Nhà sư kể chuyện nuôi khỉ thả về núi

ANTĐ - Ở cái nơi mà người ta sẵn sàng nổ mìn phá đi những quả núi xanh ngút phục vụ công nghiệp, rồi  lùng sục khắp rừng rú để săn về những đặc sản quái gở phục vụ nhu cầu vô hạn của loài người, thì việc một nhà sư lấy cả tính mạng mình ra để giữ một quả núi, rồi tìm khắp nơi để mua về những con khỉ với ước mơ gây dựng lại núi khỉ dường như trở nên lạc lõng. Sư cô Thích Đàm Mơ thân thương gọi những chú khỉ mình nuôi là “đứa” và kể về chúng như những đứa con của mình.

Tiếc núi khỉ

Chùa Nhẫm Dương (xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) cổ kính nằm nép mình dưới chân núi Nhẫm. Giữa trung tâm của khu công nghiệp vật liệu xây dựng Nhị Chiểu với hàng chục nhà máy xi măng thì vệt xanh của núi Nhẫm trở nên hiếm hoi. Hầu hết những quả núi ở đây đã bị nổ mìn phá sạch, ngay cả núi Nhẫm cũng bị bổ đôi, nửa bên Tây đã thành xi măng, còn nửa bên Đông, sư cô Thích Diệu Mơ (trụ trì chùa Nhẫm Dương) đã bất chấp cả tính mạng của mình đấu tranh với lòng tham của những kẻ phá núi nên may mắn vẫn còn. Dù giữ được nửa quả núi với hệ thống hang động cổ quý hiếm được xếp hạng Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, nhưng sư Mơ vẫn cảm thấy buồn, vì hình ảnh ngọn núi với hàng trăm con khỉ giờ chỉ còn trong dĩ vãng. 

Sư Mơ kể, ngày xưa, cách đây khoảng vài chục năm, núi Nhẫm nhiều khỉ đến nỗi người ta gọi là núi khỉ. Hồi ấy núi Nhẫm có hàng chục đàn khỉ vàng, mỗi đàn vài chục con. Thầy vào núi giồng khoai nó bới ăn trộm hết, thầy xuống ao mò súng nó ở trên ném đá trêu. Khỉ cứ hàng chục con, con nọ bấu đuôi con kia đánh đu thành dây dài. Đàn bà con gái mà vào núi một mình thì chúng xúm lại trêu, con giật nón, con xé áo, con ném đá… Tức thì tức thật, nhưng vẫn thấy quý cái bọn khỉ tinh nghịch này. Rồi người ta bắt đầu vào rừng chặt cây làm củi, bắt đầu lên núi đặt bẫy chim, bẫy khỉ. Núi thưa cây dần, khỉ cũng bị bẫy mất nhiều. Đỉnh điểm là khi các nhà máy xi măng mọc lên, người ta phá núi làm xi măng. Ngọn núi Nhẫm này cũng bị người ta đe dọa phá, sư Mơ phải kiên quyết đấu tranh để giữ lại ngọn núi này. Đáng tiếc là nửa núi phía bên kia thuộc địa phận xã khác nên người ta vẫn nổ mìn phá. Bầy khỉ nghe tiếng mìn nổ thì sợ hãi, nửa đêm chúng rủ nhau bỏ đi đâu không rõ. “Người ta săn bắn là một phần, nhưng phần lớn là chúng tự bỏ đi. Chúng đi thầy biết hết đấy chứ. Ngày xưa thầy hay tụng kinh khuya, sáng cũng dậy sớm từ 3 giờ để tụng kinh thì thấy khỉ cứ kéo nhau từng đàn, một vài chục con lặng lẽ bỏ xuống núi. Cứ thi thoảng lại một đàn đi như thế, rồi thấy núi hết dần khỉ thì biết chúng đã bỏ đi hết” - sư Mơ nuối tiếc. 

