Nhà thơ Bùi Kim Anh: Buồn vui xếp cũng đã đầy...

ANTĐ - Tôi quen nhà thơ Bùi Kim Anh qua một người bạn. Hơn chục năm qua, hễ có tập thơ mới nào chị đều gửi tặng tôi.  Đọc thơ của chị, tôi thường không nén được tiếng thở dài, bởi đó là những vần thơ chắt ra từ cay đắng, quạnh hiu cùng nhiều ẩn ức và cả nỗi cô đơn dằng dặc….

1. Đã không ít lần tôi có ý định viết về chị, nhưng suy nghĩ mãi rồi lại thôi, bởi tôi sợ trong câu chuyện của mình, tôi vô tình khơi lại những điều chị muốn quên. Nhưng hóa ra, điều tôi lo ngại lại là… thừa, chị mạnh mẽ và thanh thản nhìn lại quá khứ giông bão và coi nó như dấu ấn đóng lên số phận của mình. Ngôi nhà chị đang ở nằm sâu trong một ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Đình Chiểu. Phòng khách nhỏ xinh với nhiều hoa tươi và những bức tranh tĩnh vật màu trầm, do cô con gái thứ 2 của chị vốn là một kiến trúc sư vẽ. Vừa rót nước mời tôi chị vui vẻ kể chuyện chị cùng 5 nhà thơ nữ Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Mai, Hoàng Ái Thơ, Nguyễn Thị Ngọc Hà và Chu Thị Thơm đi “phượt” ở mãi tận Cà Mau. Đi đến đâu “6 bà già” cũng “rắc lông ngỗng” trên Facebook. Mấy năm gần đây chị vẫn hay “xách ba lô lên và đi” như thế. Đi để đổi gió, để hít căng lồng ngực cái không khí trong lành của sông của biển của núi rừng, để còn tận mắt thấy nước non dặm dài. Giờ còn sức khỏe thì phải tận dụng thời gian, bởi nếu không, vài năm nữa sợ chẳng còn đủ sức mà đi. Hết chuyện đi “phượt” chị quay ra kể chuyện con cái, việc nhà, kể chuyện đàn cháu nội-ngoại chỉ toàn là trai quấn quýt bên bà vào mỗi ngày cuối tuần. Nghe chuyện của chị, dường như, nỗi buồn đã qua đi.

2. Nhưng hóa ra không phải. Chị trả lời câu hỏi của tôi bằng những hồi ức từ quá khứ. Mẹ chị là một nữ hộ sinh Đông Dương, rất giỏi văn chương, chị lớn lên trong sự bao bọc của mẹ, của bà ngoại, nhưng lại thiếu đi tình yêu của cha. Đã có lúc chị viết về cái khoảng trống mênh mông đó trong thơ mình: “Suốt cuộc đời con đâu hiểu tình yêu người bố”. Cũng không hiểu thơ đến với chị thế nào. Có lẽ là do gene di truyền từ mẹ, hoặc cũng có thể nó được số phận “cài đặt” mặc định để sau này trở thành nơi neo đậu, nơi lấy lại thăng bằng cho tâm hồn chị trước những tai họa, cứ đều đặn chu kỳ 10 năm một lần ập xuống. Khi chị kể cho tôi nghe về những biến cố của gia đình cũng là lúc bên ngoài cửa sổ mưa quất ràn rạt, tiếng chị lẫn trong tiếng mưa. Đó là khi chị lấy chồng được tròn 10 năm thì cháy nhà. Bao nhiêu sách vở, tem phiếu, những vật dụng tối thiểu đều cháy sạch. Đời người, một lần cháy nhà thôi đã đủ “vỡ mặt”- nói theo chữ của chị, thế mà, 10 năm sau, chồng chị bị tai nạn giao thông, đã có lúc nghĩ đến việc chuẩn bị hậu sự. Và năm 2002 một lần nữa, tai họa khủng khiếp nhất giáng xuống, chồng chị vướng vòng lao lý. Báo chí thời điểm đó, chẳng ngày nào không nhắc tên anh. Đã có lúc chị trở nên điên loạn, lúc lại lầm lì vào ra như một cái bóng. Nhưng rồi cứ nhìn 3 đứa con chị lại dặn mình phải mạnh mẽ, phải là nơi để các con chị tin cậy mà dựa vào. Tôi hỏi chị, có tin vào tử vi, vào số mệnh không? Chị bảo, trước thì không, nhưng giờ thì có. 

3. Ba lần tai ương, tưởng quá tam ba bận, tưởng hết 60 năm của vòng đời, thì…trời thương, trời tha, ai ngờ vẫn lơ lửng trên đầu. Con gái chị lâm bạo bệnh, phải phẫu thuật, lại là những phút giây đối mặt giữa sống và chết. Chị kể rằng, trong những ngày chờ con tỉnh lại sau ca phẫu thuật như “đánh bạc với giời” chị không còn đủ bình tĩnh và sáng suốt, bắt đầu điên loạn. Và rồi, bao nhiêu nỗi niềm chị dồn cả vào thơ: “Ta băm nát đời mình vào những câu thơ/ Trang điểm tâm hồn bằng lời bằng chữ/ Ta lầm lỡ chỉ thơ tha thứ/ Cho ta vịn vào khi thiên hạ lùi xa. 

Nếu không có những câu thơ, chị vịn vào cái gì mà đứng dậy? Chị cười và trả lời câu hỏi của tôi, nếu không có thơ, chị sẽ không bao giờ đứng dậy nổi. Nhưng rồi chị lại bảo, biết đâu, nếu chị không làm thơ thì có khi những tai ương đó không bao giờ gõ cửa nhà chị, chị mãi chỉ là một cô giáo dạy văn sống cuộc đời yên ả. Số phận buộc chị phải truân chuyên và rồi cũng chính số phận buộc chị phải thích nghi với những điều đó: “Buồn vui xếp cũng đã đầy/Có thêm cũng chỉ cho dày vần thơ”. Khoảng 10 năm trở lại đây, Bùi Kim Anh viết nhiều, chị viết như một nhu cầu, một giải pháp chống lại tuổi già. Chị vẫn nhận lời viết báo, điểm sách, bình thơ… nói chung đủ cả. Chị mở cả một blog chuyên về văn chương, thơ phú, lập cả facebook để tiện đường trò chuyện với bạn thơ và tự nhận mình là “bà già mê công nghệ”. Mắt chị cười, tay lướt iPad, khoe với tôi tập thơ của một sinh viên Học viện Quân y chị đọc thấy tâm đắc, chợt chị ngẩng lên, mắt hướng ra phía ngoài cửa nửa như nói với tôi, nửa như bâng quơ: “Mưa tạnh, nắng lên rồi kìa!”. Nắng lên, tràn cả vào khoảnh sân nhỏ trước cửa nhà, khiến tôi chợt nhớ đến câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, sự vững vàng của chị đã trở thành chỗ dựa cho các thành viên trong gia đình. Các con của chị nhờ thế mà đủ sức vượt qua sóng gió và không ít thị phi. Cô con gái cả Trần Mai Anh - mẹ nuôi của cậu bé Thiện Nhân, năm 2010 đã được  Chủ tịch nước gửi thư khen và được bầu chọn là một trong 10 công dân ưu tú của Thủ đô. Còn tôi, khi viết về chị cứ bị ám ảnh bởi những vần thơ: “Tai họa bất ngờ. Tạo hóa lại tái sinh. Đã là rủi, đã là may mắn…”.