẫn có nguồn gốc từ nông thôn. Và dù có hiện đại tới đâu, vẻ đẹp của phụ nữ truyền thống, phụ nữ nông thôn vẫn có những giá trị riêng, cần được tôn vinh và lưu giữ. Tôi nhớ mãi một bài báo về một nữ tỷ phú nông dân ở Phú Thọ, chị ấy đi khắp nơi làm từ thiện, lan tỏa lòng tốt tới mọi người. Sự lương thiện của chị chính là vẻ đẹp, nó cao quý hơn nhiều những vẻ đẹp khác.

PV: Mới đây, chị nhận lời làm giám khảo một cuộc thi viết truyện ngắn có sức lan tỏa lớn mang tên “Làng Việt thời hội nhập”. Những tác phẩm về nữ giới nông thôn trong cuộc thi này có gây ấn tượng với chị không?

“Làng Việt thời hội nhập” là cuộc thi viết hiếm hoi về đề tài nông dân, nông thôn thời kỳ đổi mới trong những năm gần đây. Đây là một cuộc thi vô cùng cần thiết trong mảng đề tài này đang dần bị quên lãng, thiếu vắng các tác phẩm ấn tượng.

Trong các tác phẩm gửi về dự thi “Làng Việt thời hội nhập”, có những câu chuyện về thân phận phụ nữ khiến tôi ấn tượng. Đó là “Xóm Cồn” của An Thư, với giọng văn nhuần nhuyễn và hơi hoài cổ. Cô ấy kể về cuộc sống của các thế hệ phụ nữ trong một gia đình, những bi kịch đến từ các quan niệm cổ hủ trong xã hội. Kết thúc truyện ngắn này tuy buồn, nhưng cũng phảng phất nét nhân văn trong đó.

Đó cũng là “Bến nước mười ba” của Tạ Từ Vũ. Truyện kể về cuộc sống của một người đàn bà thiếu thốn và khao khát tình cảm, dù bị mẹ chồng hắt hủi, đánh đập, cô vẫn yêu thương bà vô điều kiện đến tận hơi thở cuối cùng.

Trong thời gian tới, tôi mong có nhiều hơn những cuộc thi truyện ngắn về nông thôn, nông dân như thế. Để tôi bắt gặp nhiều hơn vẻ đẹp của những phụ nữ nông thôn, cũng như lắng nghe nỗi niềm của họ qua từng trang viết…

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" do báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Văn học - Nghệ thuật VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2021.

Cuộc thi nhằm phản ánh đời sống hiện tại của người nông dân. Tôn vinh tinh thần hăng say lao động, đặc biệt là tính sáng tạo trong cuộc sống mưu sinh của người nông dân, cổ vũ sự sáng tạo trong nông nghiệp của người nông dân, đồng thời bảo vệ, phát huy các phong tục văn hóa, nét đẹp của làng quê Việt.

Thông qua những truyện ngắn được gửi về từ khắp nơi trên đất nước, Ban Tổ chức cũng mong muốn sẽ phát hiện và bồi dưỡng những cây bút triển vọng cho đời sống văn học nước nhà.

Theo BTC, cuộc thi nhận được 1.256 truyện ngắn trong đó Hội đồng giám khảo đã chấm và Ban tổ chức đã đăng 156 tác phẩm có chất lượng nhất trên báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, đồng thời, VOV6 cũng đã chọn giới thiệu gần 80 tác phẩm dưới dạng phát thanh trên chuyên mục “Đọc truyện đêm khuya”.

Lễ công bố và trao giải thưởng cuộc thi viết truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục