Nhà báo thử thách bản thân thi bơi 10km trong đêm giữa lòng hồ Hòa Bình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hơn 4h sáng, sau hiệu lệnh của ban tổ chức, 55 vận động viên ào ào bơi về màn đêm phía trước, thử thách giới hạn chịu đựng bản thân với 10km giữa lòng hồ Hòa Bình (tỉnh Hòa Binh). Tôi là nhà báo duy nhất tham gia cuộc đua này.
Nhà báo Cao Minh

Nhà báo Cao Minh

Mày mò chuẩn bị cho cuộc đua

Cuối tháng 12-2021 tôi đăng ký tham gia cuộc thi bơi Hòa Bình Swimming Open Cup do CLB Bơi khám phá tổ chức. Vốn đã từng vài lần bơi vượt sông Hồng, hồ Hàm Lợn, hồ Đồng Đò (đều thuộc Hà Nội) nên tôi bỏ qua các cự ly 2km và 5km, mạnh dạn đăng ký luôn cự ly 10km với suy nghĩ sẽ có đủ thời gian tập luyện trước khi đến với cuộc thi chính thức. Tuy nhiên, do công việc quá bận và thời tiết miền Bắc lạnh kéo dài khiến tôi không được tập buổi open nào (bơi ngoài thiên nhiên). Khác với các giải chạy có thể thu hút hàng chục nghìn vận động viên (VĐV) phong trào tham dự thì thi bơi open kén người hơn nhiều. Đến ngày hết hạn đăng ký, Ban tổ chức cho biết có khoảng 100 VĐV tham gia bơi cự ly 10km, còn lại vài chục người tham gia các cự ly ngắn hơn, nhưng đó cũng đã là con số cao kỷ lục tại Việt Nam. Để đảm bảo cho giải thành công và an toàn, Ban tổ chức còn phải cho các VĐV tập luyện, “thi thử”, đây chính là điểm khác biệt so với các bộ môn thể thao khác.

Cuối tháng 4-2022, Ban tổ chức cho “thi thử” thực địa lòng hồ Hòa Bình. Lúc này thời tiết vẫn còn lạnh, khoác lên mình bộ suit (áo bơi mùa đông), tôi tự tin bước lên thuyền cùng các VĐV ra đảo Dừa (hồ Hòa Bình) với tích lũy cự ly dài nhất từng tự tập luyện trước đó (trong bể bơi) là hơn 4km.

Cung đường “thi thử” giống 80% so với thi thật, kéo dài từ đảo Dừa đến vịnh Ngòi Hoa. Khoảng 8h ngày 23-4-2022, trời có nắng nhẹ song vẫn se lạnh, các VĐV cùng nhau thử đường bơi. Một sự cố nhỏ xảy đến với tôi ở km thứ 5, khi đó tay chân đã khá rã rời thì bất ngờ bị một cơn sóng to ập tới (do tàu chạy cắt ngang qua mà tôi không để ý). Tôi hít trọn ngụm nước vào đường thở, bị nghẹn mất hơn 10 giây, phải vớ vội lấy chiếc phao cứu hộ kéo theo phía sau. Cuối cùng thì sau khoảng 3,5 giờ, mọi người cũng đến được vịnh Ngòi Hoa, hoàn thành hơn phân nửa đường thi thật.

Cuộc thi mang hơi hướng sinh tồn

Dù chỉ nắng nhẹ, song sau hơn 3 giờ phơi người trên mặt nước, “phần thưởng” cho lần “thi thử” là vai, lưng và hai cánh tay của nhiều VĐV bị cháy nắng bỏng rát, đến cả chục ngày sau vẫn lột da từng mảng. Nắng nóng cũng khiến mọi người kiệt sức nhanh hơn. Rút kinh nghiệm vấn đề này, để tránh cái nắng mùa hè gay gắt, Ban tổ chức quyết định chuyển giờ xuất phát lên 4 giờ sáng. Điều này có nghĩa là các VĐV sẽ phải mò mẫm bơi trong bóng đêm giữa lòng hồ Hòa Bình trong khoảng 1 giờ cho đến khi mặt trời mọc. Mọi người nghe thông báo vừa có chút lo lắng, lại vừa háo hức vì có thêm một khó khăn chờ được chinh phục. Trong chiếc phao kéo được Ban tổ chức phát, tôi nhét tất cả những thứ cần thiết cho cuộc sinh tồn trên mặt hồ hơn là một cuộc thi bơi. Đó là đèn pin, còi cứu hộ, muối, gel năng lượng và cả chiếc điện thoại đề phòng trường hợp bị bơi lạc đến hòn đảo nào đó còn gọi được cứu hộ.

