Nguyên tắc “vàng” bảo vệ sức khỏe gia đình trong mùa hè

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tình trạng nắng nóng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là đối với người già, trẻ nhỏ, người bệnh. Một số nguyên tắc chung cần thực hiện giúp bảo vệ sức khỏe của gia đình trong mùa nắng nóng.

Cung cấp đủ nước cho cơ thể

Thời tiết ngoài trời nhiệt độ cao tạo cảm giác nóng bức khiến cơ thể dễ bị mất nước. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng mọi người nên chủ động uống nước, không phải đợi đến khi khát mới uống. Uống nhiều nước, tối thiểu 1,5 - 2 lít nước/ngày, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, nên uống bổ sung các loại nước giúp giải nhiệt như nước chanh, cam, nước dừa tươi, nước rau má, nước đậu đen, nước râu ngô, nước atiso... pha thêm một ít muối ăn hoặc nước oresol. Hạn chế uống nhiều nước đá, nước lạnh dễ gây viêm họng. Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn hay cà phê vì chúng làm tăng tình trạng mất nước.

Hãy hạn chế tối đa đi ra ngoài đường trong giờ nóng cao điểm từ 11h trưa đến 4h chiều

Hãy hạn chế tối đa đi ra ngoài đường trong giờ nóng cao điểm từ 11h trưa đến 4h chiều

Chống nắng và chăm sóc da

Việc cơ thể tiếp xúc với tia UV do ánh nắng lâu ngày sẽ dẫn đến những vấn đề trên da như lão hóa, bỏng da, rối loạn tăng sắc tố da, thậm chí gây ung thư da rất trầm trọng. Việc chống nắng nóng là cần thiết, khi ra ngoài đường bạn nên thoa kem chống nắng chỉ số SPF trên 30, trang bị thêm mũ, khẩu trang, quần áo tay dài, đeo kính râm, áo khoác... nhằm giúp che chắn bảo vệ cho cơ thể.

Vệ sinh ăn uống

Vào những ngày nắng nóng, thời tiết ở nhiệt độ cao nên thực phẩm dễ bị hư hỏng, vi sinh vật phát triển là điều kiện thuận lợi dễ truyền bệnh cho cơ thể như qua đường tiêu hóa (tiêu chảy, đau bụng...). Để bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng cần chú ý việc kiểm tra bảo quản thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh trước khi ăn uống. Không nên sử dụng các loại thực phẩm đã chế biến để quá lâu và thức ăn đường phố phơi ngoài nắng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Dinh dưỡng hợp lý

Nắng nóng, nhiều người thường cảm giác mệt mỏi và không buồn ăn, trong khi đó bỏ ăn lại tác động rất xấu đến sức khỏe, lâu dần dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu vi chất làm cơ thể mệt mỏi. Vì thế, hãy đảm bảo quy tắc, không cố ăn nhiều nhưng ăn đủ dinh dưỡng. Một bát súp thịt với các loại rau củ vừa cung cấp được tinh bột, đạm và cả các loại vitamin từ rau củ. Ngoài ra, các loại nước trái cây như cam, bưởi, nước dứa ép, các loại trái cây… sẽ cung cấp vi chất dinh dưỡng cho cơ thể. Các món ăn mùa hè được khuyên dùng là các loại cháo, súp, bún… vừa đủ dinh dưỡng, vừa cung cấp thêm nước cho cơ thể.

Không thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột

Cơ thể mỗi người là khác nhau, người có sức khỏe yếu dễ sốc nhiệt dẫn đến ngất xỉu, choáng váng... Cách để bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng để không bị sốc nhiệt là khi ở ngoài vào phòng thì phải bật máy điều hòa nhiệt độ lạnh từ từ, hoặc ngồi nghỉ ngơi một khoảng thời gian ở chỗ mát rồi mới vào phòng lạnh. Cần lưu ý, về nhà không nên tắm ngay, khi đã có một ngày hoạt động ngoài trời nắng nóng, cũng không nên tắm quá nhiều lần trong ngày. Cần nghỉ ngơi trong vòng 30 phút để mồ hôi khô rồi tắm, tránh tình trạng nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hãy hạn chế tối đa đi ra ngoài đường trong giờ nóng cao điểm từ 11h trưa đến 4h chiều. Và khi đi ra nắng, hãy đảm bảo toàn cơ thể được che nắng khi ra ngoài. Trong thời tiết nắng nóng, tốt nhất nên ở trong phòng, dùng điều hòa nhiệt độ từ 26 - 28 độ C, hoặc quạt thoáng, mặc quần áo rộng rãi, thấm mồ hôi.

Phòng chống các bệnh mùa nắng nóng

Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm như: Viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, rôm sảy, chân tay miệng, Rubella... Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý hạn chế cho trẻ ăn kem, uống nước đá lạnh. Điều chỉnh nhiệt độ điều hòa ở mức hợp lý, không để điều hòa phả thẳng vào người các bé. Hạn chế cho trẻ ra nắng, đi bơi vào những thời điểm nắng nóng đỉnh điểm. Cho trẻ ngủ màn và tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản.

Đối với người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, béo phì, người đang điều trị bệnh... nếu nắng nóng khiến bệnh cũng rất dễ trở nặng. Vì vậy, việc tái khám, dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ là vô cùng cần thiết. Cần chú ý, tránh ra ngoài trời vào những giờ cao điểm nắng nóng; ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý; tránh xúc động mạnh.

Đối với người phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, không thuận lợi: Những người làm việc ngoài trời, trong những khu vực nóng và môi trường nắng nóng... dễ bị kiệt sức, say nắng, say nóng. Vì vậy, cần hết sức lưu ý đề phòng bằng cách chú ý các biện pháp bảo vệ da, bảo vệ cơ thể khỏi nắng nóng; bổ sung chất dinh dưỡng để cơ thể có sức đề kháng; chú ý uống đủ nước để phòng mất nước.