Nhà thơ Mai Linh: Truyền cảm hứng cho những người yếm thế

ANTĐ - Mai Linh chân đi khắp năm châu bốn biển. Nhớ có lần ông tự thống kê, đã đặt chân đến 130 quốc gia. Con người ấy thoạt nhìn tư duy Tây, lối sống thoáng, cởi mở, giao thiệp bạn bè rộng rãi, nhưng thực chất ông là một trong những người Việt Nam nhất theo tôi nghĩ. Cứ nhìn cách ông bài trí, chế biến món ăn, hay không gian sống và làm việc của ông là biết.
Nhà thơ Mai Linh: Truyền cảm hứng cho những người yếm thế ảnh 1

Nấu ăn cũng như làm thơ

Buổi ấy Mai Linh hẹn, đến nhà ông Ngô Thảo nhé, tôi sẽ tự tay làm món bún ốc thết đãi. Dĩ nhiên, bạn bè tụ tập đông lắm, nhất là khi có hai ông đầu trò là Mai Linh và Ngô Thảo. Không phân biệt trẻ già, miễn là quý mến, có lời mời mọc, Mai Linh xem là bạn hết, không câu nệ. Đến, nhìn mẩu giấy, choáng luôn. Mai Linh viết củ tỉ tên từng loại thực phẩm, gia vị mà ông nhờ người giúp việc nhà ông Ngô Thảo đi mua, để sẵn đấy chờ ông đến chế biến.

Các loại rau thơm phù hợp các món ăn, ông ghi kỹ càng, ở dưới gạch chân lưu ý thực phẩm phải tươi nhất chợ, tuyệt đối không thiếu một loại rau thơm nào. Mai Linh kiểm tra thực phẩm, các loại rau, các loại gia vị và phải yên trí là không thiếu một thứ gì ông mới thoăn thoắt vào bếp. Ông làm món ăn sành sỏi như một đầu bếp nhà hàng. 

Chuyện về các gia vị trong món ăn, ông nói, món ăn mà thiếu gia vị đặc trưng thì coi như vứt. Một chút gia vị nêm nếm nếu không đủ, thì chả còn ra món cổ truyền nữa. Nấu ăn cũng như làm thơ, phải nghiêm cẩn, phải đặt hết đam mê và tình yêu vào đó. Ăn một món ăn chế biến qua loa cũng giống như đọc một bài thơ viết ẩu, viết bừa. Mai Linh yêu những món ăn dân dã và thích tự tay làm món ăn để chiều bạn. Tòa soạn của ông, khu bếp ăn thường được thiết kế đẹp mắt, không thiếu một thứ “hầm bà giằng” nào phục vụ cho việc nấu ăn, là nơi để ông đón bạn, đàm đạo chuyện văn, chuyện đời.

Đến phòng làm việc của Mai Linh, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của 130 nước ông đi qua. Nói vậy là bởi tôi thấy không ít người hãnh diện về cái sự đi nhiều của mình lắm. Họ thường bày những đồ lưu niệm ghi dấu những vùng đất mình đã đến. Mai Linh thì không có sở thích đó. Phòng làm việc của ông toàn những đồ “rặt” nhà quê Việt Nam. Cái gì cũng hơi hướng dân gian, cổ truyền.

Từ cái bình cắm hoa đến cái bàn, cái ghế, cái mắc áo. Mùa hè ông chỉ thích hoa sen trong phòng, mùa thu thì hoa cúc vàng. Phía ngoài cửa kính phòng làm việc, ông bày biện một không gian đặc trưng đồng bằng Bắc bộ. Từ bụi tre xào xạc đến cái ao, con đò nhỏ, thậm chí mấy con gà ri thả ngoài đó. Ông nói chuyện về văn hóa Việt thì Tây nghe thán phục đã đành, đến người Việt nghe còn gật gù nắc nỏm.

Ông nói về những loài hoa không tên, hay những cánh chuồn chuồn bé bỏng, ở miền quê Thanh Hóa  của ông mới đáng yêu, mới thi sĩ làm sao. Và khi vào thơ, những vẻ đẹp bình dị ấy chợt mang một triết lý nhân sinh: “Hồi ức là con chuồn chuồn/ đậu lại bay đi/ đôi cánh mỏng dính một ngày nắng/ con chuồn chuồn cõng qua cơn mưa một ngày ráo tạnh/đã một thời ta đứng tiếc ngẩn ngơ/ bắt hụt con chuồn chuồn màu đỏ ớt/ con chuồn chuồn vụt lên như giọt sáng bất ngờ...”.

Nhà thơ Mai Linh: Truyền cảm hứng cho những người yếm thế ảnh 2

Yêu và sống chết với cái đẹp

Mai Linh có khả năng truyền cảm hứng cho người khác rất mạnh mẽ, thuyết phục. Là người chịu đọc và đi, có kiến văn sâu rộng, có vốn từ vựng cực kỳ giàu có, độc đáo, lại đắm đuối với các vẻ đẹp văn hóa, nên khi ông bàn về điều gì cũng thấy hấp dẫn. Tôi đã từng chứng kiến ông làm MC một chương trình nghệ thuật, hóm hỉnh và duyên dáng không kém một người chuyên nghiệp. Lại có lúc Mai Linh ôm guitar hát nhạc Trịnh Công Sơn, như thẩm thấu toàn bộ thế giới quan của Trịnh vào tâm hồn mình.

Và khi ông vẽ tranh, thế giới tuôn chảy bằng màu với hình, đẹp mà buồn và giàu chất thơ, khiến cho người không hiểu biết hội họa cũng có thể tìm được con đường để “cảm” ý tứ của ông. Mai Linh, một người hào hoa, đa tài, yêu cái đẹp, sống chết với cái đẹp và dùng cái đẹp để kết nối bạn bè, kết nối những người xung quanh.

Và cuối cùng, Mai Linh là một nhà thơ, một thi sĩ đúng nghĩa. Chất thi sĩ toát ra từ thần thái, trang phục, mái tóc, từ cách ông bàn luận, nói năng, trò chuyện với bạn bè. Chất thi sĩ có trong món ăn  quê ông nấu thết bạn. Chất thi sĩ còn có trong cả lúc ông xử lý công việc liên quan đến báo chí ở tòa soạn, là luôn lấy chữ Tình để đặt lên trên. Ông in thơ không nhiều, mới chỉ 4-5 tập. Thơ chỉ là những đợt “tự ứa ra”, như ông quan niệm.

Nhưng trong đời thường, lúc không “ứa thơ”, ông vẫn luôn là một thi sĩ. Chẳc hẳn, bạn bè phải rất lâu nữa mới quen được với việc vắng bóng Mai Linh, người thường chủ trì những cuộc vui, thắp lửa, truyền cảm hứng cho những ai yếm thế. Người luôn ấm áp, hoạt ngôn, giàu tình cảm và khi cần, sẵn sàng dang tay giúp đỡ bạn bè hoạn nạn.

Mai Linh, không bao giờ để tâm đến cái chết, cũng không sẵn sàng để vắng bóng trong lòng bè bạn. Ông lúc nào cũng cần bạn. Và cuộc ra đi này, có thể cũng chỉ là một cuộc ham vui của Mai Linh, để gặp gỡ những người bạn thân thiết của ông như Trịnh Công Sơn, Nguyễn Quang Sáng, Thu Bồn, Phạm Duy, Thuận Yến...