Chủ nhật, ngày 12-6-2022, cuộc thi sẽ diễn ra. Do vậy, tối thứ Bảy các VĐV tập trung tại đảo Dừa để nghe Ban tổ chức phổ biến quy chế thi, đồng thời đi ngủ sớm lúc 9h30, thức dậy lúc 3h để ăn sáng và vào cuộc đua lúc 4h. Trước đó, trên đường lên Hòa Bình chúng tôi nhận được tin tức không mấy vui. Đó là Công ty Thủy điện Sơn La đã mở cửa xả đáy, tiếp đến Công ty Thủy điện Hòa Bình cũng sẽ mở 2 cửa xả đáy vào lúc 7h ngày Chủ nhật (đúng lúc cuộc thi đang diễn ra) và 13h chiều cùng ngày. “Bơi giữa lúc thủy điện xả nước ư?” - đây quả thực là một mối lo đáng kể. Ban tổ chức lập tức tìm cách liên lạc với Công ty Thủy điện Hòa Bình thì nhận được câu trả lời có phần an tâm: “Khu vực diễn ra cuộc thi bơi nằm ở thượng nguồn, cách thủy điện khoảng 15km nên không bị ảnh hưởng. Khi thủy điện xả nước chủ yếu ảnh hưởng phần hạ du”.

Các vận động viên xuất phát trong đêm

Các vận động viên xuất phát trong đêm

Buổi tối trước khi vào nghe phổ biến quy chế thi, mỗi VĐV đều phải ký vào giấy miễn trừ trách nhiệm của Ban tổ chức. Giống như các bộ môn thể thao mạo hiểm khác như nhảy dù hay leo núi… thi bơi ngoài trời chứa đựng rất nhiều rủi ro. Hơn ai hết, mỗi VĐV phải tự lượng sức và khả năng sinh tồn của mình trước khi tham gia. Còn nếu muốn đảm bảo an toàn 100% thì chỉ có thi… trong bể bơi. Sau khi ghi số BIB (số báo danh) lên vai, tôi cố gắng đi ngủ lúc 22h.

Đúng 3h sáng Chủ nhật, tôi trở dậy tập trung cùng các VĐV ăn một chút cháo gà lấy sức. 4h, bến tàu đảo Dừa rộn rã tiếng loa đài, cười nói. Do có VĐV đã “suy nghĩ lại”, cộng thêm một số khác trải qua lần “thi thử” đến kiệt sức và xin hạ cự ly (về 5km) cho phù hợp, nên con số cuối cùng chỉ còn 55 VĐV tham gia cự ly 10km (gồm cả VĐV nước ngoài). Theo quy định, các VĐV bắt buộc phải kéo theo chiếc phao có đèn pin bên trong, trông như những chiếc đèn lồng đỏ. 4h10, sau hiệu lệnh Ban tổ chức, tất cả cùng ào ào nhảy xuống nước hướng về màn đêm phía trước. Âm thanh cổ vũ sôi động trên bờ nhanh chóng nhỏ lại rồi im bặt, chỉ còn tiếng quạt nước ì oạp xung quanh. Tôi bơi ở tốp cuối cùng, lại dùng kính bơi nên việc quan sát hướng di chuyển trong bóng đêm khá khó khăn. Những chiếc SUP (ván chèo đứng) hay phao checkpoint (trạm hỗ trợ) có đèn, song sự thực là chúng chỉ giống như ngọn đèn dầu phía xa. Hướng theo ánh đèn phao phía trước, tôi cắm cúi bơi, cứ bơi sải được một lúc lại chuyển sang bơi ếch…

Dấu ấn khó quên

1km đầu tiên trôi qua, trời vẫn tối đến mức còn chẳng nhìn thấy bàn tay của mình, vẫn còn đến 9km trước mặt. Tôi cố gắng bình tĩnh bơi, mục tiêu trong đầu giống như nhiều VĐV khác nói chuyện lúc chập tối: “Trước tiên là làm sao để về đích an toàn, không bị DNF (Did not finish - không hoàn thành)”. Sau hơn 1 tiếng tôi mới đến điểm checkpoint 2,5km, trời lúc này đã tảng sáng, có thể trông thấy những ngọn núi mờ mờ xung quanh. Từ điểm checkpoint 2,5km đến điểm 5km là cam go nhất bởi có một đoạn khoảng 1km đường bơi gặp dòng chảy ngang và các VĐV sẽ phải dùng nhiều sức hơn.

