Nhà hát Kịch Hà Nội cho hơn 30 diễn viên nghỉ việc vì... Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - NSND Trung Hiếu cho biết, lực lượng nòng cốt của Nhà hát Kịch Hà Nội-các nghệ sĩ trẻ đều là các diễn viên hợp đồng lao động. Do dịch Covid-19, nguồn thu biểu diễn không có, nhà hát vừa buộc phải cho hơn 30 diễn viên trẻ....  nghỉ việc.

Tại buổi tọa đàm "Mối quan hệ giữa Hội Sân khấu Hà Nội với các đơn vị nghệ thuật sân khấu Hà Nội", NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội nhận định, các nhà hát của Hà Nội đang rất nguy. Vừa qua, không riêng gì nhà hát Kịch Hà Nội, mà nhà hát Cải lương Hà Nội, nhà hát Chèo Hà Nội đã phải cắt bớt số diễn viên hợp đồng. Vì 3 tháng đầu năm không có lương chi trả cho số diễn viên này. Số diễn viên nằm trong biên chế, ăn lương từ ngân sách Nhà nước phần lớn đã già, ít diễn.

"Các diễn viên trẻ tuyển chọn về các đoàn nghệ thuật của Hà Nội đều là các diễn viên nhiều triển vọng, tài năng. Trong số hơn 30 diễn viên vừa cắt hợp đồng của nhà hát có không ít nghệ sĩ chuẩn bị đạt đủ số thâm niên cần thiết, có dư số huy chương hội diễn để xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Đó là điều đau xót mà sân khấu Hà Nội đang trải qua. Những diễn viên như Trung Hiếu cũng đã trên dưới 50 tuổi, chỉ đóng các vai ông bố bà mẹ, chứ đóng nam thanh nữ tú mãi ai xem", NSND Trung Hiếu nói.

Các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Kịch Hà Nội phần lớn đều là các diễn viên hợp đồng

Các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Kịch Hà Nội phần lớn đều là các diễn viên hợp đồng

Cũng theo NSND Trung Hiếu, các đoàn nghệ thuật của Hà Nội gồm chèo, cải lương, kịch nói, ca múa nhạc... may mắn không phải sáp nhập lại thành một đoàn như các tỉnh thành đã diễn ra. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước như tăng chỉ tiêu biên chế hay các chế độ ưu tiên khác, anh e rằng, sau khi đại dịch đi qua, sân khấu Hà Nội sẽ có một khoảng trống lớn về lực lượng kế cận. Hiện nay, các nhà hát đành phải ký khoán với các diễn viên này, tức là có việc thì ký hợp đồng, hết việc thì nghỉ.

"Đây là một cách làm đuổi các diễn viên trẻ ra đường", NSND Trung Hiếu chua xót nói.

Tại buổi tọa đàm, NSƯT Thu Hoài, Đoàn Cải lương Hoa Mai (Nhà hát Cải lương Hà Nội) cho biết, đoàn của chị đào kép đều đã 40 đến 50 tuổi. Tìm được một diễn viên trẻ tài năng đã khó nhưng giữ chân được họ còn khó hơn. Vì các nhà hát đều chỉ được phép ký hợp đồng với các diễn viên, hầu hết không còn biên chế. Nếu như không có nhà nước hỗ trợ sẽ rất khó khăn.

Buổi tọa đàm do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức vừa diễn ra sáng ngày 16-4 tại Hà Nội

Buổi tọa đàm do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức vừa diễn ra sáng ngày 16-4 tại Hà Nội

Theo NSƯT Thu Hoài, các diễn viên hợp đồng được trả lương từ nguồn thu hoạt động biểu diễn. Nhưng với đoàn của chị, mời đến xem thì khán giả chật cứng rạp, nhưng bán vé thì không ai mua. Nên để có doanh thu biểu diễn, đoàn thường vin vào các chương trình biểu diễn từ thiện mới mong bán được vé.

Trước những khó khăn mang tính tình thế cấp bách của các nhà hát Hà Nội trong cơn đại dịch, PGS.TS Phạm Duy Khuê góp ý, Hội Sân khấu Hà Nội cần có kiến nghị gửi lên UBND thành phố Hà Nội. Vấn đề này không giải quyết nhanh sẽ để lại hệ lụy lâu dài cho sân khấu Hà Nội.