Nhà văn Mây Hồng: Viết bằng trái tim, bằng nước mắt

ANTĐ - Gặp tôi ở một quán cà phê. Nhà văn Mây Hồng xuất hiện với lỉnh kỉnh va li hành lý. Chị phân bua vì thời gian gấp quá, chị phải trở về Pháp ngay sau cuộc trò chuyện với tôi. 

Bìa cuốn sách “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo”

Trong trẻo như cổ tích

Nhà văn Mây Hồng, tên thật là Hồng Vân, là con út trong gia đình có ba chị em cùng tên là Vân - Kim Vân, Thanh Vân. Giống như bao cô bé, cậu bé thời bấy giờ, tuổi thơ của chị đã trải qua thời kỳ chiến tranh chống Mỹ khốc liệt nhất ở Việt Nam. Năm 4 tuổi, Mây Hồng cùng hai người chị Mây Vàng, Mây Xanh theo ông ngoại rời Hà Nội, rời xa mẹ sơ tán về vùng nông thôn Hải Dương. Trong ký ức của cô bé 4 tuổi lúc bấy giờ, “sơ tán” chẳng phải là điều gì quá buồn phiền, trái lại được đi chơi, đi du lịch, được ở gần bố, lúc ấy là một bác sỹ đang làm việc tại một trạm xá ở tỉnh Hải Dương.

Cũng trong những ngày tháng đối diện với bao hiểm nguy rình rập, cái chết có thể xảy đến bất cứ lúc nào, thì sợi dây gắn bó giữa những thành viên trong gia đình, với bà con láng giềng là những người nông dân hồn hậu, chân chất đã khiến những đứa trẻ tạm quên đi sự tàn khốc do chiến tranh đem lại. “Cho đến bây giờ tôi vẫn không quên được những kỷ niệm ấy” – đôi mắt người phụ nữ 54 tuổi ánh lên niềm vui. “Hồi ấy, tôi được ông dạy cho nhảy điệu valse, ông đưa cho tôi một cán chổi để nhảy cùng. Nhưng vì cán chổi bé quá nên tôi đã ôm một cái ghế và nó đã trở thành một niềm vui đặc biệt của cô bé con là tôi khi ấy”. Những phút bình yên được ông đọc cho nghe những vần thơ của Victor Hugo và những nhà thơ lớn của Pháp, cứ thế, thuộc lòng rồi đọc vanh vách như một chú vẹt, dù chẳng hiểu hết nghĩa. Rồi niềm khao khát được đi học, đến nỗi chỉ ngồi bệt dưới nền đất trong một lớp học tồi tàn không có mái mà học chữ, học đánh vần, ngồi chia nhau những củ khoai luộc nhưng niềm vui thì ăm ắp.

Những ký ức đẹp mênh mang như thế dần che khuất đi màn đêm của chiến tranh, và khiến cho “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” – cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Pháp của nhà văn Mây Hồng không nhuốm màu bi kịch, mà trong trẻo, nên thơ như một câu chuyện cổ tích, điều mà khó có tác phẩm nào viết về chiến tranh đạt được. Chị chia sẻ: “Tôi đã viết bằng nhiều đêm, trái tim của tôi, bằng cả nước mắt. Tôi vẫn còn nhớ bầu trời có màu tro ngập trong bom đạn, tôi còn nhớ con đường đất nhuộm đỏ máu trước trạm xá ba tôi làm việc. Nhưng tôi không có ý định kể lại sự khốc liệt của chiến tranh. Hãy để sự khốc liệt ấy cho lịch sử”. 

Lá thư yêu thương gửi bố mẹ

 Cuốn sách “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” được nhà văn Mây Hồng kể lại được bắt đầu với một lý do rất “đau khổ”. Đã có một thời điểm khi Mây Hồng sống ở Pháp, chị cảm thấy khoảng trống thực sự trong cuộc đời mình mà chị mô tả là như đang ở bên bờ vực. Chị thấy mình ở một phòng bệnh, bao quanh là những bức tường trắng toát, chiếc ga trắng toát, và chỉ có một nhu cầu được nói: Bố ơi, con yêu bố! Mẹ ơi, con yêu mẹ!, từ một nơi cách xa Việt Nam hàng nghìn cây số. Thế là chị cầm bút viết, chỉ viết về ban đêm, từ 10h đến 2, 3h sáng. Quá trình ấy mất những 5 năm - một thời gian khá dài đủ để bộc bạch những cảm xúc chân thành của một đứa con gái viết lá thư yêu thương gửi bố mẹ. Cuốn sách ra đời trong một hoàn cảnh như thế, không hề có ý định để xuất bản nhưng cuối cùng đã được NXB Hội Nhà văn Pháp trao tặng giải thưởng “Tác phẩm được yêu thích nhất” năm 2013, giành được sự đón nhận ngoài sức tưởng tượng của bạn đọc các nước Pháp, Bỉ, Thụy Sỹ… khi được giới thiệu tại đây. Lần trở về Việt Nam, đã có một em học sinh người Pháp đang học tại trường quốc tế chia sẻ, cuốn sách làm cho em không còn cảm giác như một “vị khách” khi sống tại Việt Nam, càng thêm ngỡ ngàng khi “phát hiện” ra một Việt Nam khác xa với những điều em biết về đất nước này trước đây. 

Tình yêu với quê hương trong Mây Hồng đã truyền cả vào hai người con của chị. Có một điều rất thú vị ở gia đình chị là hai vợ chồng chị đã quyết định sống tại Pháp, thì hai con của chị lại quyết định quay về quê mẹ để sống và làm việc. Cô con gái đang là một giáo viên dạy tiếng Pháp ở Hà Nội, đã nghe theo tiếng gọi trái tim để gắn kết cuộc đời với một chàng trai người Việt. Trong khi cậu con trai 26 tuổi muốn thử một năm sống ở quê mẹ, nhưng cuối cùng quãng thời gian ấy kéo dài tận 6 năm và hiện đang học tập tại TP.HCM. Chị nói, đó là “lựa chọn đẹp” của các con, và chị, một người mẹ rất tự hào. Và biết đâu, sau khi hoàn thành công việc ở Pháp, chị sẽ quay lại Việt Nam, để được ngắm những nhánh hoa phượng đỏ rực, được nghe tiếng ve râm ran suốt đêm hè… Tất cả những điều ấy, là một phần Việt Nam trong chị luôn kiếm tìm.