Sứ mệnh lịch sử oanh liệt và rạng rỡ của kinh đô 1010 năm tuổi (9):

Nguyên khí quốc gia trọng đức, kén tài khắc ghi trên 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 9-3-2010, hệ thống bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được UNESCO ghi vào Danh mục Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 5-2011 tiếp tục được ghi danh vào Danh mục Ký ức thế giới toàn cầu. Ngày 14-1-2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 53/QĐ-TTg công nhận 82 bia Tiến sĩ là Bảo vật quốc gia.
Hệ thống bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Hệ thống bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

300 năm nền giáo dục, khoa cử coi trọng tài, đức

82 tấm bia hiện còn được dựng theo lệnh của các vị vua triều Lê - Mạc để tôn vinh các vị đỗ đại khoa từ năm 1442 đến 1779. Văn bia được dựng để ghi lại họ tên, quê quán của những người đỗ đạt đồng thời cung cấp những thông tin quan trọng khác như ngày, tháng, năm dựng bia, họ tên và chức vụ của những người soạn văn bia, nhuận sắc, người viết chữ, người chế tác bia. Chữ viết trên bia cùng các hoa văn trang trí, phong cách tạo dáng bia mang dấu ấn thời đại. Có thể nói, đây là những tấm bia đầu tiên của Việt Nam vinh danh các vị đỗ Đại khoa.

Bia Tiến sĩ với các bài văn trên bia là nguồn sử liệu quan trọng trong nghiên cứu lịch sử dân tộc, mà nổi bật là nền giáo dục khoa cử Việt Nam trong suốt 300 năm. Đó là triết lý giáo dục coi trọng hiền tài - “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” - triết lý giáo dục đó được nhắc đi, điểm lại trong hầu hết các bài văn bia, thể hiện tinh thần nhất quán trong các triều vua thời Lê - Mạc.

Triết lý giáo dục của hai triều Lê - Mạc đã tạo nên sự thành công trong việc phát triển giáo dục của đất nước, qua con số 1.307 lượt người đỗ của 82 khoa Đại khoa trong thời gian 300 năm. Văn bia cũng cho biết số Hương cống (đỗ Trung khoa) dự thi Đại khoa từ 450 đến 6.000 người. Và, cứ mỗi khoa thi có từ 3 đến 62 người đỗ đạt. Phần lớn những người đỗ Đại khoa được ghi danh trên 82 bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sau này đều trở thành những danh nhân văn hóa vì những đóng góp to lớn của họ đối với đất nước trên nhiều lĩnh vực chính trị, văn hóa, quân sự, kinh tế, giáo dục…

Khuê Văn Các biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến

Khuê Văn Các biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến

Theo thống kê, trong số 1.304 Tiến sĩ đỗ đạt được khắc tên trên bia đá thì có tới 225 vị từng được cử đi sứ Trung Quốc vào các triều Minh, Thanh, cá biệt, có những vị đi sứ tới 2-3 lần như Nguyễn Như Đổ (1424-1525) đi sứ triều Minh, Lê Quý Đôn (1726-1784) và Lương Như Hộc (?-?)... Vì thế, đây cũng là những tư liệu có giá trị để tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của các sứ thần Việt Nam, cùng lịch sử mối giao bang giữa các nước vùng Đông Bắc Á.

Bên cạnh đó, mỗi tấm bia không đơn thuần chỉ là một văn bản mà còn là một tác phẩm nghệ thuật với những hoa văn trang trí cầu kỳ, tính cách điệu cao với nhiều chủ đề hoa lá, mây, trăng, long, ly, quy, phượng. Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật đã coi đây như một tư liệu quan trọng trong quá trình nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật và điêu khắc Việt Nam từ thế kỷ XV đến XVIII.

Bia Tiến sĩ là nguồn sử liệu quan trọng trong nghiên cứu lịch sử dân tộc

Bia Tiến sĩ là nguồn sử liệu quan trọng trong nghiên cứu lịch sử dân tộc

“Giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí”

Trước khi ghi danh vào Danh mục Ký ức thế giới cũng như trở thành Bảo vật quốc gia, 82 bia đá về các khoa thi Tiến sĩ dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã luôn được quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau như lịch sử, văn hóa, giáo dục, triết học, pháp luật, ngôn ngữ, văn tự… thời kỳ quân chủ tập quyền ở Việt Nam.

