Nguyên nhân khiến miệng bị khô

ANTD.VN - Mỗi khi bạn thức dậy vào buổi sáng có cảm giác miệng bị khô, khó chịu và muốn uống thật nhiều nước thì có thể bạn đã mắc chứng bệnh khô miệng. Đây là tình trạng khi cơ thể không tiết ra đủ lượng nước bọt trong miệng. 

Khô miệng không những gây khó khăn trong ăn uống, nói, thay đổi vị giác, nhiễm trùng răng miệng mà còn đẩy nhanh sự thoái hóa răng do môi trường miệng trở nên axit hóa và mất các chất khoáng, các men có vai trò miễn dịch bảo vệ răng. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khô miệng. Khô miệng có thể xuất phát từ các vấn đề liên quan đến răng miệng nhưng cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý cơ thể.

Mất nước

Tình trạng khô miệng xảy ra khi bạn bị mất nước hoặc khi bạn cảm thấy lo lắng, dẫn đến tăng thở qua miệng, khiến nước bọt bay hơi nhanh hơn. Ngoài ra, trong thời kỹ mãn kinh, do sự mất cân bằng hormone cũng khiến khô miệng. Uống quá nhiều rượu vào buổi tối cũng có thể khiến cơ thể bị mất nước và gây nên cảm giác khô nẻ ở miệng vào buổi sáng.

Vấn đề về mũi

Thở bằng miệng khi ngủ, ngạt mũi là một trong những nguyên nhân thường gặp gây khô miệng. Điều này bắt nguồn từ thành vách ngăn mũi bị lệch hoặc do không khí lạnh, do viêm nhiễm đường hô hấp dẫn đến tình trạng chất nhầy đóng trong mũi quá nhiều, làm nghẽn đường lưu thông của không khí vào cơ thể dẫn đến bị khô miệng.

Khô miệng cũng có thể do đường thở hẹp hoặc tắc nghẽn mũi, mà nguyên nhân do miệng mở trong khi ngủ hoặc amidan lớn bất thường. Sử dụng thuốc thông mũi có thể làm thu hẹp các mạch máu ở màng nhầy, giảm viêm. 

Nước súc miệng

Loại nước súc miệng có chứa cồn có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn có hại trong miệng nhưng lại gây khô miệng. Điều này là do cồn trong nước súc miệng kích thích màng nhầy của miệng và khử nước. Vì vậy, bạn không nên lựa chọn các loại nước súc miệng có chứa cồn.

Trào ngược axit

Khô miệng là một tác dụng phụ ít phổ biến của bệnh trào ngược dạ dày - đôi khi được gọi là chứng ợ nóng. Khi axit dạ dày đi lên thực quản đến cổ họng sẽ gây kích ứng và viêm khiến tăng nuốt nước bọt để bôi trơn cổ họng làm khô cổ họng và miệng.

Uống quá nhiều cà phê

Tiêu thụ quá nhiều đồ uống chứa caffeine có thể dẫn đến mất nước. Caffeine là một chất lợi tiểu, làm cho bạn đi tiểu thường xuyên hơn. Ngoài ra, tannin - một hợp chất thực vật tự nhiên có trong cà phê và một số loại trà cũng gây cảm giác khô trong miệng.

Bệnh tiểu đường

Lượng đường trong máu cao do bệnh tiểu đường không được điều trị có thể dẫn đến khô miệng. Cũng như sự mệt mỏi và giảm cân, các triệu chứng của tăng đường huyết bao gồm thường xuyên đi tiểu. Khi glucose trong máu tăng cao, thận mất khả năng hấp thu bớt chất lỏng, khử nước trong cơ thể. Khô miệng cũng có thể được gây ra bởi thuốc tiểu đường.

Bệnh xương khớp

Các bệnh như thấp khớp viêm khớp, lupus hoặc viêm mạch - viêm các mạch máu - có thể tấn công tuyến lệ và tuyến nước bọt, gây khô miệng và mắt. 9 trong số 10 người mắc là phụ nữ và nó thường xuất hiện ở người trung niên.

Tuyến nước bọt bị nhiễm trùng

Bệnh tuyến nước bọt tự miễn hoặc sỏi tuyến nước bọt là khi tuyến nước bọt bị nhiễm vi trùng, nấm, làm phá hủy từ từ các mô tuyến nước bọt và hậu quả là làm giảm việc tiết nước bọt.

Tác dụng phụ của thuốc

Khô miệng là một tác dụng phụ thường gặp của hơn 400 loại thuốc. Các loại thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc kháng sinh, một số thuốc hạ áp, thuốc trị chứng đau nửa đầu, thuốc chống nôn, thuốc trị bệnh parkinson sẽ khiến cho cảm giác khô miệng ngày càng tăng. Thuốc điều trị chứng mất ngủ, phương pháp điều trị ung thư như xạ trị và hóa trị cũng thường gây ra khô miệng.