Nhà thơ Hoài Anh - Từ “chòi” đến “chợ” văn chương

ANTĐ - Hoài Anh là một pho “từ điển sống” cực kỳ phong phú - đủ cả thơ, văn, kịch, sử… Anh cũng có thể kể vanh vách các giai thoại của rất nhiều văn nghệ sỹ, song đời tư của anh thì đố ai khai thác được.

Nhà thơ Hoài Anh

“Chòi”  văn ở phố Hàng Buồm

Tôi và Hoài Anh quen biết nhau từ những năm 70 của thế kỷ trước. Nhà anh ở sâu bên trong một con ngõ chật hẹp, tối tăm, sâu hun hút trên phố Hàng Buồm. Muốn thăm được anh ngoài việc phải len vào con ngõ tối, bạn văn chương còn nhọc công leo lên cái “chòi” cao chót vót.  Căn phòng anh ở, của đáng tội, chỉ là một nhà kho bỏ hoang. Hoặc nhà kho được sơ tán đồ đạc đi nơi khác, để biến thành  “phòng văn”. Tôi không nhớ rõ lắm, nhưng có lẽ đó là phía sau một nhà hát, hay rạp chiếu phim gì đó.

Sở dĩ tôi được hân hạnh làm quen với Hoài Anh, là nhờ một bài tấu. Hồi đó tôi đang làm thợ ở một nhà máy sửa chữa ô tô phía ngoại thành. Trong đợt hội diễn ở cơ quan, tôi có làm một bài tấu về cánh lái xe. Bài tấu được công diễn và được khen nhiều. Thế là tôi hứng chí, gửi ngay bài tấu đến Sở Văn hóa Hà Nội. Cũng gửi cầu âu vậy thôi. Không ngờ bài tấu đến tay Hoài Anh. Và càng bất ngờ hơn, khi Hoài Anh đích thân tìm gặp tôi. Anh yêu cầu tôi sửa lại đôi chút câu chữ, và nói lấp lửng rằng, anh đang tập hợp để in thành một tập tấu chọn lọc.

Cũng từ đó, tôi thường xuyên lui tới gặp Hoài Anh. Có điều hơi lạ, nhưng không tiện hỏi, là chỉ thấy anh ở một mình (lúc đó, anh đã hơn 30 tuổi). Căn phòng nhỏ, càng chật chội hơn khi sách chất vòng trong vòng ngoài. Cái “căn chòi” này lúc nào cũng có khách, mặc dù chỉ cần ba người khách là đã quá tải. Khi đến nhà Hoài Anh, người tôi hay gặp là Trần Hồng Thắng.

Trần Hồng Thắng quê miệt vườn Nam bộ, làm thơ, tập kết ra Bắc. Thắng rất mê kịch và có vẻ có năng khiếu làm diễn viên kịch nói. Mỗi lần Thắng đến nhà Hoài Anh, lại hứng chí lên “diễn” một trích đoạn trong vở Othelo của Shakespeare. Thắng đóng vai Othelo và “khoái” nhất đoạn thể hiện cơn ghen mù quáng với nàng Desdemona. Thế là cái “chòi” của Hoài Anh bỗng biến thành một sân khấu nhỏ. Và khán giả chỉ có hai người…

Quán quân... cuốc bộ

Khi tập tấu của tôi “chết yểu” không hiểu tại sao, Hoài Anh lại cứ có cảm giác mắc lỗi với tôi. Dù tôi coi chuyện không ra được tập tấu hài chỉ là bình thường như muôn ngàn chuyện bình thường khác. Bẵng đi một thời gian dài, tôi không gặp Hoài Anh. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hoài Anh chuyển hẳn vào TP.HCM. Và ở đây trong một chuyến công tác, tôi lại gặp Hoài Anh trong một môi trường mới. Hồi đó, Hoài Anh đã chuyển về làm biên tập cho Báo “Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh”. Phía đối diện, không xa trụ sở báo là mấy, có dãy quán cà phê “cóc”. Các văn nghệ sĩ, các nhà báo... sáng nào cũng tụ tập ở đây. Cỡ từ 8 đến 9 giờ sáng, ai muốn đặt bài, hoặc đưa bài... đều tập trung ở đây. Thành ra nơi uống cà phê sáng, biến thành “chợ văn chương” lúc nào không hay. Họ làm việc nhanh và hiệu quả. Vừa giải quyết nhu cầu cà phê sáng (vốn là thức uống không thể thiếu với dân Sài Gòn) vừa không phải vòng vo đi tìm nhau. Hoài Anh là một người có mặt hầu như tất cả các buổi sáng. Anh cũng là cộng tác viên tích cực cho nhiều tờ báo, tạp chí...

Ở một thành phố lớn, xe cộ ồn ào chật phố, nhưng lạ cái Hoài Anh không hề đi xe, dù là xe đạp. Khi cần di chuyển, anh chỉ đi bộ. Ngày ở Hà Nội cũng thế, anh năng đi bộ. Nay vào thành phố phồn hoa này, anh cũng chỉ đi bộ. Anh em văn nghệ sĩ nói vui rằng, ông ấy là “quán quân cuốc bộ” của Sài thành. Hoài Anh là một người có kiến thức sâu rộng. Có thể nói, anh là một cuốn “từ điển sống”. Kho tư liệu của anh cực kỳ phong phú, đủ cả cổ, kim, Đông, Tây. Anh có số đầu sách xuất bản đồ sộ, và cũng không biết nên gọi anh là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch hay nhà tiểu thuyết lịch sử? Anh có thể kể vanh vách các giai thoại, chuyện đời tư của rất nhiều văn nghệ sĩ. Riêng đời tư của anh, thì đố ai khai thác được. Sinh thời, nhà thơ Thu Bồn đã từng phải thốt lên, đại ý rằng: Đời tư của tôi, gã kể vanh vách. Vậy mà đời tư của gã, có cạy răng cũng không chịu nói...

Hoài Anh không chỉ để lại tác phẩm, anh còn để lại một nhân cách sống, nhân cách viết, mà không nhiều văn nghệ sĩ có được.