Nhà văn Nam Cao qua chuyện kể của Vũ Bằng

ANTĐ - “Nhắc đến Nam Cao, bây giờ tôi có tiếc điều gì, ấy là tiếc đã không biết Nam Cao sớm hơn một chút...”, đó là lời nhà văn     Vũ Bằng trong cuốn Vũ Bằng - Mười chín chân dung nhà văn cùng thời do tác giả Văn Giá sưu tầm, giới thiệu. Ngay vị trí Nam Cao trong tập sách cũng cho thấy  Vũ Bằng đánh giá Nam Cao rất đúng mực, chỉ đặt sau Vũ Trọng Phụng…

Nhà văn Nam Cao qua chuyện kể của Vũ Bằng ảnh 1

Phát hiện văn tài Nam Cao một cách tình cờ

Vũ Bằng thuật lại: “Ngay lúc Tiểu thuyết thứ bảy ra khổ lớn, Nam Cao đã có viết mấy truyện gửi về báo, nhưng tòa soạn cũ không đăng, tôi quả quyết không phải là vì vấn đề dìm nhau, đố kỵ nhau, nhưng có nhiều phần chắc chắn là vì vấn đề lười nhác hay không có sự trùng hợp ý kiến giữa người viết truyện và người lựa truyện. Sở dĩ nói như vậy là vì lúc đó Tiểu thuyết thứ bảy “ăn” về độc giả bình dân, đối tượng là đàn bà con gái, thích đọc truyện ướt át, lâm ly một chút, ly kỳ một chút. Chứ những truyện “Tây” quá - nghĩa là khô khan, không có thương nhớ, không “khóc được” - thì không “ăn tiền”".

Bỗng tình cờ Vũ Bằng được giao làm Thư ký tòa soạn khi Ngọc Giao (chủ bút Tiểu thuyết thứ bảy) có ý định muốn đi Nam để kinh doanh với một người bạn nhập cảng sắt cũ. Rồi một buổi chiều xấu trời, không đi chơi tếu được, Vũ Bằng rút một vài bài ra xem thì trong số đó có một truyện của Nam Cao. Chỉ đọc độ nửa trang đầu, ông đã cảm thấy một truyện “đăng được”, và khi đọc xong thì ông bị Nam Cao cám dỗ. Ngay buổi tối hôm đó, Vũ Bằng hì hụi giở hết cả chồng bài cũ ra kiểm thì thấy Nam Cao còn có 2 truyện nữa. Ông đọc luôn một hơi và ngay sáng hôm sau, sửa qua vài chữ, vẽ ma két, đặt truyện của Nam Cao lên trang nhất, kèm một cái sa-pô giới thiệu một văn tài mới...”.  

Đó là câu chuyện Vũ Bằng đã tìm thấy “Đôi lứa xứng đôi”, hay “Cái lò gạch cũ” mà sau này đổi thành truyện “Chí Phèo”.

Nhà văn Nam Cao qua chuyện kể của Vũ Bằng ảnh 2

Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nam Cao

Và hình ảnh đầu đời của một văn tài kiệt xuất

Sau khi đăng được mươi truyện của Nam Cao ở trên tờ Tiểu thuyết thứ bảy rồi, Vũ Bằng mới biết Nam Cao bằng da bằng thịt. “Anh đi thẳng vào nhà tôi ấp úng tự giới thiệu. Vũ Bằng đã kể về cái cảm giác đầu tiên gặp Nam Cao: “Là một người hiền lành, chân thật và nhũn nhặn...” và “...Lúc đó, Nam Cao độ 23 - 24 tuổi, nhưng nếu bảo là anh 35 - 36 tuổi cũng có thể được vì anh có vẻ già trước tuổi, không ngây thơ, bụ bẫm như Tô Hoài, tuy anh và Tô Hoài là hai bạn thân và cùng một lứa tuổi với nhau...  

Anh có vẻ tính toán từng cử động, thỉnh thoảng lại đưa tay lên vuốt lại mấy cái tóc xõa xuống mang tai. Tội nghiệp, đừng có ai tưởng anh để tóc kiểu hippy, tóc anh dài quá chỉ là vì anh lười cắt, mà nguyên nhân lười là vì không… có tiền. Mùa rét chỉ có trần một bộ màu đen sọc đỏ lợt, giầy không há mõm nhưng lúc nào cũng đầy bùn. Có lẽ tại vì từ nhà anh lên Hà Nội phải đi qua nhiều quãng đường đê lầy lội.  

