Nhà cho người nghèo

(ANTĐ) - Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị cho ngày Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội với những hoạt động thiết thực. Một trong những công trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc là gần 5.000 ngôi nhà xuống cấp, hư hỏng nặng sẽ được thành phố hỗ trợ tiền xây lại.

Nhà cho người nghèo

(ANTĐ) - Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị cho ngày Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội với những hoạt động thiết thực. Một trong những công trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc là gần 5.000 ngôi nhà xuống cấp, hư hỏng nặng sẽ được thành phố hỗ trợ tiền xây lại.

Số liệu thống kê công bố chắc cũng không làm nhiều người giật mình: Hiện tại toàn thành phố vẫn còn 117.000 hộ nghèo, nhất là với diện tích Hà Nội mở rộng, dân số gần 6 triệu người, thì tiêu chí nghèo cũng phải “nới rộng” hơn. Tuy nhiên, theo tiêu chí nhà hư hỏng nặng, là nhà cấp 4, lợp ngói hoặc prôximăng bị xuống cấp trầm trọng, nguy hiểm tới tính mạng thì chỉ có khoảng 5.000 hộ.

Vấn đề đặt ra là, nếu người nghèo nhận tiền hỗ trợ nhưng lại không dùng để xây lại nhà như tình trạng nông dân bị thu hồi đất không dùng tiền đền bù để học nghề, thì liệu mục đích xóa nhà hư hỏng cho người nghèo có bị phá sản? Phòng ngừa trường hợp đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã soạn sẵn một bản cam kết, chủ hộ phải ký cam hết hứa sẽ xây nhà. Đồng thời, trước khi xây dựng chính quyền xã sẽ chụp ảnh hiện trạng ngôi nhà  cũ. Với những người già, cô đơn không thể tự đứng ra xây nhà, thì sẽ nhờ dòng họ, người thân.

Nếu dòng họ cũng không có ai, Ban trợ giúp người nghèo của xã sẽ đứng ra xây dựng. Dư luận tỏ ra lo ngại trước thực tế ở Cần Thơ, hàng chục ngôi nhà “Đại đoàn kết” bị phát hiện kém chất lượng, thậm chí có nhà đang thi công bị sập. Hà Nội có dự liệu đến trường hợp này không nếu giao cho Ban trợ giúp người nghèo của xã? Lo ngại về chất lượng nhà cho người nghèo là một chuyện, nhiều nơi, nhiều lúc ở cấp xã, việc xác nhận hộ nghèo cũng xảy ra chuyện “nhập nhèm” như sự kiện cán bộ một số xã “ăn chặn” tiền Tết của người nghèo hồi Tết Kỷ Sửu vừa qua.

Ở đây, không chỉ đòi hỏi chính quyền công khai đối tượng hộ nghèo, tiêu chí nhà xuống cấp, mà quan trọng là phải tổ chức hội nghị bình xét tại thôn, xóm, tổ, dân phố để xác nhận danh sách hộ nghèo. Việc bình xét phải công khai, dân chủ, khách quan và tối thiểu phải được lấy ý kiến biểu quyết đồng ý của trên 50% số người dự họp. Trong bảng “xếp hạng” địa phương có nhiều người nghèo có nhà hư hỏng nặng nhất là Ba Vì với 737 hộ, tiếp đến là huyện Thanh Oai, Phú Xuyên, Sóc Sơn... Các quận nội thành như Hà Đông, Ba Đình, Long Biên, Hoàng Mai, Đống Đa, Hoàn Kiếm cũng có hàng chục ngôi nhà xuống cấp trầm trọng.

Hiện đang bắt đầu mùa mưa, kế hoạch dự kiến xây gần 5.000 ngôi nhà từ nay đến trước ngày 30-9-2010 có thể hoàn thành?  Bà con nghèo thực sự khấp khởi chờ đợi có được một căn nhà, dù là cấp 4 cũng là mái ấm tình thương của Nhà nước, của xã hội. Tuy nhiên, với tình hình trượt giá như hiện nay, 25 triệu đồng có đủ để dựng lên một ngôi nhà cấp 4? Ông Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội giải thích, ngân sách cho 15 triệu đồng, Quỹ vì người nghèo 5 triệu đồng, còn lại gia đình và dòng họ đóng góp 5 triệu đồng, tổng cộng là 25 triệu đồng.

Với thời giá hiện nay, 25 triệu đồng vẫn đảm bảo cho người nghèo có một căn nhà ở được an toàn. Bởi vì diện tích tổi thiếu một căn nhà ở ngoại thành chỉ là 24m2, nội thành là 20m2. Muốn có được một ngôi nhà đàng hoàng, ngoài khoản tiền hỗ trợ của thành phố, người nghèo phải có thêm khoảng 20 triệu đồng. Nói ngắn gọn, để có được một căn nhà lợp ngói đỏ như trong mơ ước của người nghèo, phải cần có chừng 45-50 triệu đồng.

Đất nước còn nghèo, Thủ đô còn nghèo, Hà Nội dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ xóa hết 3.846 nhà hư hỏng, số còn lại sẽ xây dựng xong trước tháng 10 năm 2010. Đây là một việc làm đầy ý nghĩa thiết thực trong dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.

Đan Thanh