Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Liên quan đến số phận con người, dễ bị lay động

ANTĐ - Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy vừa hoàn thành tiểu thuyết thứ tư- “Có tiếng người trong gió”. Nhân dịp cuốn sách ra mắt, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà văn 7X Nguyễn Xuân Thủy.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Liên quan đến số phận con người, dễ bị lay động ảnh 1

Không lặp lại những gì mình đã viết

- PV: Thưa nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, anh đã mất bao lâu để hoàn thành “Có tiếng người trong gió”?

- Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Tôi viết trong  khoảng 3 tháng. So với 3 tiểu thuyết trước thì cuốn này tôi viết chỉ bằng 1/3 thời gian. Với tôi, cái quan trọng nhất của một sáng tác mới lại nằm ở thời kỳ… phôi thai. Nếu một ý tưởng nào đó đã được nung nấu, đã chín muồi và tôi thấy sẽ phải viết ra nó thì trước hay sau, lâu hay nhanh, bằng cách này hay cách khác, nó cũng sẽ ra đời.

- Điều quan trọng nhất khi anh bắt đầu nghĩ tới một tiểu thuyết mới là gì? 

- Thứ trăn trở nhất với tôi là ý tưởng. Hầu như ý tưởng về những cuốn sách của tôi đều xuất hiện khi tôi đang di chuyển trên đường, sau rồi tôi tạm lưu nó vào trí nhớ, nếu như một tuần sau nó vẫn trở đi trở lại, nó vẫn vấn vít, vẫn xoay trở trong tôi thì tôi sẽ tiếp tục nghĩ về nó, hoàn thiện nó. Đến một tháng sau mà tôi thấy vẫn hứng thú với ý tưởng ấy thì tôi sẽ phác nó ra văn bản. Lúc này về mặt lý tính, tôi thấy nó thuyết phục được tôi và tôi có thể hình dung ra phương thức triển khai cơ bản thì tôi sẽ bảo lưu ý tưởng ấy để hiện thực nó. Vấn đề còn lại là quỹ thời gian. Từ cốt truyện đến hình thức thể hiện đều quan trọng như nhau. Cái khó là không lặp lại những gì mình đã viết, đấy là áp lực lớn nhất. 

Cái kết không ngờ tới

- Có một sự thật là độc giả thường sẽ bị hấp dẫn bởi câu chuyện, bởi văn phong. Nếu cứ cố hiện đại cách viết, cách thể hiện trên văn bản sẽ có thể đánh đố độc giả phổ thông, khiến họ khó theo dõi. Anh cân bằng giữa những điều này thế nào? 

- Đó là thứ mà mỗi người viết dài hơi và liên tục đều trăn trở. Tùy nội dung mỗi cuốn tôi sẽ tìm một hình thức thể hiện hợp lý. Hình thức phải bổ trợ được nội dung chứ không chỉ là chuyện đánh võng về thi pháp. Nhưng dù viết như thế nào thì tôi nghĩ cũng không nên “đánh đố” bạn đọc, không nên phức tạp hóa, làm tiêu tốn thời gian của người đọc trong trong xã hội thông tin, bởi tôi muốn tác phẩm của mình hướng tới số đông. Làm sao đó để bất kỳ ai cũng có thể đọc được sách của mình.  

- Tiểu thuyết của anh thường hướng tới những vấn đề nóng bỏng trong xã hội, đặc biệt là mối rung cảm, băn khoăn trước cái xấu, cái ác. Chắc hẳn anh cũng tự hỏi, cái ác từ đâu tới, tại sao nó cứ mãi song hành với con người?

- Tôi đã không chỉ hỏi đơn thuần mà đã băn khoăn, tự vấn điều ấy bằng vài cuốn sách và sẽ còn tiếp tục hỏi. Cái ác có muôn gương mặt, hình hài, có nghìn phác thảo, ẩn chứa ở khắp mọi nơi, trong mỗi con người, chỉ chờ cơ hội để trỗi dậy, để phát lộ. Rồi cái ác sẽ đưa con người tới đâu? Diệt vong hay tận thế đôi khi không phải những chuyện hoang viễn xa vời, mà có thể nằm trong chính những hành vi cư xử của con người, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia, khu vực. Tôi nghĩ mỗi người viết đều giữ vai trò phản tỉnh cho lương tâm mỗi con người để kiến tạo một môi sinh văn minh, nơi chính họ dự phần. 

- Các trinh sát xuất hiện trong “Có tiếng người trong gió” sẽ thế nào?

- Họ sẽ là những trinh sát trẻ có đầy đủ những tri thức hiện đại, vui vẻ và nhẹ nhõm. Họ cũng là những người dẫn chuyện rất lôi cuốn nữa. Tôi đảm bảo họ sẽ là những hướng dẫn viên đầy ma lực lôi kéo bạn đọc khám phá đến những biên độ tưởng tượng xa nhất, soi tỏ đến từng ngõ ngách của câu chuyện. Nhưng bạn đọc cũng sẽ xót xa cho họ trước cái kết không ngờ tới.

- Xin cảm ơn anh!