Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Người đau cùng nỗi đau dân tộc

ANTĐ - Nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã về với cõi thiên thu sau những tháng ngày chống chọi với căn bệnh ung thư, hưởng dương 69 tuổi. Ông sẽ còn được nhiều người nhắc tới bởi tấm lòng của một người con đất Việt luôn hướng về dân tộc. 

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Người đau cùng nỗi đau dân tộc ảnh 1Nhà văn Nguyễn Khắc Phục

Con người vị tha

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết hay, viết nhiều, tính tình lại nhã nhặn, vui vẻ nên ông là người bạn thân thiết của nhiều tờ báo, nhiều cơ quan văn nghệ. Ngày cộng tác với Báo An ninh Thủ đô, nhà văn có cuộc sống vật chất không mấy dư dả. Thế nhưng, tấm lòng hào hiệp của ông với những cảnh đời cơ cực và vất vả thì luôn rộng mở. Vào khoảng năm 2009, Báo An ninh Thủ đô đã trích đăng dài kỳ cuốn sách của ông. Tiền nhuận bút đâu cũng được hơn chục triệu. Ở hoàn cảnh của ông, nhiều người sẽ nghĩ đến bản thân mình nhiều hơn nhưng Nguyễn Khắc Phục đã dành toàn bộ  tiền nhuận bút để ủng hộ cho quỹ “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của Báo An ninh Thủ đô, nhằm giúp đỡ những số phận không may mắn.

Cũng khoảng thời gian ấy, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đang gặp chuyện buồn về công việc, gia đình và ông đã tìm đến với hội họa như một cách giải tỏa. Nhưng do gia cảnh bần hàn nên nhà văn chỉ dùng màu vẽ, toan ở hạng xoàng. Trân trọng cái tài và cảm thông với nỗi lòng của nhà văn Nguyễn Khắc Phục, Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô khi ấy là Đại tá Đào Lê Bình đã mua tặng ông một cuộn toan Nga và bột màu Đức để nhà văn được thỏa chí. Được khích lệ, nhà văn lao vào vẽ. Chỉ ít thời gian sau đó, Đại tá Đào Lê Bình đã bất ngờ khi đến thăm ông tại căn nhà thuê trọ. Tranh bày kín trong nhà ngoài sân. 

Tấm lòng của một nhà văn yêu nước

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục là người luôn trăn trở với nỗi đau của dân tộc. Qua từng trang viết của ông, người đọc thấy được cái tình của một người con luôn hướng về đất nước. Vào năm 2007, nhà văn đã viết bức thư ngỏ gửi các nhà văn Trung Quốc ngay sau khi có thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn quyết định thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Nội dung bức thư đã được nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết bằng lời lẽ thống thiết, bày tỏ tình yêu đất nước và kêu gọi các nhà văn Trung Quốc thể hiện trách nhiệm trong việc giữ vững tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Bức thư với lời lẽ giản dị nhưng chứa đựng tư tưởng sâu sắc đã được Báo An ninh Thủ đô đăng toàn nội dung. Cũng qua bức thư này, bạn đọc thân thiết của tờ báo đã được hiểu hơn về con người của Nguyễn Khắc Phục, nhà văn có tấm lòng yêu nước nồng nàn, đau cùng nỗi đau dân tộc. 

Lòng tự hào dân tộc và cảm hứng anh hùng còn giúp nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết nên kịch bản sân khấu cho vở cải lương “Lễ mở xiêm áo” nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục có ý định sẽ ra mắt vở diễn vào đúng ngày mùng 5 Tết, trùng vào hội Gò Đống Đa, kỷ niệm ngày vua Quang Trung đại phá quân Thanh, trở về kinh thành Thăng Long để nhắc nhở mọi người dân Việt Nam về tinh thần kiên trung bảo vệ đất nước của cha ông. Nhưng ở thời điểm đó, nhà văn đã không được toại nguyện. Bằng nguồn kinh phí do cá nhân Đại tá Đào Lê Bình và Báo An ninh Thủ đô giúp sức, vở cải lương “Lễ mở xiêm áo” đã được dàn dựng và biểu diễn ở rạp Hồng Hà trong 3 ngày, được Đài Truyền hình Hà Nội truyền hình trực tiếp. Ở buổi diễn nào, nhà văn Nguyễn Khắc Phục cũng ngồi xem và khóc thương cho nhân vật của mình. 

Nguyễn Khắc Phục luôn thể hiện một nghị lực sống ngay cả khi đối mặt với tử thần. Ở những ngày liên miên với xạ trị, hóa trị để chống lại căn bệnh ung thư phổi, ông vẫn không buông bỏ con chữ. Nghị lực sống ấy đã truyền cảm hứng đến bạn đọc, bạn bè và đồng nghiệp của ông vượt qua khó khăn, tiếp tục cống hiến cho xã hội. Cảm ơn ông, nhà văn của tình yêu cuộc sống, yêu cuộc đời. Chúc ông bình yên nơi cực lạc.