Trộm đột nhập ngày càng tinh vi

Nhà to vẫn lo mất của

ANTĐ - Một thực tế đáng lo ngại là chính những tòa chung cư cao tầng hay biệt thự sang trọng mới là nơi các đối tượng đột nhập nhằm đến. Ngoài áp dụng đủ loại mánh khóe để qua mặt bảo vệ cũng như thiết bị an ninh, thì thời gian gần đây, tội phạm còn lợi dụng những sơ hở trong việc thiết kế, xây dựng các công trình để “nẫng” tài sản.

Chung cư và biệt thự đang là đích ngắm của đối tượng trộm cắp

Chung cư tiền tỷ, chưa hẳn an toàn

Mới thoáng qua, không ai nghĩ những căn hộ biệt lập, luôn khóa cửa im ỉm lại là hiện trường của những vụ án bí ẩn, gây hoang mang dư luận. Bởi như suy nghĩ của nhiều người dân, kẻ lạ muốn vào tòa nhà đã khó, huống hồ còn phải phá khóa rồi tẩu tán cả đống đồ đạc cồng kềnh sao cho không bị bảo vệ phát hiện. Tuy nhiên như hé mở từ một trinh sát hình sự thì do nhiều chung cư được xây dựng không đảm bảo an toàn, cộng thêm lối sống khép kín theo kiểu “đèn nhà ai nhà ấy rạng” giữa các hộ dân nên vô hình trung đã tạo điều kiện cho các đối tượng trộm cắp hoạt động.

Đầu năm 2013 vừa qua, tại tòa chung cư  nằm trên địa bàn phường Văn Quán (quận Hà Đông) liên tiếp xảy ra gần chục vụ mất cắp tài sản với tổng giá trị khá lớn. Trong tất cả các vụ án, lực lượng cảnh sát đều tổ chức rà soát, khám nghiệm hiện trường nhưng không phát hiện được dấu vết. Kết quả “mổ” băng ghi hình an ninh tại khu vực ra vào tòa nhà kết hợp với lời khai của nhân viên bảo vệ đều cho thấy không có người lạ xuất hiện trong các ngày xảy ra sự việc. Mọi nghi ngờ chỉ sáng tỏ khi cơ quan công an bắt giữ được kẻ gian – một nam thanh niên thường xuyên đến tòa chung cư thăm họ hàng. “Nguồn cơn” sự việc được bắt nguồn khi đối tượng phát hiện ô thoáng trong khu vệ sinh của các hộ dân chỉ lắp cửa kính, không có chấn song. Vì vậy không mất quá nhiều thời gian và công sức, đối tượng đã có thể chui vào nhà, sau đó khoắng tài sản, xóa dấu vết rồi đàng hoàng bước ra theo lối cửa chính. Vì thấy nam thanh niên này vẫn thường xuyên qua lại, có lúc còn tá túc tại nhà người quen nên các nhân viên bảo vệ không đề phòng, hoặc nhầm với người sống trong chung cư.

Trong các vụ án được khám phá gần đây, nhiều đối tượng trộm cắp đã khai nhận lý do chọn chung cư làm nơi đột nhập là vì ở đây ít khi bị người lạ “ngáng đường”. Nếu trộm cắp tại các xóm trọ, khu dân cư, kẻ gian luôn phải bố trí đồng bọn cảnh giới để tránh bị hàng xóm phát hiện thì ở chung cư, chúng chỉ cần lọt vào các căn hộ là có thể thoải mái lục soát. Chuyên án trộm cắp vừa được CAQ Hà Đông khám phá mới đây là một ví dụ. Trong đêm gây án đó, đối tượng sử dụng thủ đoạn phá khóa để đột nhập vào căn hộ của một người đàn ông sống độc thân. Rạng sáng, các gia đình xung quanh nghe thấy nhiều tiếng động lạ, đồng thời cũng biết chủ căn phòng bên cạnh đang vắng nhà nhưng không ai kiểm tra hay thông báo sự việc cho lực lượng bảo vệ. Phải vài ngày sau, khi cơ quan công an bắt quả tang đối tượng đang thực hiện một “phi vụ” khác, rồi dẫn giải đến tòa chung cư để xác định hiện trường vụ án có liên quan thì người dân gần đó mới biết phần lớn tài sản có giá trong căn hộ đã “bốc hơi”, trong khi cửa ra vào vẫn khép hờ từ đêm xảy ra trộm cắp.

Chỉ camera thôi chưa đủ

Khu làng biệt thự theo phong cách châu Âu nằm trên địa bàn phường Mộ Lao, quận Hà Đông là một trong những khu biệt thự chất lượng cao của Hà Nội. Chủ sở hữu những căn nhà tiền tỷ này đều là người có điều kiện kinh tế khá giả. Do đó khi được cơ quan công an khuyến cáo, nhiều hộ dân đã lắp đặt hệ thống camera và gia cố lại toàn bộ cửa cổng, cửa ra vào. Thế nhưng tình trạng trộm cắp vẫn xảy ra, thậm chí số tài sản bị mất cắp còn có giá trị gấp nhiều lần những vụ việc tương tự xảy ra tại các địa bàn lân cận. 

Sau rất nhiều ngày điều tra, nghiên cứu từng dấu vết tại hiện trường, cơ quan công an đã xác định được “đường đi” và danh tính hung thủ. Kẻ chuyên đột nhập vào các ngôi biệt thự kín cổng cao tường là gã trai không nghề nghiệp thuê trọ gần đó. Hàng đêm, y điều khiển xe máy đi lòng vòng để “tăm tia” các tòa nhà nằm ở các vị trí thuận lợi. Sau khi chọn thời cơ, đối tượng chất gạch thành bậc thang để vượt qua tường rào và sử dụng dây leo, móc sắt để trèo lên ban công. Do đã tìm hiểu kỹ lưỡng nên trước khi lục soát tài sản, tên trộm tìm cách ngắt cầu dao điện hoặc đột nhập qua các cửa kính không có chấn song để vô hiệu hóa thiết bị ghi hình. Có nhiều vụ, đối tượng gây án đã lấy được chìa khóa, sau đó mở toang cửa ra vào đưa ti vi, máy tính, đầu thu kỹ thuật số và xe máy ra ngoài.

Phân tích và cảnh báo về tình trạng này, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội cho biết, nhiều người mới chỉ quan tâm đến việc gia cố cửa chính, cửa cổng mà không biết rằng cửa ngách, cửa sổ và cửa thông ra ban công mới là lối đột nhập chính của các đối tượng trộm cắp. Nguyên nhân xuất phát từ việc nhà đầu tư muốn cắt giảm chi phí xây dựng nên chỉ lắp đặt các loại cửa, khóa rẻ tiền, dễ bị cạy phá. Một nguyên nhân nữa liên quan đến việc thiết kế các căn biệt thự và hạ tầng kèm theo cũng được cơ quan công an chỉ ra. Đó là do diện tích có hạn nên nhiều tường rào, cây xanh, cột đèn chiếu sáng được bố trí sát với ban công, cửa sổ hoặc tường rào. Với các đối tượng trộm cắp thì đó giống như điều kiện “lý tưởng” giúp chúng gây án. Hơn nữa, nhiều chủ nhà sau khi lắp đặt thiết bị ghi hình có tâm lý chủ quan, thiếu cảnh giác và không biết rằng, camera chỉ có chức năng giám sát, muốn chống trộm phải lắp đặt thêm nhiều dụng cụ máy móc, kèm theo là ý thức phòng ngừa, tự bảo vệ tài sản.