Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Tự lái xe nhà đi làm phim

ANTĐ - Cả đời làm phim vẫn chưa bao giờ hết cảm giác “thèm làm phim”. Kể cả chả có xu kinh phí nào thì vẫn cứ lên đường, tự lái xe nhà vào Quảng Trị làm phim như thường. Đã thế lại còn bảo bằng lái xe là cái bằng “hứng thú” nhất, “thích” nhất. Người đàn bà ấy là nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát.
Nhà  thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Tự lái xe nhà đi làm phim ảnh 1

- Ở cái tuổi “Tuổi năm mươi tri thiên mệnh lâu rồi” (thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát) mà vẫn phóng xe ô tô, lướt web ầm ầm, lại còn lên “phây” liên tục, mà lại sử dụng ngôn ngữ rất “xì tin”, xem ra, chị vẫn chưa chịu già? 

-  Mình chữa lại là “tuổi sáu mươi tri thiên mệnh” nhé. Zừ quá rồi còn gì... nhưng vẫn thích phóng xe ô tô vì đây cũng là một hình thức thể thao đấy. Luyện sức khỏe, luyện dây thần kinh, luyện sự phản xạ nhanh tránh tình trạng trì trệ của tuổi già. Tha thiết mong các anh cảnh sát giao thông Hà Nội nhỡ có “bắt gặp” mình thì thông cảm cho nhé. (Đừng phạt bà lão mà còn lái xe đấy dù mình vừa đổi bằng lái những 10 năm nữa mới hết hạn cơ). Bật mí nhé, hồi tháng 6 vừa rồi bọn mình tự lái ô tô đi chọn cảnh ở Quảng Trị đấy. Bộ Tài chính chưa cấp cho xu kinh phí nào dù dự toán phim “Những đứa con của làng” do HONG NGAT FILM sản xuất đã được Liên Bộ (Bộ TC và Bộ VH-TT&DL) duyệt từ tháng 11-2012... 8 tháng trôi qua mọi việc vẫn dẫm chân tại chỗ. Vì chưa có kinh phí nên bọn mình phải lấy xe nhà để đi và thay nhau lái cho đỡ tốn kém. Trên xe có mỗi đạo diễn Nguyễn Đức Việt và mình biết lái nên hai người thay nhau lái 600 km từ Hà Nội vào Quảng Trị. Tất nhiên Việt lái nhiều, mình chỉ “chia sẻ” được 4 tiếng thôi. Lướt web, lên “phây” cũng là để mình không lạc hậu trước đời sống và liên kết được với mọi người. “Thêm bạn bớt thù “ nhờ thế được chia sẻ, hiểu nhau hơn chả tốt lắm sao? Trời bắt chúng ta già thì phải chịu, nhưng đừng tự mình làm cho mình già thêm...

 - Chị đã từng nói, trong các loại bằng cấp mà chị có thì bằng lái ô tô là bằng hứng thú nhất. Ngược đời quá, bây giờ người ta đang loạn lên vì cái học hàm học vị, người ta đổ cả tiền ra để mua nó, thì chị lại hứng thú với cái bằng lái ôtô? 

- Ôi giời... ai mê học hàm học vị xin cứ việc... chạy bằng chạy cấp xin cứ việc… bằng thật học giả đầy. Từ hồi du học ở Liên Xô đã có chứ chẳng phải bây giờ. Ai chả biết hiện tượng này. Mình biết có người học ít chơi nhiều chả viết được luận án phải về tay không... sau sang lại xin được cái bằng tiến sĩ về in card visit chữ TS phải viết to đùng - trong các cuộc họp hay hội nghị nguyên giới thiệu học hàm học vị (GS-TS hay là PGS-TS) cũng mất khối thời gian... Nhưng khổ nỗi phải có cái đó bên Tổ chức người ta mới cất nhắc chức tước... Vì thế người ta đua nhau cũng phải. Tất nhiên trong xã hội cũng có nhiều người học thật bằng thật. Những cái kia chỉ là hãn hữu thôi.

 - Dạo này chị đang làm gì vậy, làm phim, viết kịch bản, hay là tự sự với thơ?

 - Mình viết kịch bản. Tập thơ “Cỏ thơm Mây trắng”  ra mắt cuối năm 2012 rồi.

 - Không biết bây giờ nên gọi chị là “nhà” gì nhỉ: nhà thơ, hay nhà biên kịch, hay…?

 - Từ trước tới giờ ai muốn gọi mình là nhà gì cũng được. Lúc gọi nhà thơ, lúc gọi nhà biên kịch, lúc gọi cả hai... thế nào cũng được, điều quan trọng là mình có viết được gì hay không thôi...