Ngày một ngày hai, quen biết với Nam Cao hơn, tôi biết anh là một nhà văn nghèo túng còn hơn cả Vũ Trọng Phụng... Nghèo, nhưng nhà văn Nam Cao luôn trọng nhân cách. Trong suốt cả một thời kỳ đi lại thân mật với nhau, anh không cho tôi biết anh có mấy con cả thảy, nhưng anh đã nói như thế này: “Nhà thì nghèo chật, nền nhà thì là đất nện, mưa thì dơ, nắng thì bụi, mà một lũ con oánh nhau chí chóe cả ngày... Không cố viết mà kiếm tiền nuôi chúng thì làm thế nào được hở anh?”.

Bắt đầu viết Tiểu thuyết thứ bảy, Nam Cao được 15 đồng một tháng, sau đó hình như tăng lên được 20 hay 25 đồng. Nam Cao cho như thế là tạm đủ, không thấy phàn nàn bao giờ về tiền nong. Hỏi ra thì trước khi viết báo như thế, tất cả sự sinh sống của gia đình anh dựa trên một giàn trầu. Cứ đến phiên chợ thì bà anh lại hái trầu đem bán. Nhưng bán trầu mà nuôi sống được cả nhà ư? Tôi băn khoăn tự hỏi như thế nhiều lần, nhưng không tài nào biết được Nam Cao đã làm cách nào để sống, dù là sống khổ ở một cái làng hẻo lánh nhất, nghèo khổ nhất tại một miền quê xa xôi nhất thành Nam. Nam Cao không hề cho ai biết sự thật đó...’’.

Vũ Bằng viết về bút pháp nghệ thuật Nam Cao: “...Đặc điểm của Nam Cao theo tôi là ở sự giản dị chân phương. Cũng như người anh, văn anh không cầu kỳ, nhưng “đánh phát nào trúng phát ấy”, đi sâu vào tâm hồn người ta...”.

Một quan niệm hầu như đã quán xuyến toàn bộ đời văn của Nam Cao. Những chuyện buồn tủi, trớ trêu của cuộc đời giáo Thứ (Sống mòn), Điền (Giăng sáng), Hộ (Đời thừa) đều được chắt ra từ   chính cuộc đời của nhà văn. Còn những Thị Nở, Bá Kiến, Binh Chức, Lão Hạc, Dì Hảo, Lang Rận, Trạch Văn Đoành... đều là nguyên mẫu từ cái làng Đại Hoàng khốn khó bên dòng Châu Giang, là quê hương nhà văn. 

Tôn vinh một văn tài qua đôi mắt Vũ Bằng

Là người có công phát hiện văn tài Nam Cao, rồi đến khi Nam Cao nổi tiếng, ông một lòng ngưỡng mộ, khao khát được như bạn mình: “Riêng tôi, được biết thêm Nam Cao, tôi rất lấy làm hãnh diện. Mỗi khi có bài của anh gửi về, tôi chưa đọc mà đã tin chắc là hay. Quả nhiên như thế, văn Nam Cao mỗi ngày viết một chắc chắn và sâu sắc hơn lên. Chừng một năm sau, thú thực là tôi đã buồn se sắt một thời gian vì biết rằng Nam Cao còn tiến, và vẫn tiến, chắc chắn tôi không thể nào theo kịp... Thực tình như thế, bởi vì tôi thấy Nam Cao nổi lên dữ quá, văn anh hay quá, nhiều khi đọc xong một truyện của anh, tôi lấy làm “quái lạ” sao người ta lại có thể lẩm cẩm và tài tình như thế? Sao lại có thể chọn lựa những hình ảnh, những danh từ “mả’’ thế? Sao lại có thể tạo nên một truyện giản dị mà lạ lùng đến thế?... Riêng về Nam Cao, theo sự hiểu biết thiển cận của tôi thì quả tôi chưa thấy có một nhà văn nào “dớ dẩn mà ăn người” như thế...”.

Thương tiếc bạn hy sinh trong kháng chiến, Vũ Bằng viết “...Chỉ đau có một điều là những nhà văn cỡ Nam Cao chết đi giữa lúc chiến tranh sôi động thật là một thiệt thòi rất lớn cho riêng phe văn nghệ… Vâng! Nam Cao lỗi lạc như vậy, nhưng cuộc đời khốn khó cùng cực. Chỉ những người dấn thân cho sự nghiệp mới vượt lên hoàn cảnh để sống đẹp, để cống hiến tài năng cho đời. Nam Cao là một người như vậy”.