Nhà thơ Yến Lan: Nàng thơ và nỗi niềm "Bóng giai nhân"

ANTĐ - LTS: Nhiều năm nay, nhà thơ - nhà báo Tân Linh gửi bài cộng tác tới tòa soạn ANTĐ kèm theo lời nhắn: “Mình sẽ viết đều cho ANTĐ”. Nhưng rồi bạo bệnh đã khiến lời hứa của anh không trọn vẹn. Anh ra đi đầy bất ngờ, khi mọi người xung quanh đều nghĩ, anh có thể chiến thắng được căn bệnh ung thư quái ác. Mười mấy năm qua, cái tên Tân Linh đã được nhiều thế hệ độc giả thân thiết của Báo ANTĐ biết đến qua những bài báo đầy tính nhân văn, đặc biệt là những bài báo mà anh viết về Hà Nội. Bài viết về nhà thơ Yến Lan dưới đây là bài viết cuối cùng mà tòa soạn Báo An ninh Thủ đô nhận được từ nhà thơ, nhà báo Tân Linh. Xin tiễn biệt anh, một đồng nghiệp yêu mến của chúng tôi!

Nhà thơ Yến Lan: Nàng thơ và nỗi niềm "Bóng giai nhân" ảnh 1

Nhà thơ Yến Lan tên thật là Lâm Thanh Lang, ông xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo đất Bình Định. Cả tuổi thơ ông phải sống trong chùa Ông của thị trấn An Nhơn, Bình Định.  Bút danh Yến Lan là do ông ghép tên của hai giai nhân vốn là bạn của nhau. Tôi may mắn có dịp trò chuyện với chị Lâm Bích Thủy, con gái nhà thơ và được biết thêm về những giai thoại trong đời nhà thơ.

Những vần thơ từ một chuyện tình trắc trở

Trong lớp thầy giáo Lang có 2 cô gái trông rất nền nã, xinh xắn. Một cô tên Yến, một cô tên Lan, hai cô thân nhau như chị em ruột. Thầy Lang biết làm thơ và có tài kể chuyện, lại rất dí dỏm nên ai cũng thích.

Vì thầy giáo ăn nói có duyên, người mảnh mai, dáng trí thức và đẹp trai nên cả hai cô đều thầm thương, trộm nhớ. Một hôm, thầy Lang nghe lỏm được câu chuyện của hai người: “Tao với mày chơi thân như thế này, sau này có lấy chồng chỉ lấy một người thật đẹp trai làm chồng chung để tụi mình khỏi phải xa nhau”. Thầy Lang cười thầm ý nhị…Ít lâu sau, cô Yến theo gia đình chuyển vào Nha Trang. Còn mình cô Lan ngày mong đêm nhớ thầy Lang…

Chị Lâm Bích Thủy có vẻ rất tự hào về người cha nhân từ, đáng kính của mình. Cả những câu chuyện riêng tư của ông, cũng được chị xem như là những kỷ niệm đẹp trong đời. Con gái nhà thơ kể: “Trong thị trấn bé nhỏ ấy, gia đình cô Lan (mẹ tôi) thuộc loại khá giả.

Nhiều nhà giàu có ở huyện muốn hỏi cưới cho con trai, nhưng cô Lan không chịu. Cô chỉ đem lòng yêu chàng thi sĩ nghèo họ Lâm đó thôi. Cha cô không tán đồng việc cô yêu chàng vì “không môn đăng hộ đối”. Nhưng rồi đến lúc có nhà khá giả trong vùng đến hỏi, cô bằng lòng thuận ý cha. Rồi việc lấy chồng ấy của cô Lan là một bi kịch khi người chồng rất gia trưởng, vũ phu và khắc nghiệt.  