Có thể nói, hầu hết những bài ký của bia đều tập trung ca ngợi vai trò của Nho giáo trong đời sống chính trị xã hội, ca ngợi chế độ và đề cao nhà vua. Nhưng điều đặc biệt, trong những bài văn bia đó còn đề cập đến những vấn đề mà ngay cả ở thời điểm hiện tại vẫn cần coi trọng như “dựng xây nghiệp lớn, diệt trừ tàn bạo, cứu dân lầm than” hoặc “mở mang văn đức, thu nạp anh tài, đổi mới chính trị...” - bia Tiến sĩ năm 1.442 khắc năm 1.484.

Trong bia khoa thi 1.463 do Đào Cử soạn, bên cạnh những dòng ca ngợi triều Lê cùng Đức vua Lê Thái Tổ còn đề cao việc “mở cửa cầu hiền, sửa sang nền đức, cổ vũ lòng dân” hoặc “đem lòng nhân hậu vun bồi cho mệnh mạch Nhà nước”.

Các bài ký trong bia đề danh Tiến sĩ còn giúp chúng ta hiểu được chính sách phát triển giáo dục của các triều đại quân chủ tập quyền Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc chăm lo đào tạo nhân tài cho đất nước. Ví như, trong Bia khoa thi tiến sĩ năm 1.442 khắc năm 1.484 viết: “Nghĩ việc đặt khoa thi, kén kẻ sĩ là chính sự cần làm trước nhất. Tô điểm cơ đồ, khôi phục mở mang trị hóa chính là ở đây, mà sửa sang chính sự, sắp đặt công việc, giáo hóa dân phong mỹ tục là ở đây, các bậc đế vương đời xưa làm nên trị bình đời nào cũng theo thế”.

Vấn đề coi trọng hiền tài tiếp tục được nhấn mạnh: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi trọng việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”. Bia khoa thi Tiến sĩ năm 1.448 cũng đề cập tới vấn đề này - “Sự lớn lao của nền chính trị của bậc đế vương không gì quan trọng bằng việc trọng dụng nhân tài. Việc cai trị mà không lấy nhân tài làm gốc thì đều bị coi là thiếu đường hướng phát triển”.

Không chỉ thể hiện đường lối trọng dụng nhân tài, nội dung những bài ký trên bia còn là những bài học răn dạy, nhắc nhở trách nhiệm của những người đỗ đạt đối với đất nước: “Kẻ sĩ được khắc tên vào tấm đá này, thật may mắn biết bao, nên phải đem lòng trung nghĩa tự hẹn với mình, làm sao danh và thực hợp nhau ” (Văn bia khoa thi năm 1.487); và kẻ sĩ trên cơ sở đó: “Hãy làm mây lành sao tỏ nêu điểm tốt cho đời, làm ngọc sáng vàng ròng để làm kho báu cho nước” (Văn bia khoa thi năm 1.514); hoặc “thảng hoặc có kẻ mượn khoa danh để làm kế ấm no, mượn đường ấy để được giới sĩ hoạn kính trọng, người đời sau tất sẽ nhìn vào họ tên mà nói: kẻ kia là hạng tiểu nhân gian tà, làm xấu lây cho khoa mục” (Văn bia khoa thi năm 1.577).

Cũng không hiếm người, khi đạt được thành công, khi đã ở ngôi cao thường sao nhãng rèn luyện, kiêu căng, coi thường người dưới mình. Những bài ký trên bia là những tâm sự, những lời khuyên, thậm chí cảnh báo rất kịp thời với những người đang sống, và với thế hệ tiếp theo. Trước hết, dù đã thành đạt, đã được đề cao vẫn: “phải trọng thân danh mình mà lo báo đáp”, để “danh đứng với thực”. Muốn làm được điều đó, người làm quan phải tận tâm, tận lực lo cho dân, cho nước, phải biết “dâng mưu hay”, phải biết khẳng khái khuyên can việc tốt, “phải gắng rèn mài liêm cần, trau dồi tiết hạnh, cứng rắn như vàng ngọc,… làm việc phải đồng tâm hiệp lực, thờ vua thì phải giữ gìn chính đạo, …” (Văn bia khoa thi năm 1.706).

