Nhà văn Đỗ Bích Thúy làm diễn giả "Khi nhà văn bàn về giới"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhà văn Đỗ Bích Thúy, tác giả của nhiều tác phẩm văn học đã được chuyển thể thành kịch bản phim như "Chuyện của Pao", "Lặng im dưới vực sâu", "Người yêu ơi", "Chúa đất"... sẽ làm diễn giả buổi nói chuyện "Khi nhà văn bàn về giới", xoay quanh chủ đề giới và nữ quyền trong văn chương.

"Khi nhà văn bàn về giới" là hoạt động nằm trong chuỗi dự án sử dụng nghệ thuật nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, xoá bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới, do Ơ Kìa Hà Nội tổ chức.

Buổi nói chuyện sẽ được tường thuật trực tuyến tại https://www.facebook.com/events/282786896605672 vào 20h ngày 12/9.

Tại buổi thảo luận, người tham dự sẽ có dịp giao lưu với nữ nhà văn và cùng bàn luận về một chủ đề khá thú vị-bình đẳng giới cũng như quan niệm của nhà văn trong sáng tác.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy sinh năm 1975, trong một thung lũng của người Tày tại Hà Giang, nơi sau này trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong các sáng tác của chị. Đỗ Bích Thúy viết về miền núi với tất cả thương cảm, trong vắt, mênh mang, dạt dào chất thơ.

Bộ phim điện ảnh "Chuyện của Pao"

Bộ phim điện ảnh "Chuyện của Pao"

Hơn 20 năm cầm bút, Đỗ Bích Thúy đã xuất bản được 21 cuốn sách, đều đặn trung bình mỗi năm một cuốn, đủ thể loại từ truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, tản văn.

Chưa kể sáng tác của Đỗ Bích Thuý đặc biệt có duyên với điện ảnh, nhiều tác phẩm văn học đã được chuyển thể thành kịch bản phim như "Chuyện của Pao", "Lặng im dưới vực sâu", "Người yêu ơi", "Chúa đất"...

Nhà văn Đỗ Bích Thúy

Nhà văn Đỗ Bích Thúy

Nhân vật của Đỗ Bích Thúy hầu hết là những người phụ nữ khao khát yêu thương. Đàn bà trong văn chương của Đỗ Bích Thúy có mặt ở mọi mặt cuộc sống, trên vùng rẻo cao bạt ngàn đá xám Hà Giang. Cuộc đời họ trải qua mọi cung bậc cảm xúc thăng trầm, khi ấm êm, hạnh phúc, lúc man mác, u buồn, tuyệt vọng. Những người đàn bà cả đời lặng lẽ sầu thương vì chuyện tình dang dở, vì những lề luật, thói tục lạc hậu, đói nghèo quấn riết... đè nén lên kiếp phận của họ. Nỗi buồn đau của người nữ trong văn chương Đỗ Bích Thúy là thứ đeo bám dai dẳng, mà họ không còn cách nào khác là phải lĩnh trải.

Sau 10 năm làm Phó tổng biên tập VNQĐ, hiện nhà văn Đỗ Bích Thúy đã lui về Ban sáng tác Tạp chí Văn nghệ Quân đội, dành nhiều thời gian cho những dự án cá nhân.