Ám ảnh những cái chết đáng thương của khỉ

Sư Mơ bảo, khỉ là loài rất khôn, chả khác con người là mấy. Sống lâu với bọn khỉ, thầy chứng kiến không ít chuyện cảm động, bầy khỉ thương nhau, cũng biết hy sinh vì nhau lắm. Sư Mơ nhớ nhất một lần có ông thợ săn ở dưới làng vào rừng bẫy khỉ. Hôm ấy có hai con khỉ bị sập bẫy, bầy khỉ hò nhau cạy bẫy cứu những con khỉ gặp nạn. Chúng cứu được một con thì cõng lên núi lấy lá thuốc đắp vào vết thương. Còn một con, khi đang cứu thì ông thợ săn nọ đến. Thế là cả bầy khỉ xông vào tấn công ông thợ săn ấy, không còn cách nào khác, ông thợ săn vừa cầm cái bẫy có con khỉ mắc kẹt quay vòng quanh trước mặt để ngăn bầy khỉ tấn công vừa giật lùi xuống núi. Lần đó, sư Mơ bảo ông thợ săn nọ rằng con khỉ cũng như con người, sao bác nỡ giết nó, thế là sau này ông thợ đó cũng bỏ nghề săn khỉ. “Con khỉ đó chết, sau này thầy mới biết nó là con khỉ mẹ, có hai đứa con. Sau khi khỉ mẹ bị đánh bẫy cứ 3 giờ sáng khi thầy thức dậy đã thấy hai con khỉ con ngồi ở hòn đá cạnh tháp tổ hướng mắt về nhà ông thợ săn nọ mà khóc. Không biết chúng có khóc cả đêm không, nhưng cứ ròng rã hơn 3 tháng trời thầy dậy là đã thấy chúng khóc rồi. Khỉ con khóc thương lắm, y như tiếng trẻ con khóc đòi mẹ vậy, thầy không cầm được nước mắt” - sư Mơ kể. 

Sốc nhất là những lần sư Mơ được chứng kiến người ta giết khỉ. Con khỉ đang sống, người ta cầm dao phạt ngang đầu nó rồi múc óc ra ăn sống. Rồi thì có con khỉ bị nhốt trong chuồng, lão đồ tể cầm những ca nước sôi cứ thế hắt vào nó. Con khỉ bỏng quá, cứ chạy vòng quanh chuồng khóc, vừa vái lạy xin tha, vừa dùng tay gãi trợt từng mảng lông ra. Nhưng lão đồ tể cứ lạnh lùng hắt những ca nước sôi, cho đến khi con khỉ gục xuống và gãi trơ hết lông, toàn thân trắng hếu thì lão mới dừng và làm thịt nó. Sư Mơ tâm sự: “Thấy khỉ bị giết vậy thầy thương lắm, ý định mua khỉ về nuôi nhen nhóm trong thầy từ đó. Trước thấy những bầy khỉ rủ nhau đi, thầy chỉ buồn, chỉ tiếc thôi chứ không nghĩ chúng bị giết dã man như vậy. Hóa ra giờ thịt khỉ, cao khỉ trở thành đặc sản đắt tiền, người ta đua nhau lùng sục tận diệt đàn khỉ. Con khỉ nó giống con người lắm, cũng có những cảm xúc y như con người, thế mà người ta lại giết nó kinh khủng như thế”.

Những “đứa con” khỉ

Sư Mơ bắt đầu hành trình tìm mua những chú khỉ, đồng thời thầy cũng lên núi gieo hạt trồng cây để mong giữ lại vài con khỉ cuối cùng còn lại trên núi và sau này cũng là nơi sẽ thả những con khỉ thầy mua được. Một lần, có một phật tử nhà gần một người chuyên thịt khỉ nấu cao đã dẫn sư Mơ đến gặp người này để mua lại khỉ. Hồi ấy, cách đây đến cả chục năm, sư Mơ mua một con khỉ mà tốn cả 3-4 triệu đồng. Hai con khỉ đầu tiên mà sư Mơ mua được đặt tên là con Trố và Ngố. Hôm đưa hai con khỉ về, định thả lên núi nhưng sư thấy chúng run rẩy, chân đứng không vững, nhất là con Ngố. Sau này sư mới biết là do nó còn bé quá, lại bị bỏ đói, nhốt lâu nên không đi được. Phải mất mấy tháng trời dắt tập đi thì nó mới đi được, rồi sư dạy nó đánh đu, dắt đi chơi… 

Sư Mơ thả một số con khỉ lên núi, một số con không chịu đi thì sư nuôi tại chùa. Mỗi tiếng kêu của khỉ thầy đều hiểu ý, khi nào nó đòi ăn, khi nào đòi bế, khi nào đòi ra ngoài… Mỗi con khỉ sư đều hiểu tính như những đứa con ruột thịt của mình vậy. Sư Mơ kể: “Con Ngố thì nghịch ngợm không khỉ nào bằng. Thả nó ra là nó ăn vụng cơm, ăn trộm đồ thờ, rồi trêu ghẹo phật tử nên hay bị nhốt hơn. Con Trố tham ăn. Muốn bắt tay nó thì phải đổi lấy cái gì nó mới bắt, bắt tay không là nó giơ nắm đấm ra dọa… Con Đuôi dài thì có lẽ trước bị đánh bẫy, bình thường rất hiền nhưng mỗi lúc giở giời chân nó đau, ai trêu nó là cắn ngay. Mới đầu đang cho nó ăn nó cứ nghiến răng nghiến lợi bóp chân, sau thầy mới nghĩ chắc do nó bị đánh bẫy gẫy chân nên càng chăm chút nó hơn. Con Ngộ Không thầy mua sau này ăn chay từ thuở bé nên giờ cho thịt vứt đi ngay. Nó có tính hay ăn cắp, có khi đang nói chuyện với nó, nhoắt cái nó đã thò tay vào túi lấy mất điện thoại…”.

