Nhà văn "Hương ga" tiết lộ lý do "chăm" viết tiểu thuyết hình sự

ANTĐ - Tiếp tục đào sâu về đề tài trinh thám, hình sự, sau thành công của cuốn “Phiên bản” được chuyển thể thành bộ phim “Hương ga”, nhà văn Nguyễn Đình Tú tiếp tục thể nghiệm mình với cuốn tiểu thuyết “Cô Mặc Sầu”. Cùng với cuốn sách này của anh, 3 tác phẩm “Vực Gió”, “Bão ngầm” và “Thành phố không có cầu vồng” là những tác phẩm “nóng” nhất đề tài hình sự được NXB CAND ra mắt dịp này.

Tại buổi giao lưu giới thiệu, ra mắt 4 cuốn sách đạt giải trong cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tàu “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” diễn ra trong  khuôn khổ Hội chợ sách Quốc tế - Việt Nam 2015 tại Công viên Thống Nhất sáng ngày 19, 4 nhà văn Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Đào Trung Hiếu và Nguyễn Hữu Phùng Nguyên đã cùng chia sẻ với độc giả về những trải nghiệm và tìm tòi của mình trong mảng đề tài về các vụ án.

4 cây bút xuất sắc về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”

Nhà văn Đào Trung Hiếu - tác giả “Bão ngầm”, cuốn tiểu thuyết “Bão ngầm” đạt giải cao nhất của cuộc thi cho hay, nguồn chất liệu để anh viết nên tác phẩm được đúc rút từ chính 18 năm làm trinh sát. Anh cho biết, hoạt động phòng chống tội phạm ma túy là lao động mang tính chất chuyên sâu của lực lượng công an, có những điều không thể lý giải một cách công khai, nên anh dùng tiếng nói văn chương để truyền tải những điều khó lý giải ấy. “Bão ngầm” cũng đang trên đường chuyển thể thành phim trong sê-ri “Cảnh sát hình sự”.

Tác giả Đào Trung Hiếu

Giống với tác giả Đào Trung Hiếu, nhà báo chuyên viết về phóng sự ở báo Tiền phong Nguyễn Hữu Phùng Nguyên cũng tập trung viết về mảng đề tài ma túy. Tuy nhiên, ở cuốn tiểu thuyết “Thành phố không có cầu vồng”, anh lại tập trung khai thác một loại hình mới - tội phạm có tri thức. Đây được đánh giá là cuốn tiểu thuyết cực kỳ dữ dội về đề tài đấu tranh phòng chống ma túy.

Nhà văn Nguyễn Hữu Phùng Nguyên

Là cây bút quen thuộc với độc giả, chính nữ nhà văn Phong Điệp cũng khẳng định, khi viết “Vực gió” là chị đang dấn thân vào một thử thách mới và đây cũng là cuốn sách đầu tiên chị viết về mảng đề tài tội phạm. Chị tâm sự, việc hàng ngày đọc báo chí, mạng Internet, được đi nhiều nơi, chứng kiến cái ác hoành hoành, gây ra những nỗi đau không thể nào bù đắp là động lực để chị nung nấu câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết mang màu sắc “liêu trai” hấp dẫn “Vực gió”.

Nhà văn, nhà báo Phong Điệp

Đối với nhà văn Nguyễn Đình Tú, thì cuốn “Cô mặc sầu” đã là cuốn tiểu thuyết thứ 3 trong số 8 tác phẩm mà anh đã ra mắt, tập trung khai thác về đề tài các vụ án hình sự. Sau thành công của “Hồ sơ một tử tù” và tiếp đó “Phiên bản” đã được chuyển thể thành bộ phim “Hương ga”, Nguyễn Đình Tú cho biết, chính độc giả là người xúc tác cho anh viết nên những cuốn tiểu thuyết trinh thám. Bởi sau mỗi lần xuất bản một cuốn sách, người đọc lại gửi thư, động viên, thậm chí yêu cầu anh viết thêm về các vụ án. Thâm nhập vào “Cô mặc sầu” độc giả mới thấy hết tay nghề của Nguyễn Đình Tú khi tái hiện các vụ án liên tiếp xảy ra trong bồi cảnh thung lũng, rừng núi với đầy đủ các yếu tố ly kỳ, các thủ đoạn mưu mô, lòng tham và cả sự ra tay tàn độc...

 

Nhà văn Nguyễn Đình Tú

Cả 4 cuốn sách trên sẽ được NXB CAND gửi đến độc giả với giá ưu đãi trong Hội chợ sách Quốc tế 2015.