Nhà báo, nhà văn Hàm Châu: Người vẽ chân dung bằng ngôn từ

ANTD.VN - Trong cuộc đời làm báo, từ những năm tại chức tới những năm nghỉ hưu, Hàm Châu được tiếp xúc với nhiều nhân vật và nhà khoa học lớn cả trong và ngoài nước, ông khắc họa chân dung họ bằng ngôn từ và đã nổi lên là cây bút xuất sắc về ký chân dung.

Nguyễn Hàm Châu sinh ngày 25-9-1935 tại xã Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An, một đất khoa bảng nổi tiếng với nhiều nhân tài rạng danh lịch sử. Ông nội ông đỗ phó bảng năm 1895, ông ngoại đỗ tiến sĩ năm 1910, cha ông đỗ tú tài trong khoa thi hương cuối cùng, năm 1918.

Hàm Châu là cây bút của 3 tờ báo lớn, từ phóng viên Báo Thủ đô - tiền thân của Báo Hànộimới (1957-1978), rồi đến Tổng Biên tập tạp chí Tổ Quốc (1978-1988), sau đó sang làm phóng viên cấp cao tại Báo Nhân dân, phụ trách tờ Nhân dân Chủ nhật (nay là Nhân dân Cuối tuần (1988-1999).

Mùa hè năm 1965, hơn 6.000 học sinh Hà Nội học xong cấp 2, cấp 3, tình nguyện đi xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa miền núi. Mấy năm sau, Hàm Châu cũng lên các nông trường trên Tây Bắc, gặp và sống cùng với họ. Trở về Hà Nội, anh viết một loạt ký đăng báo Hànộimới.

Chẳng hạn bài ký về cô học sinh Vũ Băng Tú tình nguyện làm giáo viên không lương trường Thanh niên xã hội chủ nghĩa Hòa Bình, được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người. Hay bài “Trường học bên sông Đà” được Hội Văn nghệ Hà Nội tặng giải chính thức về thể ký. Cũng từ giải thưởng này, Hàm Châu trở thành hội viên Hội Nhà văn Hà Nội từ dạo ấy.

Rồi anh lại có loạt ký đăng báo, viết về đề tài học sinh giỏi đoạt giải quốc tế. Năm 1996, anh tập hợp, in thành cuốn “Hiếu học và tài năng” được Viện sĩ Nguyễn Văn Hiếu viết lời giới thiệu.

Anh miêu tả sống động những học sinh giỏi trong các đội tuyển đi dự thi và từng đoạt giải cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế về Toán, Vật lý, Tin học, Tiếng Nga, cũng như các cuộc thi âm nhạc quốc tế.

Đọc ký của Hàm Châu, độc giả mới biết và vui mừng, tự hào về con em ta sống trong hoàn cảnh kháng chiến khó khăn, học dưới bom đạn mà vẫn đoạt giải Nhất, giải Nhì khi so tài cùng học sinh quốc tế. Nhiều người trong số đó hiện là giáo sư, tiến sĩ khoa học hoặc nghệ sĩ nổi tiếng. Cuốn sách được bạn trẻ hoan nghênh và được tái bản.

Những tác phẩm báo chí ngợi ca những tài năng đất nước chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số hơn nghìn bài ký đã đăng báo của Hàm Châu. Năm 2002, anh xuất bản cuốn “Người trí thức quê hương” (tập 1), phác họa 18 chân dung những nhà khoa học đáng kính.

Những tác phẩm của Hàm châu đã phác họa sinh động một Vũ Đình Cự cùng các cộng sự đã lao ra biển “bắt sống” một quả thủy lôi chiến lược MK52 của Mỹ, đem về để phán đoán nguyên lý hoạt động, xác định những thông số cần thiết, rồi mày mò chế tạo tàu phá thủy lôi không người lái.

Ngòi bút Hàm Châu cũng giúp độc giả thán phục trước một Tạ Quang Bửu thông tuệ, trong điều kiện khó khăn hồi đầu kháng chiến chống Pháp, ông vẫn ra mắt bạn đọc những cuốn sách giá trị như“Vật lý cương yếu”, “Nguyên tử - Hạt nhân vũ trụ tuyến” và “Sống”. Chỉ tự học 3 tháng, ông đã đọc được tiếng Nga. Giáo sư Lệ Văn Thiêm đã nhận xét về Tạ Quang Bửu rằng: “Năng lực tự học của ông Bửu gần như một thiên huyền thoại”.

