Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

ANTD.VN - Trước xu thế đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo, thì tâm huyết gắn với sáng tạo là những giá trị cốt lõi của người giáo viên, là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công yêu cầu xây dựng một nền giáo dục nhân văn, phát triển bền vững. Điều này đang được khẳng định qua ngày càng nhiều tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo được công nhận, vinh danh ở Hà Nội và đang lan rộng tới nhiều tỉnh, thành cả nước.

Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo ảnh 1

Thầy cô giáo là những người truyền cảm hứng, tạo động lực cho học sinh say mê học tập và tham gia các hoạt động trải nghiệm cuộc sống

Ứng dụng công nghệ đến từng giờ học

Những cái tên liên tục được nêu lên trong 3 năm diễn ra cuộc thi “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thầy cô trong từng giờ giảng với mong muốn đem đến những bài học thiết thực, sinh động, hiệu quả, lôi cuốn học sinh hơn ở mọi cấp học. 

Tiêu biểu như cô giáo Phạm Minh Ngọc, giáo viên trường Mầm non Mai Dịch, quận Cầu Giấy. Với lòng yêu nghề, yêu trẻ, cô đã nghiên cứu, thiết kế và áp dụng có hiệu quả nhiều phần mềm giáo dục như: “Trí tuệ bé yêu”, “Cây cọ nhí”, “Bé yêu khám phá”, “Phát triển ngôn ngữ”, “Toán học vui cho bé”… với gần 5.000 trò chơi, bài tập, đoạn băng. Cô Ngọc cũng thiết kế 320 bài giảng bằng phần mềm Violet với các môn học về Toán, Môi trường, Văn học, Tạo hình... cho các lứa tuổi theo các chủ đề khác nhau, làm tư liệu tham khảo cho giáo viên toàn quốc.

Không chỉ giáo viên trẻ mới thành thạo ứng dụng công nghệ vào bài giảng, lãnh đạo ngành giáo dục đặc biệt ghi nhận tâm huyết của cô Nguyễn Thị Thường - Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Ánh Sao (quận Thanh Xuân). Cô Xuân dù đã trên 50 tuổi vẫn không ngừng nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng công nghệ vào thiết kế, xây dựng “Thư viện ảnh động”. Cô cũng động viên 100% giáo viên trong trường khai thác tài liệu trên mạng và sử dụng “Thư viện ảnh động” để soạn giáo án điện tử, trình chiếu, minh họa cho các bài giảng trên Powerpoint. 

Việc đổi mới với giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” trong 3 năm đã lan tỏa mạnh mẽ trong đội ngũ toàn ngành. Những nhà giáo được tôn vinh từ giải thưởng này thực sự trở thành những nhân tố truyền cảm hứng, tạo động lực cho học sinh say mê học tập bằng những dự án, sản phẩm vừa mang tính khoa học, vừa có tính ứng dụng cao, góp thêm vào kho học liệu của ngành những kinh nghiệm quý trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh.

Đối với những học sinh có phần thiệt thòi vì chứng tự kỷ, giảm tập trung, cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp - trường Tiểu học Tân Mai đã dày công sáng tạo ra sản phẩm “Phần mềm hỗ trợ trẻ tăng động giảm tập trung, trẻ tự kỷ nâng cao nhận thức, hòa nhập cộng đồng”. Cô Nguyễn Thị Bích Diệp là một giáo viên tiểu học với 16 năm kinh nghiệm, đồng thời cũng là một giáo viên đặc biệt, hỗ trợ cho nhiều trẻ tự kỷ suốt 16 năm qua. Phần mềm Ispring Suite 8.7 kết hợp với Powerpoint của cô Diệp giúp phụ huynh có thể hướng con tự học tại nhà, tự rèn luyện, tương tác với giáo viên chủ nhiệm để hoàn thành quá trình học tập của mình. Đây là một sản phẩm hiếm và rất mới nhằm hỗ trợ trẻ khuyết tật được Hội đồng xét duyệt đặc biệt quan tâm, đánh giá cao sự sáng tạo của giáo viên.

Nhà giáo không chỉ dạy kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng

Năm học 2019-2020 được cho là năm bản lề trước khi chính thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây cũng là mốc thời gian ý nghĩa khi Hà Nội kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô. Để đánh dấu sự kiện này, một trong những mục tiêu ngành giáo dục Hà Nội đặt ra là tạo bước chuyển lớn về chất lượng đội ngũ nhà giáo. Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội cho biết, ngành giáo dục Thủ đô luôn xác định việc đầu tư cho đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bởi đây là yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục.

Được biết, toàn ngành hiện có hơn 100.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó 100% số giáo viên đứng lớp ở các cấp học đều có trình độ đào tạo đạt chuẩn. Đây là một trong những nỗ lực vượt bậc của ngành cũng như của từng cá nhân giáo viên khi 5 năm trước, Hà Nội mới có 37% số giáo viên mầm non có trình độ đào tạo đạt chuẩn.