Toàn cảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhìn từ trên cao

Toàn cảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhìn từ trên cao

Những lời khuyên về lối sống, tu dưỡng rất cụ thể, chân thành, bởi đó chính là kết tinh, trải nghiệm của người viết, là tâm huyết đối với hậu thế, với giang sơn đất nước: “Theo hầu trong cung phải giúp đức cho vua, giúp ơn cho dân; trấn nhậm một phương phải làm bình phong phên dậu. Người giữ chức cao phải đem khả năng bàn nói để hết chức phận can gián của mình…” (Văn bia khoa thi năm 1.691), “tuổi già tiết cứng, nêu gương cho phường hậu tiến, hun đúc nên tập tục trung tín liêm sĩ, chớ cậy may mắn lợi dụng vơ vét” (Văn bia khoa thi năm 1.760).

Những bài học, kinh nghiệm sống cha ông, của thế hệ trí dũng, tài đức lưu lại trên đá từ mấy trăm năm trước cho đến tận bây giờ vẫn còn nguyên giá trị và mang đậm tính thời sự. Những áng văn bất hủ được người xưa khắc ghi vẫn khẳng định, điều quan trọng nhất đối với một quốc gia chính là đào tạo, bồi dưỡng được “hiền tài”, không chỉ bồi đắp hiền tài cho thế hệ mình, mà còn phải nghĩ đến thế hệ sau, tương lai của đất nước.

Ngày nay bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn có sức hút mạnh mẽ đối với các học giả, du khách, chính khách trong và ngoài nước. Rất nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách quan trọng của các nước trên thế giới đã đến đây và đánh giá cao giá trị và ý nghĩa của những tấm bia Tiến sĩ.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu Hán Nôm, nghiên cứu lịch sử, những áng văn bất hủ trên dù đã được khắc trên bia nhiều thế kỷ qua nhưng tinh thần và giá trị của nó vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Những vấn đề như: chính sách phát triển giáo dục, trọng dụng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực luôn là chính sách hàng đầu, cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ thời đại nào trong quá trình xây dựng và phát triển.

Trong lịch sử khoa cử

Lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam mở đầu bằng khoa thi Tam trường để chọn Minh kinh Bác học vào năm 1075 dưới triều Vua Lý Nhân Tông. Người đỗ đầu kỳ thi này là Lê Văn Thịnh (Bắc Ninh). Nối tiếp các năm 1.086, 1.152, 1.165, 1.185 và 1.193 nhà Lý đều cho mở các khoa thi Tam trường để chọn người tài nhằm củng cố bộ máy chính quyền. Đến năm 1195, triều đình nhà Lý cho mở khoa thi Tam giáo (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo). Thi Tam giáo tồn tại cho đến năm 1.247, đời vua Trần Thái Tông thì chấm dứt.

Dưới triều Trần (1.225-1.400), chế độ khoa cử phát triển, các khoa thi mở đều đặn, thể lệ rõ ràng hơn. Từ năm 1.232, triều Trần mở khoa thi Thái học sinh chọn: Đệ nhất giáp, Đệ nhị giáp và Đệ tam giáp. Năm 1.247, đặt danh hiệu tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) cho 3 người trong hàng đệ nhất giáp. Đến năm 1.374, triều đình mở khoa thi Đình ở Hoàng cung để chọn người đỗ Tiến sĩ, thay thế cho học vị Thái học sinh. Năm 1.396, Vua Trần Thuận Tông đặt lệ thi Hương lần đầu tiên để lấy đỗ Cử nhân và quy định cứ 7 năm một kỳ thi, năm trước thi Hương, năm sau thi Hội ở Kinh đô. Thi Hội bắt đầu có từ thời Trần.

Trong 7 năm tồn tại ngắn ngủi (1.400 -1.407), triều Hồ cũng có những quan tâm nhất định đối với nền giáo dục nước nhà và vẫn theo phép thi của triều Trần, nhưng quy định 3 năm mở một khoa thi. Năm 1400, triều Hồ tổ chức khoa thi Thái học sinh. Năm 1.404, định thể thức thi chọn nhân tài: cứ tháng 8 năm trước thi Hương thì tháng 8 năm sau thi Hội, người đỗ được bổ Thái học sinh.

Dưới triều Lê sơ, khoa cử thịnh đạt và phát triển tới đỉnh cao trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Năm 1.434, Vua Lê Thái Tông xuống chiếu định lệ thi Hương, thi Hội và quy định 3 năm mở một khoa thi.

Lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam bắt đầu từ năm 1.075 và kết thúc vào năm 1.919 đã trải qua 183 khoa thi đại khoa, lấy đỗ 2.898 vị bao gồm cả Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ và Phó bảng.