Sư Mơ bảo, mỗi con khỉ mua về sư đều phải tiếp cận từ những ngày đầu để chúng quen. Mỗi lần làm quen với bọn khỉ, sư đều bị chúng cắn cho thâm tím hết cả tay. “Có lần một bác phật tử lên lễ chùa, thấy thầy nuôi khỉ để thả lên núi, nghe những câu chuyện cảm kích của thầy, phật tử đã biếu chùa một con khỉ. Con khỉ đó có cái đuôi dài nên đặt tên là Chồn. Mới đầu thầy xích nó ở cây chay đầu hồi, lúc làm quen với nó thường xuyên bị nó cắn. Nó cắn mấy lần không thấy thầy đánh mắng, thầy mới bảo: Sao Chồn cắn thầy đau thế, thầy có đánh con đâu, thầy chỉ nuôi con, sau này con lớn thầy thả lên núi. Mỗi lần nó cắn thầy lại nói thế thì nó nhả ra, cắn nhẹ dần. Sau nay khi quen dần thầy còn bế nó để ru ngủ. Con Chồn cứ như đứa trẻ con, nó đi chơi chán thì về gọi thầy đòi uống sữa và ru ngủ. Cứ ngày nào cũng đủ 3 vòng sân thì nó mới lên cây ngủ. Có hôm thầy mệt không bế nó, nó không đi ngủ, cứ ngồi trên cây khóc i ỉ đến đỏ mắt, nhất định không ngủ. Sau thầy phải bảo thôi, xuống đây thầy bế đi ngủ. Thế là nó nhảy ngay xuống, nằm gọn trong lòng thầy, thầy đi đủ 3 vòng bảo nó thôi lên ngủ đi, thầy mệt rồi, thế là nó mới lên cây ngủ” - sư Mơ say sưa kể. “Con Chồn là con khỉ khôn nhất, ấy vậy mà nó bị chết, nó chết thầy khóc thương nó mất mấy ngày. Chả là con Chồn rất thích uống sữa, một lần có người vào làm cây cảnh cho chùa, con Chồn thấy lọ keo của ông ấy thì tưởng là hộp sữa mới đem ra uống. Sáng hôm sau thầy gọi bao lâu cũng không thấy nó trả lời, tìm kỹ mới thấy nó nằm chết dưới gốc cây. Mãi sau mới biết nó chết vì uống lọ keo”.

Có hai con khỉ nữa là con Xích Lu và con Vâu vốn là hai người bạn thân thiết của nhau. Hai con khỉ này sư Mơ được một phật tử mua giúp khi nó sắp được chuyển sang Trung Quốc nấu cao. Mấy năm trước, con Xích Lu mang bầu, bụng chửa vượt mặt đi lững thững ở sân. Một phật tử trông chùa cầm chổi cán dài quét sân, mắt kém nên đã quét vào con Xích Lu. Con Xích Lu tưởng bị đánh nên xông vào dọa cắn phật tử nọ. Con chó đang ngồi cạnh đó tưởng khỉ cắn chủ mình nên xông đến cắn trúng cổ con Xích Lu làm nó chết tại chỗ. Con Vâu nhìn thấy cảnh này cứ nhảy lên như cào cào, kêu khóc thảm thiết. Từ đấy nó buồn, bỏ lên núi, thi thoảng mới về cây thị ở chùa ngủ. 

Sư Mơ bảo, mấy năm nay thầy giữ núi quyết liệt, không cho người lên chặt củi, săn bắn nên cây cối đã phát triển xanh lại, thầy lại trồng thêm cây na, cây sộp cũng đã có quả cho chim chóc, khỉ ăn. Trước kia mỗi buổi chiều thầy thường mang đồ ăn lên núi gọi mấy con khỉ thầy thả trên ấy về ăn nhưng bây giờ thì không cần nữa. Chim chóc cũng bay về đây làm tổ nhiều hơn. Thầy bảo, nếu phía bên kia không bắn phá núi thì có lẽ giờ thầy đã thả được nhiều khỉ lên rồi.