Nhà thơ Lôi Vũ: Cuộc đời trắc trở ẩn sau những vần thơ nặng tình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thượng tá công an Đỗ Trọng Vụ đã lấy tên nhân vật Lôi Vũ trong tác phẩm nổi tiếng của Tào Ngu làm bút danh cho sự nghiệp văn chương. Ông là một trong số ít các nhà thơ Công an là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Tích lũy kiến thức và vốn sống

Sở dĩ, Đỗ Trọng Vụ lấy bút danh là Lôi Vũ bởi ông có một cuộc đời nhiều gập ghềnh. Từ những ngày còn nhỏ, cái nghèo, cái đói đã bám lấy cậu bé Đỗ Trọng Vụ trong những năm tháng sống cùng gia đình ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Những buổi chân đất đi bộ đến trường đã theo ông đến khi học hết cấp 3. Chỉ khi vào học trong trường công an, ông mới biết đến đôi dép, đôi giày nhờ chế độ quân nhu. Ra trường phân công công tác, ông đã làm việc với tinh thần vì nước quên thân vì dân phục vụ nhưng đời sống cá nhân lại gặp sóng gió. Năm 1994 vợ ông bị viêm não, dù qua khỏi nhưng di chứng để lại nặng nề. Ông một mình nuôi dạy 4 đứa con, rồi thì khó khăn cũng đã qua, con ông đã khôn lớn, trưởng thành.

Thượng tá, nhà thơ Lôi Vũ

Thượng tá, nhà thơ Lôi Vũ

Ông có 5 năm làm cảnh sát khu vực tại phường Hàng Bồ. Tại đây, ông đã làm quen với các văn nghệ sĩ nổi tiếng Hà thành nên đã học hỏi được nhiều điều hay từ tư tưởng, cách nhìn nhận đánh giá về cuộc sống. Ông đã từng nhiều lần mài mực cho họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ tranh. Rồi được trò chuyện cùng nghệ sĩ guitar nổi tiếng Văn Vượng, đàm đạo về văn chương cùng GS-nhà văn Trương Tửu…

Sau đó, ông được điều động về làm cảnh sát khu vực vùng ven nội, quản lý khu vực đường 32. Nhớ về những năm 80 của thập niên trước, nhà thơ Lôi Vũ không sao quên được khung cảnh yên bình nhưng cũng đầy khó khăn của người dân ven nội lúc đó. Thay vì mở cửa nhà quay về hướng đường quốc lộ 32, người dân ở đây phần lớn lại làm nhà quay lưng lại với đường, tập trung trồng rau, nuôi lợn và có nghề phụ là giã giò, làm cốm tăng thêm thu nhập.

Với vai trò của một cảnh sát khu vực quản lý khu vực đường 32, con đường có nhiều trường đại học tập trung tại đây, ông đã cơ hội tích đầy thêm kiến thức cho mình bằng việc đọc tài liệu giảng dạy cho sinh viên… Nhưng chừng đó là chưa đủ. Như các cụ vẫn nói, “không thầy đố mày làm nên”, Đỗ Trọng Vụ đã đăng ký theo học các trường đại học ngoài lực lượng Công an. Ông tốt nghiệp Cử nhân Ngoại ngữ tiếng Anh tại trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ, cử nhân Luật của Đại học Luật Hà Nội.

Nhà thơ Lôi Vũ: Cuộc đời trắc trở ẩn sau những vần thơ nặng tình ảnh 2 Nhà thơ Lôi Vũ: Cuộc đời trắc trở ẩn sau những vần thơ nặng tình ảnh 3

2 tập thơ đã ra mắt bạn đọc của nhà thơ Lôi Vũ

Đặc biệt, khoảng thời gian theo học Đại học Ngoại ngữ, vợ ông đang lâm bệnh, con gái thứ hai mới được vài tháng tuổi nên việc học ngoại ngữ của ông gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng không ngại khó, Đỗ Trọng Vụ đã tìm mọi cách để chu toàn cho gia đình và việc học không bị gián đoạn. Ông vẫn nhớ mãi buổi thi hết kỳ, ông còn mang theo con gái tới phòng thi. Các giám thị là người trông con cho ông để vào phỏng vấn trực tiếp với giáo viên nước ngoài. Cô giáo người Anh khi biết hoàn cảnh của ông trong buổi thi hôm đó đã bày tỏ sự khâm phục và nể trọng tinh thần ham học của Đỗ Trọng Vụ.