 - Thơ ca có phải là nơi trú ngụ của trái tim, là chỗ dựa tinh thần, là chốn bình yên của chị?

 - Thơ, kịch bản... hay tản văn hay vài dòng trên facebook, trên blog... tất cả đều thú vị. Vì mình cảm thấy mỗi khi mình ngồi vào bàn viết cái gì đó thì khi ấy mình thấy bình yên.

 - “Có yên tĩnh không khi ở đâu cũng rất đông người?/ Ở đâu cũng đã quen với phép tính tuyệt vời/ Cộng và nhân thì giỏi, chia và trừ lại kém/ Tình yêu thương trở nên quí hiếm. Tâm hồn ta như một ngọn gió hoang/… Sống khó quá làm sao không mệt mỏi/ Đi đâu giờ để có được bình yên?” - có vẻ như bây giờ nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát nhìn cuộc sống này ngột ngạt quá? 

 - Mình chưa bao giờ, kể cả bây giờ mình nhìn cuộc sống bằng con mắt đó đâu. Cho dù sự ngột ngạt liên tục diễn ra trong đời sống hàng ngày. Có những người luôn tìm cách gây sự khó chịu cho người khác. Con người mà, cũng nhiều tính xấu lắm. Đong đếm tính với nhau từng xu lẻ... cho nên tính cộng, tính nhân (làm lợi cho mình) thì giỏi. Chia và trừ (chia sẻ chịu thiệt chút  lại kém) là vì thế. Con người biết là chết chả đem theo được gì nhưng lúc sống vẫn xấu tính, bon chen, kẹt sỉ... âu con người ta nhìn theo cách nào đó thấy cũng thật là tội nghiệp, đáng thương. Mình viết chung như thế thôi...

- Chị tự nhận mình là người khá bướng, hay nói thẳng. Chị có nhận thấy là những người nói thẳng thì thường thiệt thòi không? Bởi sự dối trá bây giờ có sức sống mãnh liệt lắm, nó thường được công nhận và lấn át cả những lời nói thật?  

- Thú thật là mình bây giờ quan niệm sống cũng vi vu hỉ sả lắm. Coi mọi chuyện nhẹ nhàng hơn, không quan trọng hóa như hồi còn trẻ. Có lẽ tuổi tác và sự từng trải đã cho mình điều nhận biết này. Vì thế thấy gì nói nấy, nói phải củ cải cũng nghe... Ở tuổi này rồi nói dối khen nịnh nhau để làm gì nữa? Khi thực tế đầy rẫy khó khăn cứ mê muội nhau bằng cách vẽ ra rồng rắn hoa lá cây trái... lừa mị nhau làm gì. Nói thật làm thật nhìn thẳng vào sự thật mới có cơ mà tiến bộ. Giống như bác sĩ khám bệnh phải chỉ ra, nói ra đúng bệnh mới tìm được thuốc chữa... Con người ta sắp chết đến nơi không lo lắng bắt bệnh lại cứ an ủi gia đình họ là “cháu không sao đâu... mai khỏe ngay ấy mà” thì như thế không phải là tốt, là khéo mà là thất đức. “Thuốc đắng giã tật”... các cụ bảo vậy. Đương nhiên ai cũng muốn uống thuốc pha... đường. Biết vậy vẫn muốn nghe lời đường mật hơn, thích người nịnh, giỏi nịnh hơn. Những người này luôn được lòng hơn. Thế đấy.

Nhà  thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát

-Trong cuộc đời chị sợ nhất điều gì? Tôi ghê sợ nhất là bóng tối  và sự dối trá ở trong bóng tối ấy? Chị thì sao?  

- Mình sợ nhất sự giả dối. Nói “zậy” không phải “zậy”. 

- Tôi có đọc một bài viết của chị ở trang cá nhân (blog) - “Bài ca số phận”, đoạn chị viết cho đạo diễn Trần Văn Thủy sau cuốn “Nghề của Thủy”: “Anh dù sao cũng còn sướng hơn chúng em bây giờ. Chúng em bây giờ mệt mỏi hơn, hèn nhát hơn, thích an toàn hơn nên tác phẩm tròn trĩnh suôn sẻ hơn - suôn sẻ đến mức phát chán cũng là phải… Ý chí mà đã nhụt, cái nỗi sợ bóng sợ gió lúc nào cũng thường trực thì còn làm được cái gì? Em là đứa khá bướng, nghĩ gì nói nấy mà nhiều khi cũng phải giật mình vì thấy quanh mình không ai như thế... Họ khéo hơn, biết lựa lời hơn...” - Một người cương trực, thẳng tính như chị mà cũng có lúc “hèn nhát” sao? 

