Nhà giá rẻ vẫn khó với...

ANTĐ - Kết luận thanh tra tại 6 dự án nhà dành cho người thu nhập thấp ở Hà Nội của Bộ Xây dựng cho thấy, còn rất nhiều điểm bất hợp lý trong chính sách phát triển, quản lý đầu tư dạng nhà này. Đây thực sự là lực cản lớn khiến người thu nhập thấp khó với tới quỹ nhà ở xây dựng cho chính họ.

Người dân chờ tới lượt đăng ký mua nhà giá rẻ ở quận Hà Đông (Hà Nội)

Rút ngắn thời gian cấm chuyển nhượng

Theo Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên, giá bán nhà cho người thu nhập thấp hiện nay còn cao so với khả năng của người mua. Tại nhiều dự án, người mua nhà phản ánh, được gọi tên là nhà giá rẻ, dành cho người thu nhập thấp... nhưng giá căn hộ chỉ thấp hơn chút ít so với nhà ở thương mại liền kề. Theo ông Phạm Gia Yên, có tình trạng này là do một số chính sách ưu đãi được Chính phủ quy định dành cho dự án nhà thu nhập thấp (về thuế, vay vốn...) chưa được thực hiện. Thực chất, hiện nay, các dự án này mới chỉ được miễn duy nhất tiền sử dụng đất. 

Phó Giám đốc Sở Xây dựng, ông Nguyễn Quốc Tuấn đồng tình với nhận định trên: “Đáng ra, chủ đầu tư phải được áp dụng thuế giá trị gia tăng VAT bằng 0, được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ tín dụng đầu tư từ ngân hàng... Thế nhưng, sau hơn 3 năm triển khai, hiện nay, các chính sách này vẫn chưa được áp dụng. Tại Hà Nội, mới chỉ có một trường hợp được vay vốn ưu đãi nhưng tiến độ giải ngân cũng rất chậm. Để có sản phẩm, doanh nghiệp buộc phải vay lãi từ các ngân hàng thương mại nên giá thành của nhà thu nhập thấp giảm rất ít so với nhà thương mại...”.

Theo Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, nếu được hỗ trợ chi phí lãi vay, đưa các loại thuế (VAT, thuế nhập khẩu thiết bị...) bằng 0% thì giá bán căn hộ có thể giảm tới 15%. Ngoài ra, từ thực tế triển khai các dự án, Thanh tra Bộ Xây dựng đưa ra nhiều kiến nghị khác để giảm giá bán nhà cho người có thu nhập thấp, tăng cơ hội tiếp cận thực sự về nhà ở để ổn định cuộc sống. Cụ thể, Thanh tra Bộ Xây dựng đề xuất chính sách tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực đầu tư nhà giá rẻ phải hợp lý hơn. Ông Phạm Gia Yên nói: “Cả chủ đầu tư dự án và người mua nhà đều cần tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi (lãi suất thấp) trong thời hạn từ 5-10 năm. Người mua nhà được trực tiếp vay vốn và thế chấp bằng chính căn hộ được mua”. Cùng với đó, để giảm gánh nặng cho người mua nhà, cần miễn các loại thuế cho người thu nhập thấp khi chủ đầu tư xuất hóa đơn bán căn hộ. Lưu ý tới vấn đề khoa học kỹ thuật, Bộ Xây dựng khuyến cáo, các doanh nghiệp nên áp dụng các công nghệ mới vào thi công xây dựng công trình để giảm tối đa giá thành xây dựng.

Đặc biệt, Thanh tra Bộ Xây dựng đề xuất giảm thời hạn cho người thu nhập thấp mua nhà được phép bán căn hộ xuống còn 5 năm sau khi đã nộp đủ tiền mua nhà. Quy định hiện hành là 10 năm sau khi mua, người thu nhập thấp mới được quyền chuyển nhượng.

Mở rộng diện đối tượng mua nhà

Với một số dự án nhà giá rẻ cụ thể trên địa bàn Hà Nội đang bị... ế hàng, ông Phạm Gia Yên chỉ ra hướng giải quyết. Theo đó, UBND TP Hà Nội nên nới các quy định hạn chế về điều kiện được phép mua nhà giá rẻ của các đối tượng thu nhập thấp có hộ khẩu tại các huyện. Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng nói: “Vì có hạn chế chỉ người có hộ khẩu ở quận được mua nhà nên dẫn tới tình trạng có dự án rất ít người đăng ký. Ngược lại, có dự án lại có rất nhiều người tham gia bốc thăm mua nhà”.

Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, nhà giá rẻ nên xây dựng tại quỹ đất 20% ở khu đô thị mới để người có thu nhập thấp được hưởng các công trình phúc lợi công cộng hoặc có thể quy hoạch thành những khu dân cư có hạ tầng đồng bộ, đảm bảo đủ điều kiện chỗ ăn, ở và sinh hoạt như các khu đô thị mới khác. Nhấn mạnh tình hình “các diện tích đất để xây dựng ở Hà Nội hầu hết đã có chủ”, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát và quan tâm đến việc tạo nhiều quỹ đất để phát triển xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Đây là điều đáng lưu ý bởi hiện nay, có tình trạng chủ đầu tư các khu đô thị thường dành các ô đất có vị trí xấu, thậm chí, cố tình chây ỳ, không GPMB, kéo dài thời gian giao đất cho các dự án nhà giá rẻ.