Nhà nước cần “cầm trịch”

ANTĐ - Nước ta dẫn đầu thế giới cả về sản lượng lẫn xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản…, song nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại từ chính các thị trường nhập khẩu. 

Trong khi đó, rất nhiều thương hiệu Việt bị làm nhái, đánh cắp bản quyền cũng như sở hữu trí tuệ. Chỉ trong vòng 10 năm qua, Việt Nam đã bị “lôi” ra 43 vụ chống bán phá giá, 5 vụ chống trợ cấp, 15 vụ tự vệ và 10 vụ chống lẩn, tránh thuế. Hiện có tới 90% sản phẩm của Việt Nam có mặt trên thị trường thế giới nhưng đều dưới dạng thô hoặc gia công cho thương hiệu nước ngoài. Vì thế thương hiệu Việt thường mờ nhạt và phải đối phó với các vụ kiện tranh chấp thương hiệu.

Hiện nay, các nước đang phát triển đang có xu hướng sử dụng các vụ kiện phòng vệ thương mại làm “vũ khí” bảo vệ cho ngành sản xuất và doanh nghiệp trong nước. Thời gian qua, áp các vụ kiện lên hàng hóa Việt Nam nhiều nhất là thị trường Mỹ và EU, chiếm tới 18-22% tổng số vụ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đã tỏ ra thích ứng và xử lý nhanh nên số vụ đã giảm rõ rệt. Năm 2011 xảy ra 3 vụ, năm 2012 tăng lên 11 vụ, đến năm 2013 giảm xuống chỉ có 7 vụ và 3 tháng đầu năm nay có 2 vụ khởi kiện.

Các chuyên gia cảnh báo, hiện tại dòng vốn đầu tư sản xuất đang có xu hướng chảy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều đáng lo ngại là sẽ có những đối tượng lợi dụng xu hướng này chuyển một phần sản xuất sang nước ta để né thuế từ các thị trường xuất khẩu nhắm vào Trung Quốc. Khi đó, vô tình nước ta bị rơi vào các vụ kiện chống lẩn tránh thuế và ảnh hưởng xấu tới các ngành hàng sản xuất trong nước. Vì vậy, khi ngành nào vướng vào vòng kiện tụng, điều cấp thiết là các doanh nghiệp phải “nắm tay” nhau đồng lòng hợp tác với hiệp hội của mình để theo kiện đến cùng. Đến nay, tại thị trường trong nước mới chỉ có 3 vụ được khởi kiện là điều tra tự vệ mặt hàng kính nổi, dầu thực vật và điều tra chống bán phá giá mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia.

Tại cuộc hội thảo mới đây với nội dung tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp phòng chống các vụ kiện phòng vệ thương mại trên thị trường thế giới, bảo vệ thương hiệu Việt, các chuyên gia chỉ ra một số bài học kinh nghiệm “xương máu”. Thông thường các thương nhân nước ngoài tìm mọi cách tối đa hóa lợi nhuận bằng cách mua với giá có lợi nhất. Họ có thủ đoạn khi nhập khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam thường đơn phương giám định, kiểm tra chất lượng sản phẩm và đưa ra các tiêu chuẩn về dư lượng các hóa chất, thuốc trừ sâu… Không phải lúc nào các tiêu chuẩn đó cũng được đưa ra một cách sòng phẳng mà thường lấy đó như một cái cớ để ép giá hoặc kiện chống bán phá giá. 

Để tránh tình trạng “khôn nhà dại chợ”, giúp nhân dân và doanh nghiệp đồng lòng bán ra sản phẩm cầm chừng, không bị các nước ép giá, Nhà nước cần “cầm trịch” với những chính sách hỗ trợ nông dân hợp lý. Nhà nước không cần phải bỏ tiền ra mua tạm trữ gạo, cà phê, hạt tiêu mà các ngân hàng chỉ cần tăng thời gian cho nông dân vay lên trên 12 tháng, chứ không chỉ là 3-6 tháng như hiện nay. Như vậy, nông dân mới đủ sức chịu đựng, trữ thêm nông sản 2-3 tháng sau thu hoạch, tránh được cảnh đến mùa vụ lại bị doanh nghiệp nước ngoài ép giá.