Nhà nông cũng bị “sốc”

ANTĐ - Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 về xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, từ năm 2012 đến nay, nguồn cung lúa gạo trên thế giới dư thừa, nhu cầu yếu khiến hàng tồn kho chồng chất. Nước ta không giữ được mặt bằng giá xuất khẩu phù hợp với giá thế giới làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của nông dân cũng như doanh nghiệp. Sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa gạo và đời sống nông dân là vấn đề “nóng” trên diễn đàn kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Mới đây, Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo “Bức tranh nông thôn, nông dân Việt Nam nhìn từ cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình”. Hội thảo tập trung thảo luận về 4 vấn đề gai góc và bức xúc nhất. Đó là: Các cú sốc thu nhập và chiến lược đối phó rủi ro của hộ gia đình nông thôn; tiếp cận đất đai ở nông thôn; khó khăn khi tham gia thị trường nông nghiệp và hiệu quả của tín dụng trong xóa đói giảm nghèo.

Kết quả cuộc điều tra từ năm 2006 đến năm 2012 cho thấy, bức tranh nông thôn nước ta có khá nhiều mảng tối. Thu nhập và chi tiêu của các hộ nông thôn tăng trong giai đoạn 2006-2010, đạt 13 triệu đồng/người/năm, nhưng 2 năm gần đây lại giảm mạnh. Riêng khu vực nông thôn Hà Nội, nông dân thu nhập đạt bình quân 17,5 triệu đồng/người, năm 2011-2012 giảm còn 16 triệu đồng. Nhìn chung cả nước, tỷ lệ hộ nghèo không giảm trong giai đoạn 2010-2012, trong khi số hộ tái nghèo tăng. Thu nhập từ nông nghiệp đang sa sút do giá bán nông sản giảm mạnh, trong khi cơ hội việc làm phi nông nghiệp cũng giảm sút. Đáng báo động là sản xuất nông nghiệp đứng trước suy thoái, tích tụ ruộng đất rất yếu, trung bình nhiều hộ chỉ có 0,7ha. Rủi ro tăng cao nên các hộ nông dân khó khăn để đầu tư, mở rộng sản xuất.

Hơn thế, khả năng chuyển đổi ngành nghề sang phi nông nghiệp ở vùng nông thôn Hà Nội, TP.HCM và các thành phố hầu như không có, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng rất hạn chế. Trung bình vốn vay chỉ vào khoảng 1-15 triệu đồng/hộ và mới chỉ có 40-50% số hộ được vay. Nhìn vào túi tiền của nông dân thật ái ngại. Hàng năm số tiền tích lũy của hộ gia đình nông thôn quá thấp, khoảng 5-7 triệu đồng/hộ/năm, số tiền này không đủ chi cho mỗi “cú sốc” xảy ra như thiên tai, dịch bệnh, ốm đau, tuổi già. Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nhận xét, các chính sách hỗ trợ, chương trình xóa đói giảm nghèo mới tập trung vào các xã 135 và 62 huyện nghèo mà chưa “nhắm trúng” đối tượng nghèo. Với các xã được hỗ trợ làm điện, đường, trường, trạm mang lại hiệu quả tốt, nhưng các hộ nghèo thường ở nơi sâu và xa nên không được hưởng lợi bao nhiêu. 

Cuộc điều tra đưa ra số liệu đáng lo ngại: Khoảng 47% số nông hộ phải chịu ít nhất một “cú sốc” về tài chính trong năm. Mỗi cú gây thiệt hại 15-20 triệu đồng, nên họ phải vay mượn, bán tài sản. Vì vậy hiện có tới 45% số hộ nông dân đang phải nợ nần. Người lao động ở đô thị, công nhân trong khu công nghiệp cũng phải chịu những “cú sốc” trong thời buổi khó khăn, song đối với nông dân sức nặng tăng gấp bội.

Tin cùng chuyên mục