Không lấy được chàng thi sĩ, lại thất vọng vì chuyện hôn nhân, cô Lan trốn nhà đi tu tại chùa Sư Nữ, Phan Thiết. Chàng thi sĩ họ Lâm nghe tin, khăn gói đi tìm, vì thế mới có bài “Phan Thiết”:

Ôi Phan Thiết, sông Cầu, Lăng Cô, Đà Nẵng

Đến một lần chỉ để nhớ mãi không khuây

Đêm lạnh, tóc mai dầm hướng gió

Nặng tình xanh, trăn trở giữa chăn đơn

Tôi thức uống bầu sao từng hớp nhỏ

Gạn vô lòng chất biếc mỗi tình thương

Bốn năm sau, thấy không thể tách rời đôi trẻ nên gia đình đành chấp nhận cho họ lấy nhau. Trong giai đoạn gian nan nhất, cô Yến từ Nha Trang thường viết thư động viên, vun đắp cho hai người. Lần đi tản cư, cả gia đình cô Yến bị lật thuyền, chết. Nhớ lại câu chuyện tâm tình xưa của hai người, và để kỷ niệm tình bạn của họ, Yến Lan  viết bài thơ nổi tiếng  “Bến My Lăng”:

“Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách

Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu”

Nghi án được hóa giải

Thơ Yến Lan nhẹ nhàng trầm lắng nhưng sâu sắc. Nói như  Hoài Thanh - Hoài Chân khi viết về Yến Lan trong cuốn sách nổi tiếng “Thi nhân Việt Nam”: “Nó chỉ mất một tí rõ ràng, để được thêm  rất nhiều thơ mộng. Yến Lan cũng làm thơ lối ấy, nhưng Yến Lan đi quá xa. Xem thơ Yến Lan tôi mơ màng như đi trong mây mù. Khi đầu thì cũng hay hay, nhưng dần lâu cơ hồ ngạt thở. Chỉ thấy mờ mờ những con đường chảy, êm như những dòng sông và nhất là cái vầng trăng vốn thường ám ảnh các nhà thơ Bình Định…”. (Thi nhân Việt Nam - năm 1942).

 Yến Lan viết kịch thơ “Bóng giai nhân” tại Huế, trong những ngày lang thang cùng với Nguyễn Bính và Vũ Trọng Can. Chính Yến Lan đã kể: “Từ trước đến nay “Bóng giai nhân” đã phải mang tên hai tác giả (là do lúc viết  ra ở Huế, tôi và Nguyễn Bính ở chung một nhà, cả Vũ Trọng Can) để cho đủ tên 2 nhà thơ  mới hấp dẫn. Giá lúc ấy Vũ Trọng Can lại là nhà thơ nữa thì có khi có cả tên vào đó”. 

Nhà thơ Hoàng Cầm kể: Mấy chàng văn thi sĩ lang bạt về Huế thì hết tiền uống rượu, đành nghĩ cách viết kịch rồi dựng và diễn kiếm tiền, họ đã đề nghị Yến Lan viết kịch bản thơ. “Bóng giai nhân” ra đời trong hoàn cảnh éo le vậy, hai nhà thơ ở chung một nhà cùng với nhà báo Vũ Trọng Can nên họ đã để thêm tên Nguyễn Bính vào.

Và tên Nguyễn Bính xuất hiện bên cạnh tác giả Yến Lan cho thêm phần hấp dẫn khán giả, bởi lúc đó Nguyễn Bính đã nổi tiếng trên thi đàn. Nhà thơ Yến Lan đâu biết được số phận của đứa con tinh thần ấy sau này có nhiều rắc rối… Nhiều ấn phẩm chỉ để tên tác giả “Bóng giai nhân” là Nguyễn Bính, có cuốn ghi : “Nguyễn Bính soạn theo phác thảo của Yến Lan”. Sự thực không phải vậy. Đó là sự nhầm lẫn đáng tiếc. Ngay Nguyễn Bính cũng không thừa nhận việc để tên mình là tác giả “Bóng giai nhân”.

Vậy là câu chuyện văn chương, mà có lúc được xem như một nghi án ấy, đã được hóa giải. Hẳn ở nơi xa xôi ấy, ông ngậm cười…