Nhà mạng thu gần 3 tỷ đồng/ngày từ tin nhắn rác

ANTĐ - Nếu trung bình cứ 300 đồng/một tin nhắn, các nhà mạng thu về khoảng 3 tỷ đồng/ngày, tức gần 100 tỷ/tháng từ các hoạt động liên quan đến tin nhắn rác.

Theo kết quả thống kê tình hình tin nhắn rác do Công ty An ninh mạng Bkav vừa thực hiện, trung bình mỗi ngày có tới 9,8 triệu tin nhắn rác được gửi tới điện thoại di động của người dùng tại Việt Nam. Như vậy, nếu trung bình cứ 300 đồng/một tin nhắn, các nhà mạng thu về khoảng 3 tỷ đồng/ngày, tức gần 100 tỷ đồng/tháng từ các hoạt động liên quan đến tin nhắn rác.

Bkav đã khảo sát lượng tin nhắn rác với tập 50.000 người dùng điện thoại di động tại Việt Nam trong tháng 10-2012. Hệ thống thống kê cho thấy, mỗi ngày có tới 16.290 tin nhắn rác được gửi tới các thuê bao di động. Như vậy, bình quân cứ 3 ngày mỗi người dùng lại nhận 1 tin nhắn rác. Với những thuê bao thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, họ phải nhận hơn 2 tin nhắn rác một ngày.  

Ảnh minh họa

Thị trường Việt Nam có ít nhất 30 triệu thuê bao thực đang hoạt động (theo số liệu Bộ Thông tin và Truyền thông công bố năm 2011). Như vậy, số tin nhắn rác được gửi tới các thuê bao di động trong nước lên đến 9,8 triệu tin một ngày.

Đây là nguyên nhân khiến tin nhắn rác đang thực sự trở thành nỗi bức xúc cho người sử dụng. Cùng với việc bị làm phiền, quấy rối bởi tin nhắn rác, người dùng còn đứng trước nguy cơ bị lừa đảo. Kẻ xấu có thể nhắn tin nhờ nạp thẻ điện thoại, thông báo trúng thưởng nhằm lừa tiền của người dùng...

Cuộc khảo sát được Bkav thực hiện với 50.000 người dùng Phần mềm bảo vệ Smartphone Bkav Mobile Security tại Việt Nam. Tin nhắn rác được lọc thông qua hệ thống Smart Filter tích hợp sẵn trong phần mềm, kết nối trực tuyến với hệ thống máy chủ thống kê tin nhắn rác của Bkav.

Theo thông tin từ Bkav, trong tháng 10 vừa qua đã có 3.737 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam. Các virus này đã lây nhiễm trên 5.599.000 lượt máy tính. Virus lây nhiều nhất trong tháng qua là W32.Sality.PE đã lây nhiễm trên 243.700 lượt máy tính.

Trong tháng 10, đã có 84 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập, trong đó có 8 trường hợp gây ra bởi hacker trong nước, 76 trường hợp do hacker nước ngoài.