Nguyên nhân phạm sai lầm

ANTĐ - Có 3 du khách đến tham quan vùng núi nọ, cùng thuê trọ chung tại một khách sạn. Buổi sớm khi ra khỏi cửa đi vãn cảnh, một người mang theo ô, một người khác mang theo gậy, còn người thứ 3 thì chẳng mang theo bất cứ thứ gì.

Khi bọn họ đi chưa được bao lâu thì trời bỗng nổi cơn mưa lớn. Buổi tối lúc quay về khách sạn, người mang ô thì ướt nhẹp, còn người mang gậy thì toàn thân lấm lem, sứt sẹo. Thấy người không mang theo gì vẫn sạch sẽ lành lặn, họ lấy làm ngạc nhiên và hỏi nguyên nhân. Người thứ 3 không trả lời ngay mà hỏi lại người mang ô: “Vì sao anh lại bị ướt nhưng không bị ngã?”. Người mang ô thiểu não: “Khi mưa bắt đầu rơi, tôi nghĩ mình có ô nên đi tiếp, không ngờ mưa mỗi lúc một nặng hạt, lại còn kèm gió mạnh, những chỗ ô không che được đều bị ướt cả. Tuy nhiên khi quay về, thấy đường lầy lội mà mình không có gậy, tôi cố đi thận trọng nên không ngã lần nào”. “Vậy còn anh, vì sao không bị ướt mà lại ngã lấm lem như thế?”, người thứ 3 hỏi người mang gậy. “Khi mưa xuống, tôi không mang ô nên lập tức tìm nơi tránh. Song đến khi quay về, có gậy chống rồi mà không hiểu sao vẫn ngã trên đường trơn trượt”. 

Lúc ấy, người thứ 3 mới cười: “Đó là lý do mà tôi nguyên vẹn không sao. Thấy trời mưa thì tôi trú, nên không ướt. Khi đi trên đường trơn, tôi đi chậm rãi, thận trọng nên không ngã”. 

Nhiều khi, chúng ta vì nghĩ mình có ưu thế nên quên mất đề phòng, chính vì vậy mà phạm sai lầm. Trong cuộc sống đôi khi phải nhớ rằng, chúng ta không vấp ngã ở khiếm khuyết, mà vấp ngã ở chính ưu thế của mình.