Nhà văn Đoàn Thạch Biền: "Văn chương là ly café pạc xỉu"

ANTĐ - Đoàn Thạch Biền là cái tên được yêu chuộng và tìm đọc nhiều năm qua, nhất là với độc giả tuổi mới lớn, sinh viên. Văn ông đằm, lãng mạn và luôn giàu tình cảm, hướng thiện, là dấu hiệu nhận ra Đoàn Thạch Biền, tác giả “Tình nhỏ làm sao quên” đã chuyển thể thành phim truyện đình đám gần 20 năm trước và nhiều truyện ấn tượng khác.

Khuôn mặt và vóc dáng khó đoán tuổi, Đoàn Thạch Biền cho tôi cảm giác thức dậy tuổi trẻ. Bởi với tư cách “chủ xị” Tuyển tập thơ văn Áo trắng, ông đã phát hiện động viên, dìu dắt nhiều cây bút học trò dám “can đảm”, say sưa viết văn, làm thơ. Những bài thơ, truyện ngắn hồi tôi học lớp 10 trường Yên Hòa, nhận hồi âm bằng mấy dòng chữ đẹp viết bút bi xanh, gửi kèm báo biếu và nhuận bút, là của “Chú Biền”, sao quên được. Như không quên lần đầu vào TP Hồ Chí Minh, mùa mưa 1999, nhà văn Đoàn Thạch Biền đón, mời tôi uống nước La Hán quả, lần đầu biết đến thứ quả này.

Không ít lần gặp “ông Biền” trong quán, những cuộc nhậu đông bè bạn, tôi đến gặp một lát rồi đi. Tôi không thích tiếng “Dzô dzô” và ăn uống ồn ào. Ở chốn ấy, ông vẫn là người lặng và dịu dàng.

14 năm kể từ lần đầu gặp, giờ Sài Gòn cũng cuối mùa mưa. Không khí và ánh sáng như thu Hà Nội. Chạy qua những hàng me phố (phố nhỏ, hẻm lớn, người Sài Gòn đều gọi là “đường”), tôi đến nhà hàng Khai Phương, 23B Nguyễn Thị Diệu, quận 3. Qua khoảng sân nhiều cây lá, tôi vào tầng 1. Chỉ có 1 khách. Đoàn Thạch Biền chờ tôi ở đấy rồi.

“Một nơi sáng sủa và sạch sẽ, như E. Heming Way viết. Được không?” - Đoàn Thạch Biền mở đầu. Ông ngụm chậm Heineken, loại bia mà mà ông dịch chữ “Ken” thành “Không em nào thương”.

- “Cận cảnh” Đoàn Thạch Biền vẫn phải công nhận ông trẻ lâu. Có thể vì mái tóc bao năm vẫn vậy. Nhìn ảnh ông trên bìa sách hơn 30 năm trước cũng thế!

- Thập niên 70 thế kỷ trước, thanh niên hâm mộ ban nhạc Beatles, đua nhau để tóc, mặc quần bò, đeo kính kiểu John Lennon. Tôi thấy hợp và trung thành kiểu tóc này.

- Rời miền Bắc từ nhỏ, giọng ông vẫn còn âm sắc Bắc?

- Nhà tôi ở phố Năng Tĩnh, thành phố Nam Định, nay chỉ còn chú ruột và vài họ hàng. Mỗi lần ra Bắc, không quá gấp, tôi đều cố gắng về quê.

- Đọc truyện của ông, thấy rõ ông yêu văn, đọc sách nhiều, hiểu Triết học, biết tiếng Pháp - Anh và đa cảm nữa?

- “Tôi” không phải luôn là tác giả, nhưng có thể hiểu về tác giả qua không gian, tác phẩm, cách xây dựng, tính cách và tâm hồn nhân vật.

- Vâng, tôi đã xúc động khi đọc tập truyện đầu tay của ông “Ví dụ ta yêu nhau”, tái bản mấy lần, trong đó có đoạn: “Một đời người dù khổ đau khốn cùng, khi nhìn lại nếu không quá khắt khe, ai cũng nhận ra mình đã sống nhiều năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp. Đấy là những năm tháng yêu thương tưởng như mộng ảo, nhưng cơn ngầy ngật đắm say vẫn còn rung động suốt một đời người”.

