Nguyên nhân khiến máy bay chiến đấu Rafale ế chỏng chơ

ANTĐ - Ngày 2-8, chính phủ Pháp cho biết, nước này sẽ cắt giảm một nửa đơn hàng mua máy bay chiến đấu Dassault Rafale trong vòng 6 năm tới, và sẽ đẩy mạnh xuất khẩu loại máy bay này, để duy trì dây chuyền sản xuất.

Theo các quan chức Pháp, những khách hàng tiềm năng bao gồm Ấn Độ, Qatar, Malaysia, các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất và Brazil.

Tập đoàn hàng không Dassault, đơn vị sản xuất loại máy bay chiến đấu Rafale, từng có kế hoạch mỗi năm sẽ cung cấp 11 chiếc máy bay chiến đấu này cho quân đội Pháp. Nhưng theo một báo cáo hôm thứ 6, chính phủ cánh tả sẽ chỉ mua 26 chiếc máy bay chiến đấu Rafale trong 6 năm tới.

Hồi giữa tháng 6, bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng từ năm 2016, tập đoàn hàng không Dassault sẽ phải dựa vào xuất khẩu để duy trì dây chuyền sản xuất máy bay này. Từ ngày đưa vào biên chế trong lực lượng không quân Pháp đến nay, Pháp chưa xuất khẩu được 1 chiếc Rafale nào.

Nguyên nhân chính là do là giá của Rafale rất đắt, chỉ là chiến đấu cơ thế hệ thứ 4, nhưng giá của nó đã lên tới gần 90 triệu USD, cao hơn Su-35 là thế hệ 4++ của Nga tới gần 30 triệu USD/chiếc, mà ai dám khẳng định là Rafale vượt trội, thậm chí là ngang ngửa với Su-35? 

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 Rafale của Pháp

Ngoài ra, Rafale không bán được cũng xuất phát từ loại tên lửa không đối đất dẫn đường bằng laser AASM Hammer, do công ty SAMP (Société des Ateliers Mécaniques de Pont sur Sambre) nghiên cứu, chế tạo và sản xuất. Đây là loại tên lửa sử dụng phương thức dẫn đường GPS/INS ở giai đoạn giữa, kết hợp với đầu dẫn tên lửa laser bán chủ động ở đoạn cuối đường bay.

Tuy đây là loại tên lửa có độ chính xác rất cao, nhưng do những sai lầm trong định hướng sử dụng từ khi xây dựng kế hoạch nghiên cứu, tên lửa AASM chỉ có thể sử dụng trên các máy bay của Pháp và Rafale cũng chỉ sử dụng được loại tên lửa kiểu này. Do đó, các nước muốn mua Rafale không thể sử dụng các loại tên lửa không đối đất đã có sẵn trong kho, mà phải mua đủ số tên lửa của Pháp cho nó. Điều này làm Rafale giảm tính cạnh tranh so với các máy bay chiến đấu Nga, Mỹ có thể sử dụng nhiều loại tên lửa thuộc các kiểu khác nhau.

Tuy vậy, ông Le Drian vẫn lạc quan cho biết trên đài phát thanh Châu Âu 1 hôm 2-8: "Có nhiều nước hiện đang thực sự quan tâm đến việc mua máy bay chiến đấu Rafale, cụ thể là Ấn Độ, Qatar, một số nước khác, và tôi rất tin tưởng về cơ hội xuất khẩu máy bay chiến đấu Rafale trong những tháng tới".

Tên lửa không đối đất AASM Hammer dưới cánh máy bay Rafale

"Hiện Pháp đang đàm phán về kế hoạch bán 126 chiếc máy bay Rafale cho Ấn Độ, và tôi hy vọng rằng việc này sẽ thành công", ông cho biết. Năm 2012, kế hoạch bán Rafale cho Ấn Độ tưởng chừng đã xong xuôi, nhưng do nhiều vấn đề khúc mắc nên đến giờ tiến trình đàm phán vẫn chưa đi đến hồi kết.

Các nguồn tin thân cận với bộ trưởng quốc phòng cho rằng, báo cáo này một phần dựa vào giả thuyết cho rằng, ít nhất một quốc gia trong số những khách hàng tiềm năng khác này, sẽ đặt mua trước cuối năm 2019. Các nước này gồm Malaysia, Qatar, các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất và Brazil.

Ngoài ra, chính phủ Pháp, hiện đang cân nhắc để hạn chế chi tiêu công, cũng đã tuyên bố rõ rằng, sẽ không có sự thay đổi nào, đối với lực lượng răn đe hạt nhân độc lập, mà các chính phủ tiền nhiệm đã xem như là một vấn đề quốc phòng quan trọng.