Không bằng lòng với kết quả này, ngành giáo dục Thủ đô còn muốn tạo dựng một đội ngũ nhà giáo tâm huyết có vai trò truyền cảm hứng cho đồng nghiệp cũng như học trò để từ đó mỗi giờ dạy, giờ học đều chất lượng và hiệu quả hơn. Đây chính là mục tiêu của giải thưởng “Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo” được thực hiện chính thức từ năm học 2016-2017. Hà Nội từng là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào đã thành thương hiệu như “Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh nghèo”, “Cô giáo - người mẹ hiền”, “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”…

Việc đổi mới với giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” trong 3 năm đã lan tỏa mạnh mẽ trong đội ngũ toàn ngành. Những nhà giáo được tôn vinh từ giải thưởng này thực sự trở thành những nhân tố truyền cảm hứng, tạo động lực cho học sinh say mê học tập bằng những dự án, sản phẩm vừa mang tính khoa học, vừa có tính ứng dụng cao, góp thêm vào kho học liệu của ngành những kinh nghiệm quý trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh. 

Thông qua các cuộc thi nhà giáo tâm huyết sáng tạo 3 năm nay, nhiều gương mặt nhà giáo, nhà quản lý sáng tạo đã được các trường học biết tới và mời về giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Các quận, huyện không chỉ lan tỏa những tấm gương điển hình tiên tiến của địa phương mình mà còn mời các giáo viên đạt giải cao ở các quận, huyện khác về trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý và giảng dạy. Từ đó, những đổi mới, sáng tạo của các nhà giáo đã được ứng vào thực tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các nhà trường.

Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo ảnh 3

Ấn tượng mạnh với sự bắt nhịp xu thế giáo dục tiên tiến

“Vinh danh các tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo là hình thức khích lệ các nhà giáo Hà Nội tích cực tự học tập, rèn luyện, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục mỗi cơ sở, tạo ra những hiệu quả mới, những chuyển biến mới ở mỗi đơn vị nhà trường. Đây cũng là cách thức quan tâm, động viên nhà giáo ở những cơ sở giáo dục còn khó khăn có những sáng tạo độc đáo, tháo gỡ khó khăn cho chính đơn vị, giúp đỡ những học sinh yếu kém, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên đạt kết quả cao trong học tập hoặc có những biện pháp giúp đỡ những học sinh có năng khiếu phát triển tài năng…

Hà Nội là tỉnh đầu tiên tổ chức giải thưởng đã trải qua 2 năm thực hiện và đến năm nay là năm thứ 3. Qua mỗi năm tổ chức, chúng tôi đều mong muốn có hình thức đổi mới để lan tỏa đến nhiều địa phương cũng như nhiều đơn vị trực thuộc để các nhà giáo biết đến và phấn đấu. Với năm thứ 3 này, tôi thực sự ấn tượng về sự tâm huyết của tất cả các nhà giáo, đặc biệt là sức sáng tạo của các nhà giáo trẻ. Tôi thấy họ đang nỗ lực thay đổi hàng ngày để bắt nhịp với các xu hướng giáo dục hiện đại như giáo dục STEM, giáo dục tích hợp... bằng các hành động thiết thực, cụ thể, để vừa đảm bảo thực hiện các mục tiêu giáo dục phổ thông, vừa chuẩn bị cho việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Bà Trần Thị Hà - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội 

Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo ảnh 4

Sáng tạo để học sinh thực sự có một ngôi trường hạnh phúc

“Là hiệu trưởng phải tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và sáng tạo cũng như các hoạt động trong nhà trường. Nhằm nâng cao chất lượng toàn diện, hướng tới mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của học trò, tôi đã định hướng và quyết tâm triển khai các chương trình học mới như chương trình giáo dục STEM. Điều này xuất phát từ mong muốn tạo cơ hội cho các em học sinh khám phá, trải nghiệm “học đi đôi với hành”, phát triển ý tưởng sáng tạo và được hướng nghiệp ngay từ tuổi học trò. Đó cũng chính là một trong những tiêu chí để xây dựng một ngôi trường hạnh phúc.

Một điều trùng hợp là ý tưởng đưa STEM vào nhà trường đã được lãnh đạo Phòng Giáo dục quận Hoàng Mai hết sức ủng hộ và gợi cho nhà trường mở rộng việc tiếp cận với các chuyên gia, thầy cô có kinh nghiệm từ nhiều nơi. Chính vì vậy, nhà trường đã được tư vấn, tự tin mở ra ngày hội STEM đầu tiên với quy mô lớn vào tháng 5-2019 vừa qua trước sự chứng kiến, tham dự của nhiều trường trong quận. Đặc biệt trước sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh và nhất là sự đam mê thực sự của các em học sinh được tự mình sáng tạo, thiết kế ra những sản phẩm thực tế từ bài học lý thuyết trên lớp, năm học này nhà trường đã quyết định thành lập một lớp STEM, tập hợp những bạn có năng khiếu, có say mê cùng một đội ngũ các thầy cô giáo trẻ, ham học hỏi, sáng tạo để dẫn dắt lớp học đi vào hoạt động có chiều sâu, có chủ đề nhằm lan tỏa lâu dài, tiếp cận với xu thế đổi mới trong toàn ngành giáo dục”.

Chu Thị Xuân Hường - Hiệu trưởng trường THCS Tân Định (Hoàng Mai)