Rồi ta lại được biết một Trần Đại Nghĩa, nguyên kỹ sư trưởng chế tạo máy bay ở Pháp, lương mỗi tháng tương đương 22 lượng vàng, nhưng năm 1946 đã bỏ lại tất cả theo Bác Hồ về nước.

Với cái vốn 11 năm bí mật nghiên cứu về chế tạo vũ khí, trong hoàn cảnh kháng chiến ở Việt Bắc, Trần Đại Nghĩa đã cố gắng nghiên cứu, chế tạo được súng cối, badôca, đặc biệt là súng không giật vác trên vai (SKZ) có sức công phá ngang một cỗ đại bác.

Tác giả Hàm Châu cũng dành những trang vieets phong phú thông tin về các danh nhân ngành y. Đó là Giáo sư Tôn Thất Tùng ở Pháp đã được đánh giá là “một thức của báu đối với Việt Nam”. Các công trình của ông thường công bố trên các tạp chí quốc tế, muốn hiểu được phải có một trình độ rất cao. Bài ký chân dung này được tặng giải Nhất báo chí Việt Nam năm 1982.

Giáo sư Hồ Đắc Di lại trở thành giáo sư đại học người Việt đầu tiên và duy nhất trước Cách mạng Tháng Tám. Tới Giáo sư Đỗ Tất Lợi được coi như một nhà bác học về thuốc Nam, từng công bố hơn 200 công trình nghiên cứu lớn, nhỏ. Ít ai biết ông là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được Liên Xô tặng học vị Tiến sĩ khoa học mà không phải bảo vệ luận án.

Chưa hết. Hàm Châu còn viết về Phạm Ngọc Thạch - người thầy thuốc tận tụy vì dân; Đỗ Xuân Hợp - người thầy về giải phẫu học; Đặng Vũ Hỷ - y đức và tài năng, Đào Văn Tiến - nhà sinh học mở đường, Lê Văn Thiêm - nhà Toán học tận tâm vì đất nước, Hoàng Tụy - nhà Toán học không ngừng sáng tạo...

Với vốn hiểu biết khoa học tự nhiên, sử dụng được 3 thứ tiếng nước ngoài, ông có dịp tiếp xúc với nhiều nhà tri thức tiêu biểu trên thế giới. Người Việt ở Pháp có Trần Thanh Vân, Trịnh Xuân Thiêm, Bùi Huy Đường, Trần Văn Khê... Người nước ngoài có thị trưởng Jack Lang (Pháp), Giáo sư Steinberger (Thụy Sĩ) bác học Martin Perl (Mỹ).

Từ những chuyến đi, ông đã thể hiện trung thực chân dung họ bằng ngôn từ, đề cập chính xác các vấn đề khoa học hiện đại, ngợi ca vị thế xứng đáng của người trí thức trong sự nghiệp chung của dân tộc. Mỗi chân dung mang ấn tượng riêng, tràn ngập cảm xúc, cho thấy sự cất công tìm kiếm, tìm hiểu của tác giả.

Những ký chân dung của Hàm Châu được giới nghiên cứu và giảng dạy báo chí đánh giá cao. Trong cuốn “Ngôn ngữ báo chí”, Tiến sĩ Vũ Quang Hào, Đại học Quốc gia Hà Nội bình luận: “Có thể khẳng định đến nay, Hàm Châu là cây bút chuyên sâu về đề tài chân dung các nhà khoa học. Hàng loạt bài của Hàm Châu giống như những tượng đài mà đường nét, màu sắc, ngôn ngữ rất Hàm Châu, nhà báo am tường khoa học và thấu cõi lòng, thấu sự nghiệp của các nhà khoa học...”.

Không ngờ ngày 30-7-2016 lại là ngày biệt ly. Cây bút ghi dấu ấn với ký chân dung đột ngột chia tay anh em làng báo, làng văn ở tuổi 82.

Là một đồng nghiệp từ thời chiến tranh và bao cấp, tôi nghĩ tới cuộc đời 42 năm làm báo, ông đã dành một nửa - 21 năm (1957-1978) cho Báo Hànộimới. Bởi vậy, đêm nay tôi ghi lại những dòng này tưởng nhớ anh. Ông ra đi nhưng 2.500 bài báo và 22 cuốn sách viết về ông vẫn còn lại với thời gian.

Tin cùng chuyên mục