Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn giới thiệu bộ sưu tập tranh Bùi Xuân Phái tại Sài Gòn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái và nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn sẽ ra mắt người xem 60 bức tranh bột màu và sơn dầu của danh họa. Đặc biệt, bộ sưu tập này có một số bức được Bùi Xuân Phái vẽ lúc cuối đời và lần đầu tiên được công bố.  

Triển lãm được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bùi Xuân Phái (1/9/1920 - 24/6/1988), sẽ diễn ra từ ngày 24/6 đến 4/7 tại 357/2 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 1, quận Tân Bình, TP.HCM.

Triển lãm trưng bày khoảng 35 tranh sơn dầu và 25 tranh bột màu, thuộc bộ sưu tập của gia đình hoạ sĩ Bùi Xuân Phái và Trần Hậu Tuấn. Trong số này, đa số các bức tranh được công bố lần đầu tiên.

Triển lãm cũng trưng bày nhiều ghi chép, phác thảo, kỷ vật của Bùi Xuân Phái, để qua đây, hiểu thêm tâm tư, tình cảm và cả sự chuẩn bị cho việc hình thành các sáng tác, các tác phẩm.

Tranh Phố Phái nằm trong bộ sưu tập của Trần Hậu Tuấn

Tranh Phố Phái nằm trong bộ sưu tập của Trần Hậu Tuấn

Sinh thời, Bùi Xuân Phái chỉ có một triển lãm cá nhân vào năm 1984. Sau khi ông qua đời, gia đình và giới nghệ thuật làm triển lãm tranh Bùi Xuân Phái khoảng 15 lần. Trong đó, số lần gia đình làm với các nhà sưu tập như Phạm Văn Bổng, Trần Hậu Tuấn, Bùi Quốc Chí… là 9 lần, đều có tên chung là “Triển lãm những tác phẩm chưa trưng bày của Bùi Xuân Phái” bắt đầu từ năm 1989.

Và lần này là thứ 10, với tên triển lãm được thay đổi thành “Nhớ hoạ sĩ Bùi Xuân Phái”.

Họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái cho biết, tại triển lãm lần này, gia đình danh họa đóng góp hiện vật, còn tranh trưng bày là của nhà sưu tầm Trần Hậu Tuấn. Do vậy, triển lãm sẽ diễn ra ở Sài Gòn thay vì Hà Nội do nhà sưu tầm có đầy đủ điều kiện để thực hiện.

Nói về độ xác thực của bộ sưu tập, họa sĩ Bùi Thanh Phương chia sẻ, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn và họa sĩ Bùi Thanh Phương là 2 người bạn thân lâu năm. Ông hiểu tính bạn mình và tin tưởng vào độ xác thực của bộ sưu tập. Trần Hậu Tuấn đã có 40 năm sưu tầm tranh Bùi Xuân Phái.

"Không còn là sưu tầm nữa, Trần Hậu Tuấn có một tình yêu mãnh liệt với tranh "Phố Phái". Tranh bày ra, với những người trong nghề sẽ nhận ngay ra tranh giả hay tranh thật. Trần Hậu Tuấn đã thực hiện công việc sưu tầm một cách âm thầm, lặng lẽ và đầy tin tưởng. Hơn thế, Trần Hậu Tuấn không sống bằng nghề sưu tập. Công việc dạy võ cũng đảm bảo cuộc sống cho nhà sưu tập này. Triển lãm này cũng không nhắm đến mục đích bán tranh mà chỉ để giới thiệu các bức tranh lần đầu tiên được công bố", họa sĩ Bùi Thanh Phương nói.

Tranh tự họa Bùi Xuân Phái nằm trong bộ sưu tập của Trần Hậu Tuấn

Tranh tự họa Bùi Xuân Phái nằm trong bộ sưu tập của Trần Hậu Tuấn

Trần Hậu Tuấn sưu tập tranh nhiều danh họa từ thập niên 1980 và dành đam mê lớn cho các tác phẩm của Bùi Xuân Phái. Với ông, tranh Bùi Xuân Phái vượt qua những diễn giải về ngôn từ, chỉ có thể cảm nhận bằng tâm thức. Trần Hậu Tuấn đánh giá: "Tranh Bùi Xuân Phái không chỉ có mái ngói thâm nâu, rêu phong cổ kính mà còn màu ngói đỏ lộng lẫy, bầy trẻ thơ dắt tay nhau trong màu áo tươi sáng".

Các tác phẩm được trưng bày xoay quanh chủ đề quen thuộc của Bùi Xuân Phái, như phổ cổ Hà Nội, hậu trường sân khấu chèo, minh họa thơ Hồ Xuân Hương, nông thôn Bắc bộ...

Sự kiện còn triển lãm nhiều tác phẩm được Bùi Xuân Phái vẽ cuối đời. Bức "Tự họa cuối cùng" được thực hiện năm 1988 - vài tháng trước khi danh họa mất, có dòng đề từ của ông: "Bây giờ chỉ cần nhất là sức khỏe và không có bệnh tật gì".

Bức vẽ người vợ đang ngủ ông chưa kịp hoàn thành. Nhiều cuốn sổ tay ghi lại các triết lý hội họa của Bùi Xuân Phái như: "Vẽ tranh đừng vội hài lòng sớm, càng vẽ càng tìm thấy những cái hay mới hơn hẳn những cái hay cũ, nhưng cũng nhiều khi thất bại", "Giữ cho tâm hồn trong trẻo, đẹp đẽ, tươi trẻ, đó là cách gần gũi nhất với nghệ thuật"...

Triển lãm cũng dành một góc giới thiệu nhiều khoảnh khắc chân dung Bùi Xuân Phái, hay các dịp hội ngộ của ông và bạn hữu như nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Nguyễn Sáng...