Nhà lưu niệm Kim Lân: Cõi riêng của "Ẩn sỹ giữa làng văn"

ANTD.VN - Dốc tâm lực và vật lực, 6 người con của nhà văn Kim Lân như họa sỹ Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Mạnh Đức… đã tập hợp kỷ vật, tự tay thiết kế trưng bày để làm nên nhà lưu niệm về cha mình tại số 35, ngõ 424 phố Trần Khát Chân, Hà Nội. Tại đây, cuộc đời thanh bạch của cây bút đã dành cả cuộc đời gắn bó với những người nghèo khổ và làng quê Việt Nam, phần nào được giới thiệu tới người xem qua những kỷ vật đã nhuốm màu thời gian. 

Nhà lưu niệm Kim Lân: Cõi riêng của "Ẩn sỹ giữa làng văn" ảnh 1

Họa sỹ Nguyễn Thị Hiền giới thiệu tới du khách tham quan nhà lưu niệm Kim Lân

Vẫn là phản gỗ, cột lim, ấm nước chè xanh

Nhà lưu niệm Kim Lân là một căn nhà sàn nhỏ, đặt ngay trên tầng thượng ngôi nhà 4 tầng, do chính con trai ông, họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức thiết kế. Bước chân vào nhà lưu niệm, người xem dễ nhận thấy màu thời gian in hằn lên từng đồ vật, trên chiếc gậy mòn vẹt, chiếc tủ áo cũ kỹ hay cái áo khoác sờn màu.

Nhà văn Kim Lân lúc sinh thời luôn ưa cuộc sống đơn sơ, giản dị, thích mặc áo nâu sồng, thích đi guốc mộc, dùng quạt nan. Vì thế, để tạo không gian cho nhà lưu niệm và tái hiện lối sống thanh bạch của ông, họa sỹ Nguyễn Thị Hiền còn tạo một ban công nhỏ, trồng cây, nuôi cá, chăm chim - những thú vui tao nhã của bố chị lúc sinh thời. Gia đình nhà văn Kim Lân hy vọng, đây sẽ là nơi tìm về cho con cháu, sau đó là cho đồng nghiệp, bạn bè và những độc giả yêu mến ông. 

Không chỉ có tầng 4, họa sỹ Nguyễn Thị Hiền đã dành toàn bộ không gian ngôi nhà riêng của chị cho việc bày biện các kỷ vật về cha. Ngôi nhà tràn ngập hình ảnh về nhà văn Kim Lân từ bút tích, tác phẩm, bản thảo đến thư từ, hình ảnh... được gìn giữ và sưu tầm từ nhiều nguồn. Vẫn là phản gỗ, cột lim, ấm nước chè xanh… những đồ vật được cố nhà văn dùng để tiếp đón bạn bè văn chương, giờ lại được các con ông bày lại để tiếp đón những người yêu mến nhà văn.

Đến với nơi đây, người xem sẽ nhận thấy mạch trưng bày xuyên suốt, đó là tư tưởng của nhà văn trong nghề viết và cách sống hướng về truyền thống, gìn giữ nhân cách. Các trang bản thảo lưu nét bút của cố nhà văn gạch xóa nhằng nhịt, chứng tỏ Kim Lân đã rất trăn trở khi cầm cây bút viết về những người lao động nghèo khổ, về làng quê Việt Nam. 

Trăn trở cho danh phận nhà lưu niệm

Để hình thành nhà lưu niệm Kim Lân, các con của nhà văn đã cùng chung sức, đóng góp hiện vật, tiền của, công sức. Dốc tâm lực và vật lực cùng các anh em trong gia đình làm nên “một cõi đi về” của nhà văn Kim Lân, họa sỹ Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: “Thầy tôi luôn tự hào mình là nhà văn của những người nghèo. Ông đã sống một cuộc đời dung dị không khoa trương. Ông dạy anh chị em tôi rằng: sáng tạo phải tự do và phải là chính mình. Nhưng trước hết cứ phải là một người tốt đã. Chính vì thế, chúng tôi muốn nhà lưu niệm Kim Lân giản dị, gần gũi với phong cách sống của thầy tôi và để bạn bè, đồng nghiệp, bạn văn đàn em, đàn cháu của ông đều có thể đến để tìm hiểu về ông, chia sẻ từ ông những bài học văn chương”.

Cũng giống như các bảo tàng tư nhân khác, điều trăn trở nhất của gia đình nhà văn Kim Lân là đi tìm một danh phận cho ngôi nhà lưu niệm đầy ắp kỷ niệm. 

Đến nay, Hội Nhà văn Việt Nam vẫn chưa đưa nhà lưu niệm Kim Lân vào hệ thống các điểm tham quan của hội mỗi khi có đoàn khách quốc tế đến thăm Việt Nam. Đi vào hoạt động từ năm 2012, nhưng tới thời điểm này, nhà lưu niệm Kim Lân mới chỉ đón được lượng khách ít ỏi và chưa khai thác hết tiềm năng. Không có trang web cũng không có facebook, việc tìm thông tin về nhà lưu niệm Kim Lân phần lớn dựa vào một số bài viết trên các báo đã đăng tải cách đây nhiều năm.

Họa sỹ Nguyễn Thị Hiền cho biết: “Nhà lưu niệm thường trở nên sôi động vào mỗi dịp tôi ra Hà Nội. Còn các ngày thường, ai biết thông tin thì ghé thăm và con số ấy cũng khá khiêm tốn”. Tuy nhiên, họa sỹ Nguyễn Thị Hiền vẫn hy vọng một ngày không xa, nhà lưu niệm Kim Lân sẽ nhận được sự đỡ đầu về mặt danh phận của cơ quan chủ quản và nhờ đó, lượng khách đến với nhà lưu niệm Kim Lân sẽ đông đảo hơn.