- Đây chính là lời máu thịt lời của tâm hồn. Thời tuổi trẻ vẫn thức trong tôi, cho tôi sống trẻ bằng sự trân trọng thời gian và hướng tới vùng tươi đẹp bằng kí ức trong trẻo ấy. Tập truyện đầu tay này in tháng 9-1974, tôi kí tên thật Nguyễn Thanh Trịnh. Tôi dạy học từ 1972 - 1975, có rung cảm thầy trò gần với tình yêu, vì thuở ấy tôi là thanh niên độc thân, song vẫn giữ ở sự mơ mộng ẩn kín. Học trò của tôi, em là bí thư huyện ủy, em thành hiệu trưởng, có em là doanh nhân mở resort, thỉnh thoảng điện thoại thăm, mời thầy ra Phan Rí. Tôi nhớ mãi miền đất ấy: cát, sông, biển, núi, nắng nóng, nông dân trên cát và ngư dân nước mặn.

- Ông từng là một phóng viên lâu năm của Ban Văn hóa Văn nghệ Báo Người Lao động, còn giới nghề và công chúng vẫn nhớ đến ông là một nhà văn. Công việc của một nhà báo tác động đến sáng tác văn chương thế nào, thưa ông?

- Đến lúc về hưu, 2008, tôi có 29 năm công tác tại Báo Người Lao động. Làm báo, phải nhạy bén, nắm thông tin nhanh, gặp gỡ nhiều người nhiều sự kiện, cho mình dữ liệu để viết. Đến giờ, tôi vẫn giữ các antene ấy, cập nhật tin tức mỗi giờ, vẫn viết báo.

- Và kiên trì nuôi dưỡng tờ Áo trắng, dù cuộc sống quay cuồng mưu sinh và thực dụng khiến người ta không còn say mê văn học như xưa, lớp trẻ cũng rất ít người mặn mà theo đuổi lâu dài?

- Tôi làm tờ Áo trắng từ năm 1990, khi ấy nó là tập san của NXB Trẻ, 3 vạn bản/số/tháng. Nay Áo trắng do Báo Tuổi trẻ bảo trợ, ra 2 kỳ/tháng, tirage chỉ còn dưới 1 vạn/số. Tôi làm cùng hai ông bạn Nguyễn Đông Thức, Lê Minh Quốc

- Ông uống khá nhiều và Sài Gòn có một nếp là dân văn nghệ gặp nhau là phải uống. Ông không giữ sức khỏe sao?

- Chẳng riêng gì dân văn nghệ, giới nào bây giờ chẳng uống, chỉ có khác là uống gì, uống thế nào và với ai? Uống là phạm trù văn hóa nhân loại đấy nhé (Cười). Tôi bị gút, huyết áp cao, “sống  chung với lũ” thôi. Mỗi người có một thú vui, không thể bỏ hết. Có “băng” điện ảnh, có “băng” văn chương, có “băng” sân khấu, mỗi “băng” một đội hình hội tụ tại các quán quen khác nhau, vào giờ tùy hứng hoặc cố định.

Tôi đã là người đàn ông 3 không: không ham danh vọng, không mê tiền bạc, không sống cùng đàn bà nào. Lại bỏ rượu bia thì thành... sống như chết. Hay là “sống như chết” nên thần chết tưởng mình chết mà “bỏ qua”? Tôi  từng sợ chết, may đã tập được sự điềm tĩnh chấp nhận quy luật.

- Ông là người tự do?

- Người đàn ông tự do sống trong cư xá Tự Do, phường 7, quận Tân Bình. Ba tôi mất năm 2008, còn mẹ tôi (SN 1929), sống với em gái cùng chung cư. Ba con gái của tôi đã trưởng thành, sống riêng. Tiếc là tôi chưa có dịp đưa chúng về quê Nam Định. Chúng sinh trưởng ở TP Hồ Chí Minh và như người ở đây, từ giọng nói. 

