Nguyên tắc vàng cho thí sinh đi thi

ANTĐ - Hôm nay, ngày 2-6, 950.000 thí sinh của cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Đây là kỳ thi hết sức quan trọng trong cuộc đời mỗi học sinh do đó công tác chuẩn bị phải thật sự chu đáo, kỹ lưỡng. Bên cạnh việc ôn luyện thật kỹ các nội dung đã được học trong chương trình thì các thí sinh cũng cần chuẩn bị vững vàng về mặt tâm lý và sức khỏe…

Không nên học dồn

Càng cận những ngày thi và trong những ngày thi, các em học sinh cần phân bổ thời gian đọc lại kiến thức cho hợp lý, không nên “nhét” kiến thức dồn dập, một ngày “đảo” lại kiến thức từ 2 đến 3 môn dễ gây nhàm chán và mệt mỏi. Thậm chí, học một cách ôm đồm, không khoa học sẽ dẫn đến tình trạng bị loãng kiến thức, hoảng loạn khi chỉ nhớ lẩn quẩn những kiến thức mới đọc mà quên mất những phần trước đó. Ðể tránh tạo căng thẳng, áp lực trong việc ôn tập, học sinh nên sắp xếp thời gian học và thư giãn xen kẽ để chuẩn bị cho môn thi tiếp theo. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội trên báo chí đã từng chia sẻ: “Học sinh bây giờ cứ mở sách ra là ôn từ đầu đến cuối, học như vậy rất mất thời gian và không có tác dụng. Cách học hiệu quả nhất là chỉ học những phần mình quên, những phần kiến thức hổng. Trước khi mở vở ra ôn, học sinh cố gắng tự nhớ lại kiến thức, ghi ra giấy để nắm được tính hệ thống của vấn đề đồng thời cũng là một cách để ôn lại một lần nữa. Học sinh cần phải xác định được mục tiêu, biết cách học và có quyết tâm vượt qua khó khăn, trở ngại, ba yếu tố đó tác động thì mới tạo nên thành công”. 

Cho đầu óc nghỉ ngơi

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em học sinh nên để đầu óc thoải mái và nghỉ ngơi sau mỗi môn thi, ngày thi sẽ hiệu quả hơn so với việc cứ hết từng môn thi lại “cắm đầu cắm cổ” vào ôn lại kiến thức của môn thi tiếp theo. Hơn nữa học vào những lúc sát cận ngày thi sẽ không có thời gian và không hiệu quả, thậm chí còn làm quên cả những kiến thức đã nhớ. Bởi đã có không ít trường hợp các em học sinh vì tâm lý không ổn định, cảm thấy lo lắng nên đã chọn cách thức cả đêm để “luyện” mà không hề ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, sức đề kháng giảm sút. Lời khuyên dành cho các em là không thức khuya và tự gây áp lực cho mình. Cần tranh thủ ngủ sớm để lấy sức cho một ngày thi dài hôm sau. 

Những người đi trước đưa ra một kinh nghiệm cho các thí sinh là do áp lực, trong lúc làm bài có thể bị mất tập trung làm hạn chế sự tư duy, bế tắc trong làm bài, những lúc đó hãy nhắm mắt lại, ngừng suy nghĩ về bài thi, tĩnh tâm trong vòng 15 giây, hít thở sâu, đều đặn sau đó bắt đầu làm bài tiếp. Chính việc này sẽ giúp não quay trở lại trạng thái cân bằng và sẽ sáng suốt hơn trong suy nghĩ cho bài làm đạt kết quả cao hơn.

Chú ý đến thời tiết

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 diễn ra vào đúng khoảng thời điểm thời tiết thất thường, nắng gay gắt ban ngày đẩy nhiệt độ lên cao tới 39, 40 độ C, chiều thường nổi giông kèm theo mưa lớn. Thông tin thời tiết cũng là một điều khá quan trọng để phụ huynh, học sinh cần lưu ý để có thể chuẩn bị thi tốt nhất, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể ảnh hưởng đến kết quả thi. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong 3 ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, từ 2-6, thời tiết khá thất thường ở hầu hết các khu vực trên cả nước. Các tỉnh Bắc bộ sẽ có mưa rào và giông, tập trung nhiều vào chiều tối, đêm và sáng sớm, ban ngày nhiệt độ tăng cao. Vùng núi Tây Bắc, Việt Bắc và các tỉnh trung du mưa to, có thể gây lũ trên các sông suối, sạt lở đất và gió mạnh nguy hiểm. Trung bộ nắng nhiều, nhiệt độ cao vào ban ngày, chiều tối có mưa giông, gió mạnh, sấm sét. Tại khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, sáng và trưa trời nắng, chiều và tối có mưa giông mạnh kèm theo sấm sét có thể gây ngập úng cục bộ ở các đô thị… Do đó, phụ huynh đưa con em mình đến địa điểm thi cần lưu ý di chuyển hợp lý sao cho có mặt tại địa điểm thi trước từ 30 đến 45 phút vì nếu trời mưa có thể dẫn đến ách tắc giao thông và ngập úng cục bộ.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng

Thời tiết có những biến đổi liên tục trong ngày dễ gây mệt mỏi, mất sức, vì vậy thí sinh cần lưu ý bảo vệ sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý để không ảnh hưởng đến trong lúc làm bài thi từ môn Văn đầu tiên cho đến môn Ngoại ngữ cuối cùng. Ăn uống đầy đủ chất cũng là một cách để lấy lại tinh thần. Các bác sĩ tư vấn: Mùa thi cũng là mùa các sĩ tử tăng cường hoạt động bài vở, điều này cũng đồng nghĩa với việc bộ não làm việc nhiều hơn bình thường. Ngoài bổ sung đường, đạm, chất béo và vitamin từ hoa quả tươi, các em cần phải ăn đa dạng thực phẩm, phối hợp các loại với nhau, ngoài ba bữa chính - tuyệt đối không được bỏ bữa, nên ăn thêm vài bữa phụ để cung cấp đủ năng lượng, tạo sức đề kháng tốt cho cơ thể. Uống nhiều nước, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng hiện nay dễ gây mệt mỏi, dễ ốm, mỗi ngày tối thiểu từ 1,5 lít đến 2 lít nước. Cà phê và trà đặc không tốt cho thí sinh trong mùa thi, nó làm cho não sau một lúc hưng phấn thì trở nên mệt mỏi và mất thêm trí nhớ. 

