Nhà văn “nghiện”… trái đắng!

ANTĐ - Ông sinh ra ở miền quê Hải Phòng nhưng miền đất có nhiều duyên nợ với ông lại là Tây Nguyên. Suốt những năm tháng thời trai trẻ gắn liền với chiến trường, từ rừng bước ra, ông giống y chang một chàng trai Bahnar - da cũng ngăm đen, tóc cũng xoăn, chẳng những nói tiếng Bahnar giỏi mà còn biết… cúng bằng tiếng
Bahnar! Hầu như trong tất cả các sáng tác của ông, Tây Nguyên luôn là một cảm hứng bất tận.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh (giữa)

Sau hơn ba mươi năm cầm bút, những tác phẩm Tiễn biệt những ngày buồn, Chớp trên đỉnh Kon Tầng, Ngược chiều cái chết, Lạc rừng… đã làm nên thương hiệu Trung Trung Đỉnh. Mà cái tên nghe lạ tai này hoá ra cũng chẳng phải tên thật của ông. Ông có cái tên khai sinh… khó phát âm hơn, đó là Phạm Trung Đĩnh. Thời trẻ nhập ngũ xông pha chiến đấu ở chiến trường miền Nam, người dân bản xứ quen cách phát âm lẫn dấu hỏi với dẫu ngã nên chữ “Đĩnh” gọi thành chữ “Đỉnh”. Cũng trong lúc chiến đấu gian khổ đó, vớ được cái máy chữ của địch, ông tranh thủ tập gõ máy chữ tập tành sáng tác. Truyện ngắn đầu tay được đăng báo, cũng bởi chưa thạo đánh máy chữ nên gõ nhầm tên thành Trung Trung Đỉnh mà chính ông cũng không biết. Cái tên lạ tai này cũng từ bấy mà ra đời.

Trung Trung Đỉnh biết ơn Tây Nguyên, nhờ miền đất này mà sự nghiệp văn chương của ông “cất cánh”. Ông yêu Tây Nguyên bằng một tình yêu nguyên sơ, cuồng nhiệt và đắm đuối. Ngôi nhà ở Hà Nội của ông là cả một không gian Tây Nguyên bề bộn mà ông cố công sưu tầm và lưu giữ. Trên tường la liệt ống tên, cánh ná, mũi lao, cồng, chiêng… Dưới sàn ngổn ngang ghè, ché… Cứ như thể ông muốn “bê” hết Tây Nguyên về nhà mình vậy. Hiểu tình yêu chân thành của ông với miền đất nhiều năm gắn bó, các hoạ sĩ Tây Nguyên bèn tặng ông mỗi người một bức tranh có chung đề tài: cảnh ăn trâu, cảnh bỏ mả trong Lễ hội Pơthi, cảnh hoàng hôn bên rừng, bình minh bên suối… Ông treo những bức tranh ấy ở phòng khách, phòng viết và cả… nhà bếp!

Ông hồn nhiên tự định giá cho mỗi bức tranh bằng ngoại tệ. Tranh của hoạ sĩ A Nhú: giá 1.000$; tranh của hoạ sĩ Phùng Sơn: giá 1.200$; tranh của hoạ sĩ Viết Huy: giá 1.300 $; tranh của hoạ sĩ Su Man: giá 2.000$... Mỗi lần có khách đến chơi, ông lại chỉ vào những bức tranh giới thiệu với giọng tự hào: “Các ông thấy tranh Tây Nguyên có đẹp không? Đẹp đến mê man đi ấy!”. Tưởng chỉ giới thiệu cho vui, ai dè nhiều vị khách cả ta lẫn Tây xem tranh xong thì đòi mua và “trả đúng giá đã ghi”! Đến lúc ấy thì Trung Trung Đỉnh choáng! Giải thích thế nào khách cũng không nghe, mà bán đi thì dứt khoát là không được. Ông liền bóc hết giá cũ trên mỗi bức tranh rồi thay vào mỗi bức một tấm giá mới: VÔ GIÁ. Từ đó những bức tranh của ông mới được yên ổn.

Tưởng tình yêu Tây Nguyên của Trung Trung Đỉnh như thế đã là nồng nhiệt lắm rồi. Nhưng những biểu hiện kể trên mới chỉ là bề ngoài. Có một tình yêu Tây Nguyên sâu xa hơn ẩn trong tâm hồn ông nhà văn quân đội mang quân hàm Đại tá này. Đó là hoài niệm khôn nguôi về những tháng năm kề vai sát cánh cùng đồng bào đánh giặc, đói khổ mà vui tươi trong sáng. Những năm chiến tranh, Tây Nguyên bị địch càn quét khốc liệt. Bom đạn, thuốc độc khai quang đã phá tan hoang nương rẫy. Đồng bào và những người lính Tây Nguyên phải đối mặt thường xuyên với cái đói. Đói cơm và đói muối. Thức ăn chủ yếu là sắn. Sắn mà ăn không có muối thì rất khó nuốt. Bởi thế những người du kích Bahnar đã tìm được một loại cà mọc hoang trên những rẫy cũ làm thức ăn kèm. Loại cà này có vị rất đắng. Đắng đến nỗi lần đầu tiên ăn thử anh lính Phạm Trung Đĩnh không nuốt nổi.

Thế nhưng nhai một lúc thì thấy vị đắng ấy từ từ tan ra quyện với vị bùi của sắn tạo nên một hương vị ngon lạ lùng. Ngon đến mức… nghiện. Trung Trung Đỉnh đã nghiện món cà đắng Tây Nguyên ấy đến nỗi một lần vào Gia Lai ông quyết chí mang bằng được một cây về trồng trên sân thượng. Ông dành công chăm chút nó từng li từng tí. Ông hồi hộp dõi theo từng ngày cây lớn lên, kết nụ, trổ hoa. Một ngày, ông vui mừng gọi điện thông báo cho các bạn lính Tây Nguyên đến ăn cà đắng. Nhưng than ôi, cây cà được tưới bằng nước máy, bón phân vi sinh và hít thở không khí phố phường đã cho ra những quả cà căng bóng, đẫy đà và mang vị… ngọt!

Tháng tám vừa rồi, nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ từ Kon Tum ra thăm Hà Nội đã lên rừng tìm được một túi cà đắng thứ thiệt. Thứ cà đắng mọc từ đất bazan khát và hút khí trời cao nguyên nắng lửa. Ông mang gói quà đặc biệt đến Văn nghệ Quân đội chơi với tôi và gọi điện cho Trung Trung Đỉnh. Nhà văn nghe tin mừng đến mức reo toáng lên trong máy. Nhưng ông bảo, ông đang đi công tác ở một tỉnh Tây Bắc một tuần nữa mới về, dặn cứ gửi món cà đắng ở phòng tôi.

Gói cà đắng dễ đến năm chục quả, to dài như quả dưa chuột, có màu xanh ngắt như lá rừng. Tôi bỗng nảy ra ý định tò mò ăn thử xem thế nào. Đắng đến rùng mình!

Đúng một tuần sau thì nhà văn Trung Trung Đỉnh bổ đến phòng tôi hỏi giật: “Cà đắng của tôi đâu?”. Tôi đành gãi đầu thú nhận: “Nó đắng quá. Nên em đã… ăn hết mất rồi!”. Nhà văn Trung Trung Đỉnh trợn mắt lên quát: “A, chú láo! Chú có ăn thì cũng phải để dành cho tôi một quả chứ. Tôi thèm lắm rồi đấy”. Ông trầm ngâm một lúc rồi buông giọng thẫn thờ: “Chắc tháng sau tôi lại phải đi Tây Nguyên thôi”…