- Có chứ. Hèn. Nhiều người là đàn ông còn hèn nữa là mình - một phụ nữ. Phụ nữ hèn ít người trách hơn là đàn ông hèn...

 - Chị  có tin vào số phận không? 

-  Có. Bây giờ thì tôi tin. Mỗi người đều có một số phận riêng. Tôi không mê tín nhưng tôi nghiệm ra rằng hình như trong cuộc sống này có Giời thật. Giời cho gì được nấy, giời bắt gì chịu nấy... 

- Một nhà thơ mà thương cả tiếng ếch uôm, trò chuyện với cả những hàng cây xào xạc, sao lại có những lúc “chán khủng khiếp, chả muốn đi đâu”?

 - Nhà thơ cũng là con người, có đủ mọi cung bậc cảm xúc vui buồn hỉ nộ ái ố... mà. Rơi vào trạng thái nào thì viết ra như thế... Tôi đặc biệt thích mưa, thích những hàng cây xanh mướt mắt, thích nghe tiếng của các loài vật sau cơn mưa… ếch nhái giun dế tiếng chim chóc gọi nhau. Nhà tôi trước hay nuôi mèo và chó… chúng sinh nở rất nhiều, đùa bỡn trêu chọc kêu sủa đành hanh với nhau vui lắm. Nhưng giờ không còn sức chăm sóc hầu hạ nên mới không nuôi nữa.

 - Nghe nói chị đã thôi làm Giám đốc Hãng phim của Hội điện ảnh? Chị bận quá, hay đã mất cảm giác “thèm” phim rồi? 

 - Tôi nghỉ làm Giám đốc HODAFILM 3 năm rồi, kể từ sau Đại Hội Hội ĐAVN. Nhưng tôi cũng đã kịp mở hãng của riêng mình HONGNGAT FILM (HNF) cốt để thỏa mãn sự “thèm làm phim” của mình. Cuối năm bộ phim truyện điện ảnh “Bước khẽ đến hạnh phúc” do HNF phối hợp với công ty VME sản xuất do Lưu trọng Ninh đạo diễn sẽ ra mắt khán giả.

 - Bao nhiêu năm lăn lộn với điện ảnh, bây giờ ngoảnh đầu lại chị có thấy tiếc điều gì không? Chị có mong muốn gì cho nền điện ảnh nước nhà không?

 - Tôi chả tiếc điều gì cả. Cái gì làm được đã làm rồi, cái gì không làm được thì cũng đã không rồi. Đã cố hết sức rồi mà chỉ được có vậy thì chịu vậy. Chỉ mong điện ảnh Việt Nam sớm qua cơn bĩ cực. Cái gì tốt đẹp của ngày xưa về cơ chế chính sách thì Nhà nước cố giữ, cái gì còn khập khễnh với thời bây giờ thì điều chỉnh... Xóa sổ tất một cơ chế thì dễ, áp một cơ chế mới mà khó thực thi thì cần phải xem lại và điều chỉnh ngay. Đừng duy ý chí quá, cứng nhắc quá khi quản lý một ngành nghệ thuật nhạy cảm nhưng lại có sức mạnh quảng bá rộng lớn như điện ảnh. Mong muốn vậy thôi.

 - Chiến lược điện ảnh Việt Nam năm 2020 sẽ đứng đầu Đông Nam Á, chị thấy sao? Với một nền điện ảnh tụt hậu như thế này, liệu ước mơ đó có thành sự thật? 

- Chả ai đánh thuế một ước mơ. Còn thật sự làm được không, phấn đấu được không lại là một chuyện khác.

- Theo chị liều “doping” lớn nhất bây giờ cho điện ảnh Việt Nam là gì? Là tiền, là con người, hay là sự định hướng của các nhà quản lý? 

- Cần tất cả các điều chị vừa nêu ra. Đặc biệt là con người và cơ chế chính sách thích hợp.

 - Chị có thể tiết lộ về dự án làm phim mới của mình không? Một bộ phim sắp ra lò, hoặc một kịch bản mới chẳng hạn! 

 - Mình vừa viết xong kịch bản phim truyện điện ảnh “Gương trời” về cái làng nổi Vạn chài ở Quảng Ninh. Một vài nơi đang muốn làm… mình nâng cao sửa chữa cho hay hơn đã... Chỉ có điều lo ngại là phim quay trên sông nước (ngoài biển) mà kinh phí ít quá sợ khó thực thi... Mình cũng đang bắt tay vào viết kịch bản khác có tên “Chuyện tình Hạ Long”.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!