Cân nhắc xem có nên mang máy ghi âm vào phòng thi

Điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, đó là Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh mang vào phòng thi các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác. Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT, các hội đồng coi thi phải dán trước cửa mỗi phòng thi quy định các vật dụng được phép mang vào phòng thi và không yêu cầu thí sinh phải đăng ký mang vào phòng thi các thiết bị ghi âm, ghi hình. Trong quá trình coi thi, nếu thấy thí sinh có dấu hiệu bất thường trong việc sử dụng các thiết bị, vật dụng mang vào phòng thi, giám thị có quyền kiểm tra. Nếu thiết bị đó không đúng quy định thì giám thị xử lý theo Quy chế thi. Nếu không xác định được, giám thị phải báo cáo với lãnh đạo hội đồng coi thi, thông qua giám thị 3 để xem xét, xác minh. Tuy nhiên không chỉ thí sinh mà cả các bậc phụ huynh, nhiều người bày tỏ quan điểm việc mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi cái mất nhiều hơn cái được bởi mang máy ghi âm vào phòng chỉ gây mất thời gian, khiến các em phân tán tư tưởng, dẫn đến kết quả thi không tốt. Vì thế các bạn thí sinh cũng nên cân nhắc việc mang máy ghi âm vào phòng thi, tránh để vướng bận, mất tập trung khi làm bài.

Nguyên tắc vàng

Để tránh được những sai sót đáng tiếc trong quá trình dự thi, theo quy định của Bộ GD-ĐT, đi thi thí sinh cần mang theo thẻ dự thi, chứng minh nhân dân, không được đến muộn quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi. Đối với môn thi tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi và phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp; với bài thi trắc nghiệm, thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài…Khi đi thi, các thí sinh phải tìm hiểu kỹ và  tuân thủ đúng quy định tránh xảy ra các trường hợp vi phạm do vô ý. Bên cạnh đó, một nguyên tắc vàng đối với các thí sinh là phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho mình mọi giấy tờ cá nhân cũng như liên quan đến kỳ thi từ hôm trước. Tìm hiểu tuyến đường nơi đến dự thi, đồng thời bố trí thời gian hợp lý không để đến thi muộn. Chuẩn bị điện thoại và những số cần liên hệ khi cần thiết để nếu như có rơi vào tình huống bất ngờ thì có thể được giúp đỡ ngay.

Chỗ dựa tinh thần

Trong giai đoạn thi cử, thí sinh thường có rất nhiều những áp lực bủa vây xung quanh dễ bị tổn thương tâm lý nên các em luôn tìm cho mình một chỗ dựa về mặt tinh thần. Cha mẹ và thầy cô luôn là những người các em lựa chọn đầu tiên cho việc này. Ngoài ra, sự hỗ trợ, quan tâm, gần gũi, động viên của cha mẹ, thầy cô để tạo bầu không khí thoải mái là động lực cho các em cố gắng hơn, nỗ lực hơn để làm bài thi đạt kết quả tốt nhất. Việc định hướng đúng đắn phù hợp với năng lực bản thân của mỗi học sinh hay việc quan tâm chăm sóc về tinh thần, sức khỏe hay việc động viên đúng lúc, chừng mực của thầy cô cha mẹ sẽ không chỉ giúp các em giải tỏa căng thẳng, áp lực mà còn tiếp thêm năng lượng, sức lực giúp các em tự tin thể hiện khả năng của mình khi bước vào kỳ thi.

Bước ngoặt quan trọng của đời học sinh sau 12 năm đèn sách đã đến, hy vọng rằng tất cả các thí sinh trên cả nước sẽ thành công trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013. 

Đảm bảo trật tự ATGT trong các ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt CATP Hà Nội đã triển khai Kế hoạch số 55 tập trung phân luồng, chống ùn tắc và phòng ngừa không để xảy ra TNGT. Trong những ngày diễn ra kỳ thi, ngoài những chốt CSGT ở các nút giao thông trọng điểm, Phòng CSGT tăng cường lực lượng làm nhiệm vụ tuần lưu trên các tuyến giao thông chính, kịp thời phát hiện các vấn đề phức tạp, gây ảnh hưởng đến trật tự ATGT để triển khai phương án phối hợp giải quyết, đặc biệt tại các cổng trường học nơi tổ chức thi. Tại những khu vực có nhiều khả năng xảy ra ùn tắc giao thông, Phòng CSGT chỉ đạo các đội CSGT quản lý địa bàn phải bố trí CSGT cắm chốt để phối hợp hiệu quả với lực lượng CSTT của công an các quận, huyện, thị xã tổ chức hướng dẫn, phân luồng giao thông. Đơn vị cũng đã lên danh sách những điểm có khả năng bị ngập úng khi mưa bão để chuẩn bị bố trí lực lượng, phương tiện dự phòng phân luồng, chống ùn tắc.