Xét xử vụ hủy hoại tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:

Nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng bị đề nghị mức án 30-36 tháng tù

ANTĐ - Đại điện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX xử phạt Nguyễn Văn Khanh từ 30-36 tháng tù. Các bị cáo còn lại như: Phạm Xuân Hoa từ 24-30 tháng tù; Lê Thanh Liêm từ 24-30 tháng tù; Phạm Đăng Hoan và Lê Văn Hiền cùng bị đề nghị mức án từ 15-18 tháng tù, nhưng đều được đề nghị cho hưởng án treo.

8h 20 phút sáng nay (9-4), HĐXX vụ án “Hủy hoại tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra vào ngày 5-1-2012, tại khu đầm nuôi trồng thủy sản thuộc địa bàn thôn Cống Rộc (xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) bước vào phần tranh tụng.

Mở đầu phần tranh tụng, vị Kiểm sát viên, đại diện Viện KSND TP Hải Phòng giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhận định, từ ngày 8-4-2012, TAND TP Hải Phòng mở phiên tòa xét xử các bị cáo bị Viện KSND TP Hải Phòng truy tố phạm vào tội “Hủy hoại tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Phần xét hỏi công khai tại phiên tòa đã kết thúc.

Đây là vụ án được dư luận hết sức quan tâm. Ngay sau khi xảy ra vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng đã nhanh chóng vào cuộc khởi tố, truy tố và xét xử.

Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm

Qua phần xét hỏi công khai tại phiên tòa, bị cáo Phạm Xuân Hoa khai nhận, được phân công làm Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo cưỡng chế biết kế hoạch (KH) 104.

Khi thực hiện thu hồi cưỡng chế, trong KH 104 không có nội dung tháo dỡ nhưng bị cáo đã dự thảo thông báo (TB) 225 có nội dung tháo dỡ. Đồng thời, với tư cách là Tổ trưởng tổ 2 Hoa ký 2 TB để đôn đốc lực lượng cưỡng chế tháo dỡ tài sản của gia đình nhà ông Vươn. Tuy nhiên bị cáo không có mục đích cá nhân nào mà chỉ thực hiện theo KH cưỡng chế.

Đối với bị cáo Lê Thanh Liêm, chiều 5-1, Liêm ra khu vực 19,5ha, bị cáo thấy lực lượng tháo dỡ tài sản của nhà ông Vươn. Tại đây, bị cáo được bị cáo Khanh chỉ đạo gọi xe xúc để tiếp tục tháo dỡ một số công trình tài sản của gia đình ông Quý do không thể phá dỡ bằng dụng cụ thô sơ. Liêm tích cực đôn đốc lực lượng cưỡng chế phá dỡ nhà, các công trình của nhà ông Vươn, ông Quý.

Liên quan vụ án này, Phạm Đăng Hoan cũng bị truy tố về tội “Hủy hoại tài sản”. Hoan khai nhận, bị cáo không nhận được TB 225 về việc thực hiện cưỡng chế. Tuy nhiên, chiều 5-1 khi có mặt tại hiện trường khu vực cưỡng chế, bị cáo gọi điện cho anh Kết cho máy xúc đến phá dỡ tài sản của gia đình ông Quý.

Được xem là bị cáo có vai trò cao nhất bị truy tố về tội “Hủy hoại tài sản” nhưng tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Khanh không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Khanh cho rằng, chiều 5-1, bị cáo không có mặt tại khu đầm có diện tích 21 ha như các bị cáo khác khai. Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận, trong KH 104 không có nội dung tháo dỡ nhưng do thực hiện làm theo ý kiến tập thể, bị cáo đã ban hành TB 225, về việc thực hiện cưỡng chế thu hồi khu đất nhà ông Đoàn Văn Vươn. Trong TB này, bị cáo đã “bổ sung” nội dung phá dỡ.

Bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, Lê Văn Hiền không khai nhận có hành vi ký TB 225 có nội dung tháo dỡ. Hiền cho rằng, KH 104 không có nội dung tháo dỡ. Trong các cuộc họp cũng không đề cập đến nội dung tháo dỡ tài sản của gia đình ông Vươn, ông Quý.

Mặc dù vậy, với cương vị là người đứng đầu cơ quan hành chính, Hiền không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình trong việc theo dõi, thực hiện cưỡng chế thu hồi 19,3ha đất đầm của gia đình ông Vươn.

Với hành vi phạm tội nêu trên, các bị cáo bị truy tố về tội “Hủy hoại tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, bị Viện kiểm sát truy tố như đã nêu trên là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội.

Từ những căn cứ trên, đại diện Viện kiểm sát viện dẫn, với hành vi phạm tội nêu trên của bị cáo bị truy tố phạm vào tội “Hủy hoại tài sản’, trong đó bị cáo Nguyễn Văn Khanh giữ vai trò cao nhất. Tuy nhiên, tại phiên tòa, xé thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bị cáo được bị hại là ông Đoàn Văn Vươn đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Do vậy, có thể áp dụng mức hình phạt thấp dưới khung hình phạt, xuống mức liền kề.

Trong vụ án này, Phạm Xuân Hoa cũng được xem là bị cáo giữ vai trò tích cực sau bị cáo Khanh. Tuy nhiên, tại phiên tòa, Hoa thành khẩn nhận tội, có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Vì vậy bị cáo được hưởng mức hình phạt thấp hơn bị cáo Khanh và xem xét cho cải tạo ngoài xã hội.

Bị cáo Lê Thanh Liêm với vai trò đồng phạm tích cực, giúp sức được xem ngang với Phạm Xuân Hoa. Tuy nhiên, sau khi xem xét toàn diện hành vi phạm tội của bị cáo, có thể xem xét cho bị cáo cải tạo ngoài xã hội.

Cũng như các bị cáo khác, tại phiên tòa cũng như trong quá trình điều tra, bị cáo Phạm Văn Hoan đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội. Nhận thức rõ hành vi của mình. Trong quá trình điều tra, bị cáo tự nguyện khắc phục một phần hậu quả nên cần xem xét áp dụng hình phạt cho bị cáo cải tạo ngoài xã hội.

Đối với bị cáo Lê Văn Hiền, xét thấy bị cáo là người đứng đầu cơ quan hành chính, không quản lý thực hiện đôn đốc làm đúng trách nhiệm của mình để cấp dưới gây ra hậu quả nghiêm trọng, nên cũng phải xem xét bị cáo ngang bằng với bị cáo có vai trò thấp nhất trong tội “Hủy hoại tài sản”. Tuy nhiên, có thể xem xét cho bị cáo cải tạo ngoài xã hội.

Từ các lí lẽ nêu trên, đại điện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX xử phạt Nguyễn Văn Khanh từ 30-36 tháng tù; Phạm Xuân Hoa từ 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Lê Thanh Liêm từ 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Phạm Đăng Hoan và Lê Văn Hiền cùng bị đề nghị mức án từ 15-18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Ngoài ra, các bị cáo còn phải có trách nhiệm bồi thường dân sự theo quy định của pháp luật.

Sau phần trình bày luận tội và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa, đúng 9h 20 phút, HĐXX tiến hành phần tranh tụng.