Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Lỗ... sức lao động, lãi niềm vui

ANTĐ - Những ngày đầu năm, bất ngờ nhận được điện thoại từ nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thông báo mở tiệc “chiêu đãi” phim “Những đứa con của làng”. “Bữa tiệc” mà chị nói hóa ra là suất chiếu ra mắt một số bạn bè thân thiết tại rạp Kim Đồng, Hà Nội.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Lỗ... sức lao động, lãi niềm vui ảnh 1Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát quyết lo cho anh em 
trong đoàn làm phim một buổi hội ngộ

Bỏ tiền túi ra “chiêu đãi” phim

Kể cũng lạ, xưa nay những phim được Nhà nước đặt hàng sản xuất thường hay lặng lẽ ra rạp trong các ngày lễ lạt hay dịp kỷ niệm nào đó. Thế nên việc “Những đứa con của làng” có hẳn buổi chiếu “chiêu đãi” chẳng vào dịp nào cả khiến không ít người tò mò. Ngoại lệ thế nên nhiều người chắc mẩm phim này phải được Nhà nước ưu tiên chăm chút lắm hoặc giả phải có nhà tài trợ. 

Nhưng khi hỏi chuyện nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát mới biết chị chạy đôn chạy đáo lo từ A đến Z suốt gần 1 tháng để có buổi “chiêu đãi” đặc biệt này. Giám đốc rạp Kim Đồng cũng là chỗ quen biết, lại tâm huyết với phim ảnh nên đồng ý dành miễn phí một phòng chiếu, lại để chị và đoàn làm phim sử dụng các thiết bị máy móc mà không phải thuê như thường lệ. Tìm được chỗ chiếu, chị lại tất tả đi in giấy mời, rồi tính chuyện mua hoa, chuẩn bị bánh trái nước nôi để đãi bạn bè. Mọi chi phí này, chị đều tự bỏ tiền túi ra lo. Bù lại, nữ biên kịch tài ba thổ lộ: “Anh em trong đoàn hôm nay đến đông đủ lắm!”. 

Buổi “chiêu đãi” diễn ra trong một phòng chiếu nhỏ, nói như lời nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát là toàn bạn bè thân thiết và nặng lòng với phim Việt, có cả một số người bạn mà lâu lắm rồi chị chưa gặp và cả những người đã từng xem bộ phim này trong lần phim chiếu dự thi ở “Liên hoan phim Quốc tế tại Hà Nội 2014” cách đây gần 2 tháng, nay vẫn nhiệt tình đến xem lại. Chị bảo đấy là niềm an ủi và động viên lớn nhất với bộ phim điện ảnh đầu tiên được Nhà nước đặt hàng một hãng phim tư nhân sản xuất.


Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Lỗ... sức lao động, lãi niềm vui ảnh 2Cát-sê mà nam diễn viên Trần Bảo Sơn nhận được khi tham gia 
“Những đứa con của làng” không cao nhưng anh vẫn vui vẻ 

Rạp “công” cũng thờ ơ? 

Trở lại chuyện phim do Nhà nước đặt hàng, cũng như nhiều dự án khác, “Những đứa con của làng” cũng chẳng dễ dàng hơn trong việc tìm đường ra rạp, kể cả rạp của Nhà nước. Thừa nhận điều này, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thổ lộ: “Những đứa con của làng” toàn nông dân quần áo nâu sòng, cuộc sống khắc khổ, nguyên về hình thức đã không hấp dẫn bằng các phim giải trí trang phục lụa là, rồi yêu đương, đánh đấm… Chị bảo có lẽ bởi cái chất làng xã ngay từ tên phim mà lần chiếu “chiêu đãi” này, có một số khách mời mà chị kỳ vọng sẽ đến nhưng rốt cuộc chẳng thấy đâu làm chị cứ băn khoăn mãi.

 “Những đứa con của làng” được Nhà nước đầu tư khoảng 6 tỷ đồng thực hiện. Đến giờ phim vẫn trong giai đoạn chờ quyết toán nên đang “nợ” thù lao của nhiều thành phần chính trong êkip sản xuất. Nhưng điều mà người trong cuộc đau đáu hơn là làm sao để tìm được đường đưa phim ra rạp chứ không chờ đến dịp lễ nào đó rồi mới chiếu cho mọi người xem. Và để giải tỏa mối lo này, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát lại tự thân vận động chứ quyết không ngồi một chỗ. Chị lại tất bật lo việc kết nối với các rạp tư nhân, trong đó có hệ thống rạp CGV Cinemas tại Việt Nam - đơn vị thuộc CJ Group, một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành lớn nhất của Hàn Quốc.

Chị kể đã gọi luôn cho vị giám đốc phía Việt Nam của cụm rạp tư nhân này, gửi đĩa để họ xem. Đợi họ xem xong, chị lại “săn đón” hỏi thăm. Và kết quả là những thước phim đã thuyết phục được phía CGV đồng ý đưa ra rạp vào cuối tháng 2 tới và sẽ chiếu liên tục trong 2 tuần, có tính đến yếu tố lỗ lãi hẳn hoi. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát tâm sự, chị không phải gánh nỗi lo bán vé để thu hồi kinh phí, có chăng là nhiều người trong đoàn lỗ… sức lao động vì bỏ ra nhưng không nhận về thù lao tương xứng.