Nguyên nhân dịch sởi bùng phát bất thường

ANTĐ - Từ cuối tháng 12-2013, dịch sởi bắt đầu xuất hiện trên địa bàn Hà Nội và ngày càng lan rộng, gia tăng nhanh, diễn biến phức tạp. Các chuyên gia cảnh báo, sự bùng phát bất thường của dịch bệnh này có nguyên nhân quan trọng do nhiều phụ huynh không đưa con đi tiêm phòng đầy đủ. 

Số trẻ mắc sởi ở Hà Nội vẫn đang gia tăng

Nhiều ca biến chứng nặng

Tại Khoa Nhi – Bệnh viện Xanh Pôn, kể từ ca mắc sởi đầu tiên được phát hiện vào giữa tháng 12-2013, đến nay đã có tổng cộng hơn 110 ca sốt phát ban dạng sởi vào khám, điều trị. Trong số này, hơn 90% bệnh nhân có biến chứng viêm phổi, 2 trường hợp biến chứng viêm não do sởi rất nặng. Đặc biệt, có một trẻ bị sởi biến chứng nặng được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng sau đó đã tử vong. Bác sĩ phụ trách khoa Nhi – BV Xanh Pôn cho biết, hiện tại ngày nào khoa Nhi cũng có bệnh nhân bị sốt phát ban nghi sởi mới vào khám, điều trị, ngày cao điểm có tới 6 bệnh nhi nhập viện. Hầu hết bệnh nhân đều đến từ các quận nội thành của Hà Nội. 

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, lượng bệnh nhi bị sởi, sốt phát ban nghi sởi vào khám, điều trị cũng tăng theo từng ngày. Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm của bệnh viện cho biết, nếu như 3 tháng cuối năm 2013 bệnh viện chỉ ghi nhận 2 ca mắc sởi thì riêng trong tháng 1-2014 đã tiếp nhận tới 67 trường hợp. Đặc biệt, chỉ trong mấy ngày đầu tháng 2, đã có thêm 80 bệnh nhân sởi, nghi sởi mới nhập viện, đa số là bệnh nhân nặng, có biến chứng. Trong số này, ngoài Hà Nội còn có một số bệnh nhân đến từ các tỉnh phía Bắc như Yên Bái, Phú Thọ, Nam Định.

Đáng chú ý, trong hơn 40 bệnh nhân sởi hiện đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương, có đến 27 bé dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh. Thậm chí, trường hợp nhỏ nhất là một cháu bé mới chỉ 2 tháng rưỡi tuổi. Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm cho biết, đây là diễn biến khá bất thường bởi những trẻ trong độ tuổi này đều được bảo vệ nhờ miễn dịch từ mẹ. Hơn nữa, miễn dịch do sởi là miễn dịch bền vững và thực tế từ trước đến nay rất ít khi ghi nhận bệnh nhi dưới 9 tháng tuổi mắc sởi. Theo nhận định của các bác sĩ, lý do dẫn đến sự bất thường này có thể là do nhiều trẻ không được bú sữa mẹ trong những tháng đầu đời hoặc do người mẹ chưa có miễn dịch (chưa từng mắc sởi, chưa được tiêm vaccine phòng sởi đầy đủ) nên miễn dịch chưa đủ để bảo vệ cho trẻ. 


Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) hiện điều trị hơn 100 ca mắc bệnh sởi

Tiêm thiếu mũi vẫn mắc bệnh

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đây là lần đầu tiên dịch sởi bùng phát trên địa bàn Hà Nội sau 3 năm liền không ghi nhận bệnh nhân. Điều này được thể hiện trực tiếp qua số lượng bệnh nhân sởi vào khám tại các bệnh viện của Hà Nội cũng như bệnh viện truyến trung ương đóng trên địa bàn. Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sau mấy năm dịch sởi tạm lắng thì đến năm nay bệnh viện mới lại tiếp nhận nhiều bệnh nhân sởi vào điều trị đến vậy. Qua khảo sát ban đầu, hầu hết bệnh nhân sởi là những trẻ chưa được tiêm phòng hoặc tiêm thiếu mũi.  

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho biết, đánh giá trên các bệnh nhân mắc sởi được ghi nhận tại Hà Nội cho thấy, có đến 40% số ca mắc bệnh do chưa được tiêm phòng và 12,5% chưa tiêm phòng đầy đủ 2 mũi  vaccine sởi theo quy định. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, từ năm 2010, Bộ Y tế ban hành quy trình tiêm vaccine phòng bệnh sởi đúng, đủ 2 mũi tiêm: Mũi 1 được tiêm vào lúc trẻ được 9 tháng tuổi và mũi 2 nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi. Những năm qua, Hà Nội luôn là địa phương có tỷ lệ tiêm phòng cao, đạt từ 95% trở lên, nhờ đó mà nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, dịch sởi nói riêng đã được khống chế tốt. Tuy nhiên, từ khi xảy ra những sự cố tai biến sau khi tiêm vaccine Quinvaxem hồi đầu năm 2013, tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine tại Hà Nội giảm xuống và đó chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến bệnh sởi tái xuất. 

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho rằng, dịch sởi gia tăng từ đầu năm 2014 chủ yếu do việc tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine sởi chưa được bao phủ tất cả trẻ em. Các bà mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng    vaccine sởi đầy đủ, đúng lịch. Nếu tiêm một mũi vaccine sởi thì tỷ lệ đáp ứng miễn dịch chỉ đạt 80-85%, còn nếu trẻ được tiêm đầy đủ 2 mũi thì tỷ lệ đáp ứng miễn dịch là 90-95%.

Tránh nhầm lẫn sởi với sốt phát ban

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sởi có triệu chứng khởi bệnh khá giống với sốt phát ban thông thường nên rất dễ nhầm lẫn. Để phân biệt cần căn cứ vào biểu hiện sau: khi trẻ có sốt, phát ban dạng sởi, bắt đầu từ mặt sau đó lan dần xuống dưới chân, tay, kèm theo viêm kết mạc mắt, viêm long đường hô hấp thì nên nghĩ ngay đến bệnh sởi. Khi trẻ đã mắc bệnh, cần chăm sóc thật tốt dinh dưỡng, hạ sốt, nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa, cho nằm cách ly và theo dõi sát. Nếu trẻ sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều... thì nên đưa đến bệnh viện. Một điểm cần chú ý nữa là khi trẻ mắc sởi không cần kiêng khem việc tắm rửa hay tránh nước một cách quá mức.