- Bìa 4 cuốn “Tình nhỏ làm sao quên” vừa tái bản ông viết: “Chúng ta thường quan tâm đến nhiều chuyện “lớn” và dễ dàng quên chuyện “nhỏ như con thỏ”. Nhưng chuyện “nhỏ” nếu tìm hiểu đến cùng, nó cũng khiến ta day dứt khó quên. Ông bà ta thường nói: “Đừng khinh lỗ nhỏ, lỗ nhỏ đắm thuyền”. Nếu chúng ta dễ dàng quên chuyện tình nhỏ, chúng ta cũng dễ dàng quên được chuyện tình lớn”. Một đời người có thể nhiều cuộc tình, phải nhớ hết sao?

- Cái gì đẹp thì nên nhớ và biết giữ, dù chỉ trong ký ức.

- Tôi thương mà em đâu có hay, Tôi hay mà em đâu có thương, Bất ngờ phía trái tim, Đừng đốt cháy bông hồng, Mùa Hè khắc nghiệt, truyện ngắn và vừa của ông hằng để lại dư vị khó quên. Nổi bật nhất, theo tôi, là cách chia sẻ của nhà văn và qua nhân vật tìm thấy sự  ấm áp, nhân hậu, mơ mộng ngay quanh ta, những triết lý này tự nhiên từ các cảnh huống khiến người  ta rung động.

- Đấy cũng là cách sống. Công ty sách Phương Nam đã ký hợp đồng mua bản quyền 10 tập truyện Đoàn Thạch Biền để khai thác in ấn trong 5 năm, từ 2013 - 2018. Loạt truyện của tôi đang tái bản và tiếp tục được tìm đọc, khiến tôi rất vui.

- Ông còn viết kịch?

- Kịch bản Đêm của cỏ đã được đưa lên sân khấu. Nó và vở Buổi tập kịch đầu tiên in sách từ lâu.

- “Tình nhỏ làm sao quên” là một mối tình của ông?

- Có thể (Cười) bao giờ cũng có một phần tôi trong tác phẩm. Truyện này đã được Lê Hoàng Hoa (đạo diễn đã làm Ván bài lật ngửa), dựng thành phim, vai chính do Đơn Dương, Mỹ Duyên đóng.

- Ông vẫn đủ sức khỏe rong ruổi khắp các tỉnh bằng xe máy phân khối lớn làm từ thiện?

- Tôi và nhà văn Nguyễn Đông Thức cùng nhau đi trao quà các học sinh nghèo miền Tây Nam bộ. Quyên góp và đến tận nơi gặp các cháu, là một trải nghiệm từ tâm. Tôi cao 1m65, hơn 50kg, 65 tuổi, lại không cho phép mình “già”.

- Đi, cũng là nhằm nạp dữ liệu cho sáng tác tiếp theo?

- Tôi cho rằng, thiếu vốn sống, năng lực tưởng tượng, không thể làm nhà văn. Ở Sài Gòn, nơi có 1 triệu người Hoa sinh sống, có từ “pạc xỉu”, nghĩa là cafe có sữa. Văn chương như ly cafe “pạc xỉu”. Sữa là sự tưởng tượng, cần thêm vào cho thơm, ngọt ngào, nhưng hiện thực, gốc vốn sống là cafe. Người pha cafe có cảm hứng mới làm nên sự hấp dẫn cho người ta muốn uống.

- Ly pạc xỉu tiếp theo của ông?

- Tôi muốn ra Hà Nội cuối thu. Thích ăn phở Hà Nội và phở bò Nam Định. Đã có Phượng yêu, tôi đang viết Sắc như mắt Phượng. Phượng là nhân vật chính bị mù, nhưng cô luôn linh cảm thấy được nhiều chứ mà người sáng mắt không thấy.

- Xin cảm ơn ông!

 Kết thúc cuộc chuyện trò, Đoàn Thạch Biền đứng bên khung cửa sổ “pạc xỉu” cho tôi chụp ảnh. Ông không thích trực diện mà quay nghiêng trước ống kính. Gọi là cửa sổ “pạc xỉu”, vì nó là cửa sổ vẽ bằng sơn xanh trên bức tường trong nhà hàng, đứng ở đó, nhìn vào nó, người ta phải lập tức hình dung ra một khung trời.

Đoàn Thạch Biền vẫn tạo được nhiều cảnh cuốn hút từ những “khung cửa” - trang sách của ông.