Nhà ơi!

ANTĐ - Lịch sử kiến trúc phong kiến ở ta không nhiều công trình hoành tráng, có lẽ do người Việt từ lúc lập nước đến thời kỳ cận đại, chẳng lúc nào được coi là người giàu. 

Dân mà nghèo thì đương nhiên, nhưng ngay cả giới quan lại, thậm chí cả những đại thần đầu triều cũng không hề dư dật. Vì thế, đa phần người Việt nói chung thường có nết ăn nết ở bình dị, tùng tiệm. Ngôi nhà, tài sản đáng giá nhất của họ, luôn cân xứng, ấm cúng vừa tầm.

Căn nhà lý tưởng của tầng lớp có tiền dưới xuôi là năm gian ba chái có vườn, còn trên ngược là cột và sàn gỗ thoáng mát. Thói quen sinh hoạt đơn sơ ấy đã ngấm vào vô thức, muốn tập làm sang phải có thời gian. Có phải thế chăng mà nhiều thị dân trung lưu Việt hôm nay, những lúc nghỉ dưỡng ở các “rì sọt” 5 sao, vẫn thường loay hoay mất ngủ.

Không kể cung vua phủ chúa, nơi kiến trúc thường vô hồn, huênh hoang vọng ngoại vì xây cất trên công sức của kẻ khác, thì hầu như mỗi căn nhà của người Việt đều đẫm đầy dấu ấn của người chủ. Bởi đấy là chỗ đọng của chắt chiu mồ hôi nước mắt từ nhiều đời. Ở những ngày chưa xa xưa lắm, căn nhà lý tưởng chính là căn nhà hương hỏa.

Nó được góp nhặt từ cụ kỵ rồi nhờ sự dành dụm của ông bà, tiếp đến sự nâng niu gìn giữ của mẹ cha. Vì thế, con cháu mà lương thiện tử tế, tuyệt chẳng ai nghĩ tới chuyện sẽ bán. Có điều, giờ đây mọi sự đã khác. Đa phần các siêu thị, quán ăn đang nườm nượp khách ở những địa điểm “vàng”, đều được xây trên những mảnh đất mua từ nền nhà “hương hỏa”.

Sau năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc rồi Hà Nội cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vì nhiều lý do trong trắng khác nhau, một đoạn dài, người Thủ đô có hẳn một văn hóa nhường nhà. Hồi đó, có một chủ trương cực kỳ ngây thơ, lãng mạn, họp bình bầu phân chỗ ở. Căn cứ trên một số tiêu chuẩn nhất định về đạo đức, thâm niên làm việc, nhất là về vị trí công tác, người ta sẽ chia nhà cho những ứng viên có đủ tiêu chuẩn.

Mà những ứng viên như thế thì nhiều lắm. Bởi đất nước đang trong hoàn cảnh gian nan, hầu hết mọi người đều chủ động hy sinh, đều tận tình cống hiến. Có lẽ vì thế mà tuyệt đối các cuộc bình bầu đều kết thúc vui vẻ trong tiếng vỗ tay. Không hiếm những vị có hàm thứ trưởng đã vô tư, bình thản nhường tiêu chuẩn nhà cho cấp dưới. Có thể nói không quá, văn hóa nhường nhà ở hậu phương đã góp phần không nhỏ cho những thắng lợi long trời lở đất ở tiền phương.

Không hiểu sao tới ngày hôm nay văn hóa nhường nhà bỗng tuyệt truyền. Chắc do quá nhiều đại gia tài cao, đức dày coi quyền sở hữu nhà là quyền thiêng liêng tối thượng. Nó cao hơn hẳn cái quyền sở hữu tình yêu chứ đừng nói đến những thứ sở hữu vớ vẩn khác, kiểu như tình người.

Giờ đây, để lý tưởng hóa cuộc sống thị dân thì tùy theo hoàn cảnh riêng, mỗi người mỗi cách. Thế nhưng cho dù là ai hay làm nghề gì, đã là dân phố thì tất thảy đều ước ao có được một căn nhà riêng biệt. Bởi đơn giản, chỉ “an cư” thì người ta mới “lạc nghiệp”. Những thị dân trung lưu Việt hôm nay thường thực tế ít hão huyền, cho nên căn nhà trong mơ của họ cũng không quá hoang đường.

Đại loại đấy là một căn hộ chừng hơn trăm mét vuông, ở một khu chung cư hay bị quen mồm gọi là “cao cấp”. Nó có cửa sổ lãng mạn nhìn ra con sông thơ mộng hình như bắt đầu ô nhiễm. Hoặc nó có thể ngó xuống một khu đất mướt mát cỏ xanh, lẫn lộn cả người và rác vì đang dang dở giai đoạn giải tỏa. Cầu thang máy thường xuyên đầy ắp “ô sin” đang bấm lên bấm xuống để nựng bọn trẻ ăn bột.

Và khi cửa thang mở, người ở trong be be kêu chưa kịp ra thì người ở ngoài đã ồ ạt chen vào. Tuy nhiên, chỉ cần khách bước qua cánh cửa căn hộ nặng nề chắc chắn, bỗng chợt nhiên òa ra một nội thất phi thường. Đập vào mắt là khu bếp sang trọng hoàn hảo, bàn ăn được ngăn với ngồn ngộn xoong chảo nồi niêu treo phía trên một quầy giả “bar” rượu ốp xanh đỏ cẩm thạch.

Phòng khách treo màn tivi 80 inches, đối diện treo bức sơn dầu sặc sỡ “hoa diên vĩ” cũng ngần ấy “ing” mua ở phố chép tranh Nguyễn Thái Học. Phòng ngủ cũng to tướng một màn tivi và tường đối diện là bức bột màu vẽ “nuy” nhưng là sáng tác thật của chính họa sĩ đã chép tranh kia.

Đâu đâu cũng thấy những thiết bị sinh hoạt tối tân, toilet có hẳn một dàn đấm đá mát xa Hàn quốc. Nếu chủ nhà là trí thức hay yêu văn nghệ thì biết ngay, bên cạnh cây đàn piano bóng loáng không có vết tay người chơi là một tủ sách gỗ quý to đùng đựng toàn quyển dày cộp bìa cứng phủ bụi. Gia chủ hớn hở điềm đạm bảo, đã qua rồi cái thời trọc phú, “ăn hết nhiều, ở hết mấy”.

Các triết gia vĩ đại của cả Đông và Tây luôn đánh giá cao vai trò của gia đình. Với họ, gia đình là tác nhân quan trọng nhất để hình thành một quốc gia. Và gìn giữ một gia đình, không có gì bằng một ngôi nhà. Chỉ khi chung sống thuận hòa dưới cùng một mái ấm, những cá thể lẻ tẻ, vô nghĩa mới trở thành một ý nghĩa nào đó. Không phải ngẫu nhiên trong tiếng Việt, khi những cặp vợ chồng chung thủy yêu nhau, thì lúc hạnh phúc nhất họ thường tha thiết gọi nhau là “nhà ơi”.

Tin đọc nhiều