Vượt qua dòng chảy ngang, tôi dừng lại dùng một gói gel năng lượng rồi tiếp tục bơi. Theo bản đồ Ban tổ chức cung cấp thì vượt qua dòng chảy ngang hơn 1km là điểm checkpoint 5km, nhưng đến nơi thì phao báo hiệu lại nằm tít ở chân núi, ngay dưới chữ vịnh Ngòi Hoa. Mọi người lại hì hục bơi đến nơi, thực tế quãng đường một lượt từ đảo Dừa đến vịnh Ngòi Hoa đã gần bằng lần bơi thử, chưa kể còn lượt về. Bám vào chân núi lởm chởm đá, tôi nghỉ chừng 3 phút, tranh thủ bôi thêm thuốc chống mờ kính và bắt đầu bơi 5km lượt về.

Quãng đường bơi và thời gian vận động viên Đỗ Cao Minh hoàn thành

Quãng đường bơi và thời gian vận động viên Đỗ Cao Minh hoàn thành

Sức lúc này đã xuống, quãng đường về thấy xa mịt mù, đầu gối trái có dấu hiệu nhói đau sau mỗi lần đạp ếch. Lại cắm cúi cả 2 kiểu bơi, hướng đi thì thi thoảng ngóc lên hỏi đội chèo SUP hỗ trợ. Lại băng qua dòng chảy ngang, cộng thêm thời điểm này thủy điện Hòa Bình đã mở cửa xả đáy khiến sóng nổi lên rất lớn, cơ thể liên tục bị lắc. Gỗ mục, củi rác, cành tre, lá cây… từ đâu kéo về nổi lềnh phềnh đầy trên mặt hồ, mỗi đám như vậy to như cái ao nên rất khó bơi vòng để tránh. Hơn nữa, bơi vòng dễ mất sức nên nhiều VĐV chọn phương án bơi thẳng, rẽ rác mà qua. Có lúc tôi phải dừng lại để gỡ thanh tre nhỏ mắc vào phao hoặc chặn ngang mặt. Sau cả tiếng vật lộn, cuối cùng tôi cũng vượt qua đoạn hồ rộng nhất có dòng chảy ngang. Lúc này đồng hồ trên tay báo đã vượt qua quãng đường hơn 8km. Tốc độ bơi của tôi giảm rõ rệt, tay quạt sải lờ đờ, chân bắt đầu cứng lại. Ban tổ chức có bố trí một số thuyền máy, SUP, để hỗ trợ các vận động viên kiệt sức hoặc quá COT (Cut-off time, thời gian về đích quy định). Ngay cạnh tôi lúc này cũng có một thuyền đợi sẵn, song tôi xác định đã bơi đến lúc này thì kiểu gì cũng phải về đích cho dù quá giờ, không được nhận huy chương và áo hoàn thành cự ly. Dù sao, đây cũng là kỷ niệm cá nhân. Nghĩ sao làm vậy, lại hì hục bơi nép theo chân núi.

Nhà báo Đỗ Cao Minh (trái) và vận động viên vô địch người Nhật Bản Takanori Ayusawa

Nhà báo Đỗ Cao Minh (trái) và vận động viên vô địch người Nhật Bản Takanori Ayusawa

Lúc này hồ đã bớt sóng, chỉ còn một quãng đường dọc chân núi mà cảm giác bơi mãi không thấy đích. Thêm vài chục phút, cuối cùng nhánh hồ dẫn về đích cũng hiện ra trước mắt. Tự nhiên sức lực ở đâu ùa tới khiến cơ thể sung hơn hẳn, tôi lại bơi ầm ầm như lúc đầu, chinh phục nốt 1km cuối cùng. Chạm bờ, tôi bước lên mà chân lảo đảo như người… từ vũ trụ trở về trái đất trong tiếng loa Ban tổ chức chúc mừng hoàn thành cự ly bơi 10km (thực tế bơi trôi dạt, đồng hồ báo gần 11km) hết 5h27p. Theo thông báo tổng kết của Ban tổ chức, có 31 vận động viên về đích, tôi xếp thứ 24. Một kỷ lục cá nhân với việc tự tập luyện, không có huấn luyện viên, đội nhóm. Và hơn hết thảy, đó là việc vượt qua chính bản thân mình. Hẹn gặp lại mùa đua sau!