Các vần thơ có vẻ đẹp riêng

Sau khi về hưu, Đỗ Trọng Vụ không chịu ngồi yên. Ông làm luật sư, tham gia các vụ án tranh tụng bảo vệ quyền lợi cho thân chủ. Đặc biệt, sau nhiều năm tháng bận rộn, ông đã được sống với niềm yêu thích của mình từ thủa nhỏ. Đó là văn chương. Đỗ Trọng Vụ từng học chuyên văn cấp 3 tại trường Tĩnh Gia 2. Với những gập ghềnh của đời sống và vốn kiến thức thu lượm trong quá trình sống và làm việc, Đỗ Trọng Vụ bắt nhịp rất nhanh với một sân chơi mới. Ông nhanh chóng ra mắt 1 tập truyện ngắn và 3 tập thơ: “Mùa đông cho em”, “Về Tây Tiến”… và được kết nạp vào hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Thơ của ông tập trung khai thác đề tài về tình yêu, số phận con người, ngợi ca công cuộc đổi mới của đất nước, người lính, các vấn đề an sinh xã hội. Còn trong viết văn, ông tập trung sáng tác các truyện ngắn về hình sự và các tản văn. Thơ Lôi Vũ được làm bằng cảm giác tự nhiên, lẩy lên từ chất liệu đời sống từng ngấm trải với những dạng thức khác nhau. Thơ mang nhiều ẩn dụ, thông qua nghệ thuật của tư duy hình tượng, giàu chiêm nghiệm. Bởi vậy, thơ ông có vẻ đẹp riêng.

Bước chân vào sân chơi của những người yêu thi ca, nhà thơ Lôi Vũ nhiệt tình tham gia các phong trào sáng tác thơ. Ông là Phó chủ nhiệm CLB thơ NamKau (thơ Năm câu), một thể thơ mới do nhà thơ Trần Quang Quý khởi xướng và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tác giả trên toàn quốc. CLB mặc dù còn mới mẻ, song đến nay thơ NamKau đã có 60 thành viên nhà văn tham gia làm nòng cốt và trang thơ NamKau đã có cả nghìn người tham gia sáng tác, bình phẩm, gửi bài.

Nhà thơ Lôi Vũ tại buổi ra mắt tập thơ của CLB thơ Namkau

Nhà thơ Lôi Vũ tại buổi ra mắt tập thơ của CLB thơ Namkau

Nhà thơ Lôi Vũ còn là Phó Chủ nhiệm thi đàn Hương Nắng gồm các nhà thơ xuất thân từ Công an Hà Nội. Với vai trò được giao, nhà thơ Lôi Vũ dành nhiều thời gian cho thi đàn Hương Nắng, từ định hướng sáng tác, quy tụ anh em, phát động phong trào, gây quỹ, tổ chức giao lưu thơ ca, mời nhà thơ về nói chuyện phụ đạo, tổ chức đi giao lưu và tham quan. Nhà thơ Lôi Vũ chia sẻ, với các hội viên của thi đàn Hương nắng, ban chủ nhiệm câu lạc bộ đặt ra mục tiêu sẽ đoàn kết, phát huy sức mạnh trong mỗi hội viên nhằm nâng cao chất lượng sáng tác. Trong thời gian tới, CLB sẽ ra mắt tập thơ “Hương Nắng mới”.

Với một người đã đi qua nhiều sóng gió của đời sống, Lôi Vũ hiểu và trân trọng những gì mình có được ngày hôm nay. Ông tích cực trong các hoạt động phong trào và lặng lẽ sáng tác các vần thơ được cất lên từ hiện thực đời sống mà ông đã và đang trải qua. Như lẽ thường tình của người từng “vượt bão”, khoảng lặng êm đềm của cuộc sống hôm này làm ông biết ơn và trân trọng những khúc khủyu đã qua, bằng các vần thơ chan chứa nhựa sống, được cất lên từ trái tim của một nhà thơ từng một thời khoác lên mình bộ quân phục.