Nhà sử học Dương Trung Quốc: Bất kể ai hi sinh vì Tổ quốc đều là anh hùng!

ANTĐ - "Trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đất đai thiêng liêng, vùng biển hải đảo là nghĩa vụ của mọi con dân Việt Nam. Vì thế dù mắt, màu, sắc lính của chế độ nào đi chăng nữa mà đã hi sinh vì Tổ quốc thì đó đều là những người anh hùng, những người liệt sĩ xứng đáng để chúng ta tưởng nhớ..."

Sự kiện xây Đền tưởng niệm những người con đất Việt hi sinh vì chủ quyền đất nước trên biển Đông đã làm lay động hàng triệu trái tim con người Việt Nam. Đây không phải lần đầu tiên chúng ta xây dựng đền tưởng niệm cho những người lính Việt Nam, nhưng rõ ràng, việc xây dựng tượng đài tưởng niệm 64 chiến sĩ Gạc Ma đã chạm vào nỗi khắc khoải của mỗi con dân đất Việt. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc xung quanh sự kiện này.

PV: Thưa ông, ông có suy nghĩ gì về việc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đền tượng niệm các chiến sĩ đã hi sinh tại Gạc Ma vào đúng ngày này của 27 năm trước?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng sự kiện này được dư luận xã hội rất chú ý, với sự đồng tình hết sức cao. Nó cũng giải tỏa được một trong những băn khoăn, thắc mắc rất lớn của đông đảo người dân. Và nó cũng thực hiện được điều như Anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Huy Lễ, là người chỉ huy con tàu HQ 505, có mặt trong trận chiến này. Ông đã chia sẻ rằng: “Chúng tôi muốn thế hệ mai sau không bao giờ quên ngày 14-3-1988, không bao giờ quên những người đã ngã xuống vì quê hương, không bao giờ quên Gạc Ma, một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Bất kể ai hi sinh vì Tổ quốc đều là anh hùng! ảnh 1

Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Bất kể ai ngã xuống vì Tổ quốc đều là anh hùng, đều xứng đáng được tưởng nhớ"

PV: Sự kiện xây Đền tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh tại Gạc Ma sẽ nhắc nhở chúng ta điều gì về trách nhiệm công dân của mình, thưa ông?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Có lẽ trước hết sự kiện này nhắc nhở, đó là một trong những bằng chứng hết sức thuyết phục về chủ quyền của chúng ta tại vùng biển này, trong đó có đảo Gạc Ma mà hiện nay Trung Quốc đang chiếm giữ và xây dựng trái phép những căn cứ quân sự của mình ở đây. Bởi, rõ ràng Trung Quốc đã tấn công vào các chiến sĩ hải quân Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ trên vùng biển thiêng liêng của mình. Ngay cả phản ứng của các chiến sĩ hải quân Việt Nam, bằng tất cả, kể cả tính mạng của mình và cuối cùng là những chiến sĩ ấy đã hi sinh để thể hiện chủ quyền cùng khí tiết anh hùng của mình. Tôi cho đó là một trong những sự kiện, có thể nói là hiếm hoi trong lịch sử. Nó vừa thể hiện khí phách vừa thể hiện tinh thần yêu nước, tính kỉ luật rất cao và qua đó chúng ta thấy được sự tàn bạo của những kẻ đi xâm lược.

PV: Hơn 40 năm trước, ngày 19-1-1974, Trung Quốc cũng đã dùng vũ lực để cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Và vào thời điểm đó, 74 sĩ quan và thủy thủ của quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng đã kiên cường chiến đấu để bảo vệ đảo và hi sinh, vĩnh viễn nằm lại tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Thưa Nhà sử học Dương Trung Quốc, phải chăng dù cho hoàn cảnh lịch sử nào thì máu của người con đất Việt cũng sẵn sàng đổ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ, Đất nước Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam có thể trải qua rất nhiều cái biến thiên trong lịch sử, các triều đại, các chế độ chính trị khác nhau, nhưng trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đất đai thiêng liêng, vùng biển hải đảo là nghĩa vụ của mọi con dân Việt Nam. Vì thế dù mắt, màu, sắc lính của chế độ nào đi chăng nữa mà đã hi sinh vì Tổ quốc thì đó đều là những người anh hùng, những người liệt sĩ xứng đáng để chúng ta tưởng nhớ.

PV: Hiện nay cuộc vận động xây dựng Đền tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma thì có cả việc giúp đỡ các gia đình và thân nhân của những binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đã tử trận trong ngày 19-1-1974. Theo ông đây có phải là sự việc được nhìn nhận như một dấu hiệu của sự hòa hợp dân tộc với mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ, trước hết đó trách nhiệm của Nhà nước và của mọi người dân. Chúng ta sẽ có rất nhiều hình thức và nguồn lực khác nhau, kể cả các sáng kiến khác nhau để chúng ta thực hiện đạo lý ấy. Trải qua rất nhiều biến thiên của lịch sử thì dấu hiệu ấy là dấu hiệu hết sức đáng được ghi nhận. Bản thân tôi cũng được tham gia vào trong một nhóm những anh chị em ở mọi miền đất nước, kể cả hải ngoại ở nhiều vị trí xã hội khác nhau và quan điểm chính trị khác nhau đã làm được những việc cần thiết như xây nhà cho các chiến sĩ và thân nhân, gia đình các chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa, kể cả các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam ở Gạc Ma. Tôi nghĩ việc làm đó hết sức ý nghĩa. Đó là một bài học giáo dục, nhắc nhở chúng ta vượt qua những mặc cảm, những nhận thức chưa chín chắn, chưa đầy đủ./.

Tin cùng chuyên mục