Nhà văn Lê Minh Khuê viết về chiến tranh bằng những giọt nước mắt

ANTĐ - Đọc xong tập truyện “Nhiệt đới gió mùa” của nhà văn Lê Minh Khuê gồm 12 truyện ngắn,  tôi cứ bị ám ảnh bởi một câu hỏi tại sao một người đàn bà với vẻ ngoài điềm đạm, nhẹ nhàng và nữ tính đến vậy lại có thể viết về chiến tranh với một cách nhìn gai góc, lạnh lùng và khốc liệt đến vậy?

Gồm 12 truyện ngắn: “Nhiệt đới gió mùa”, “Xe Camry ba chấm”, “Nước trong”, “Chuyện bếp núc”, “Trên đường đê”, “Đồ cũ”, “Lãng mạn nửa mùa”, “Một mình”, “Nghĩ ngợi quần quanh”, “Ngày còn dài”, “Sống chậm” và “Ráp Việt”... đây xứng đáng là một tác phẩm “nổ” ra một cái nhìn mới về chiến tranh và thời hậu chiến.

“Nhiệt đới gió mùa”, truyện ngắn được lấy tên cho cả tập truyện, nhà văn viết về chiến tranh và thời bao cấp. Hai người đàn bà chung một chồng. Hai người anh em cùng cha khác mẹ bị ám ảnh bởi tuổi thơ không trọn vẹn. Lớn lên lại ở hai đầu chiến tuyến. Tác giả sử dụng hàng loạt những chi tiết sốc và gây hiệu ứng ám ảnh mạnh mẽ. Nhà văn Lê Minh Khuê nhìn cuộc chiến bằng cái nhìn trực diện, nhưng không áp đặt. Nhà văn viết rất tự nhiên, khách quan đến độ lạnh lùng. 

Có thể nói Lê Minh Khuê là nữ nhà văn ít ỏi thành công về đề tài hậu chiến. Ở  tác phẩm này, cái phần “con” trong con người được nhà văn đưa lên đến đỉnh điểm của lòng thù hận. Nhưng tác phẩm của bà không nhuốm màu đau thương u tối, mà hơn hết là sự bao dung giữa con người với con người. Lòng tốt sẽ tự nó trỗi dậy khi có cơ hội.

“Nhiệt đới gió mùa” đề cập đến cái chết, khiến người đọc ám ảnh về những cái chết, song cái chết được nhìn từ hai góc độ đối lập nhau. Một bên là cái chết đau đớn kinh hoàng và một bên là cái chết cao cả. Một bên là anh hùng và một bên là những kẻ độc ác. Cái chết được đề cập đến ám ảnh như những nhát cắt sắc lẹm vào lòng người đọc. Nhát cắt ấy vừa đau đớn vừa khơi dậy lên trong mỗi người khát khao được ngăn chặn tội ác. 

Theo góc nhìn của nhà văn Lê Minh Khuê, cuộc sống ngoài kia con người vẫn sử dụng bạo lực với nhau không chút đắn đo suy nghĩ, ranh giới đạo đức bị mai một. Nên khi viết về những tội ác đó nhà văn đã trần tình: “Bạn đọc hãy tha thứ cho tôi về điều đó. Nhưng, có những thứ chúng ta không nên để cho nó tiếp diễn”. 

Viết về chiến tranh khốc liệt và những cái chết đau đớn cùng cực với ngòi bút sắc lạnh, nhưng nhà văn như người đứng ngoài cục diện. Nhà thơ Bùi Việt Thắng đã đúng khi nói rằng Lê Minh Khuê “viết về chiến tranh bằng những giọt nước mắt”.  Dường như với nhà văn Lê Minh Khuê con người dù xấu xa hay khốn khổ đến đâu cũng có lúc lòng tốt bay tới đậu trên vai họ. Kết thúc mỗi câu chuyện lòng thù hận lại được hàn gắn bằng sự vị tha và tình yêu mến,  bằng khát khao được sống lại một cuộc đời khác tươi sáng hơn.

Càng đọc Lê Minh Khuê càng thấy trong con người nhỏ bé ấy một nội lực văn chương phi thường, nó xuất phát từ tình yêu thương con người và khát khao bình yên hạnh phúc. Dù văn chị có nhìn cuộc sống ở góc độ nào, kể cả là khốc liệt và tàn nhẫn thì nó vẫn mang những giá trị nhân văn cao cả hướng con người đến chân -thiện - mỹ, giúp con người nhìn nhận cuộc sống vị tha nhân ái hơn.