Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời sau thời gian bị tai biến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, "người lật trang" - người mở đường cho tiến trình đổi mới văn học Việt nam sau 1975 đã trút hơi thở cuối cùng vào 16h30 ngày 20/3, hưởng thọ 71 tuổi. Ông là tác giả của nhiều truyện ngắn như Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua Tát.... 

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bị tai biến từ đầu năm 2020. Ông đã rất kiên trì luyện tập để cố gắng phục hồi sức khoẻ. Cách đây vài hôm, chia sẻ với phóng viên báo Người Lao Động, anh Nguyễn Phan Khoa, con trai nhà văn cho biết ông bị hôn mê nhưng nhờ ống thuốc nam nên vài ngày gần đây đã tỉnh lại đôi chút. Dù vậy, nhà văn đã đã không chiến thắng được số phận, rời cõi tạm vào 16 giờ 30 ngày 20-3.

Cách đây ít tháng, vợ ông cũng đã đột ngột ra đi. Mọi việc chăm sóc nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bị tai biến đều do 2 cậu con trai thay nhau đảm nhận.

Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, quê quán huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội nhưng sinh tại Thái Nguyên. Thuở nhỏ ông cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Phúc.

Năm 1960, gia đình chuyển về quê, định cư ở xóm Cò, làng Khương Hạ, huyện Thanh Trì, nay là phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Năm 1970, ông tốt nghiệp khoa Sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và dạy học tại Tây Bắc đến năm 1980. Sau đó, ông chuyển về làm việc tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công ty Kỹ thuật trắc địa bản đồ, Cục Bản đồ cho đến khi về hưu.

Ông xuất hiện khá muộn trên văn đàn Việt Nam với vài truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ năm 1986. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp in dấu ấn khá đậm nét về nông thôn và những người lao động. Sở trường của ông là truyện ngắn, mảng đề tài đa dạng gồm lịch sử và văn học, hơi hướng huyền thoại và cổ tích, xã hội Việt Nam đương đại, xã hội làng quê và những người lao động.

Với hơn 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, 4 tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, Nguyễn Huy Thiệp được xem là một “hiện tượng hiếm” của văn đàn Việt Nam. Ông từng nhận được Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino, Italy (2008).