Tuyên án các bị cáo trong vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm:

Nguyên Giám đốc BV Hoài Đức chỉ bị phạt... cảnh cáo!

ANTĐ - Sau một ngày mở phiên tòa xét xử 9 bị cáo trong vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm xảy ra tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội, cuối giờ chiều 7-3, HĐXX đã chính thức ra quyết định tuyên án đối với từng bị cáo. Tuy nhiên, mức án mà HĐXX tuyên phạt theo dư luận thì chưa đủ sức thuyết phục...
Nguyên Giám đốc BV Hoài Đức chỉ bị phạt... cảnh cáo! ảnh 1
Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án vào chiều 7-3


Người đứng đầu cũng chỉ bị phạt cảnh cáo 

Sau phần tranh tụng chuyển sang phần nghị án, cuối giờ chiều nay, HĐXX đã ra tuyên án đối với từng bị cáo. Theo đó, 7 bị cáo bị truy tố phạm vào tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là: Vương Thị Kim Thành bị tuyên phạt 12 tháng tù; 6 bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Sơn Đông bị tuyên phạt cùng mức án 6 tháng tù; bị cáo Nguyễn Thị Xuyên và Vương Thị Lan cùng bị tuyên phạt mức án 8 tháng tù, nhưng đều cho hưởng án treo. 

Hai bị cáo bị truy tố phạm vào tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" gồm Nguyễn Trí Liêm bị tuyên phạt cảnh cáo; Nguyễn Thị Nhiên bị tuyên phạt 10 tháng cải tạo không giam giữ. 

Trước đó, từ 1-8-2012 đến 31-5-2013, các bị can trên khi làm xét nghiệm trên máy một mẫu bệnh phẩm (mẫu máu) sau đó in thành nhiều kết quả xét nghiệm huyết học rồi tự ký vào các phiếu xét nghiệm, gắn kết quả trả cho các bệnh nhân, cho người thân đến xin kết quả xét nghiệm để đưa vào hồ sơ thanh toán BHYT với số tiền 16.569.000 đồng, tăng thu nhập cho bệnh viện. 

Với vai trò là Giám đốc bệnh viện, Nguyễn Trí Liêm có trách nhiệm phụ trách chung và trực tiếp phụ trách phòng Tài chính kế toán, phòng Tổ chức hành chính quản trị, Khoa dược. Nguyễn Thị Nhiên (SN 1959, nguyên Phó giám đốc bệnh viện) được phân công là người phụ trách trực tiếp khoa Xét nghiệm. Cả hai đã để cho Vương Thị Kim Thành (SN 1959, nguyên Trưởng khoa xét nghiệm) và Phan Thị Oanh (Kỹ thuật viên trưởng viết tắt là KTV), Nguyễn Đồng Sơn (SN 1989, là nhân viên hợp đồng khoa Xét nghiệm), Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1990, là KTV hợp đồng), Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1990, là KTV hợp đồng), Vương Thị Lan (SN 1988 là nhân viên khoa Xét nghiệm), Nguyễn Thị Ngà (SN 1984, KTV hợp đồng), Nguyễn Thị Xuyên (SN 1961, là KTV) đều ở khoa Xét nghiệm lợi dụng chức vụ được giao, để làm không đúng và làm các việc không được phép làm trong khi xét nghiệm. 

Có đủ răn đe?

Tại phiên tòa, trước khi HĐXX vào nghị án, được nói lời sau cùng, các bị cáo đồng loạt xin HĐXX giảm án. Riêng bị cáo Nguyễn Trí Liêm gửi lời xin lỗi các đồng nghiệp, toàn thể nhân dân, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo các cấp ngành. 

Bị cáo Nguyễn Trí Liêm


Mặc dù thể hiện sự ăn năn hối cải vào phút chót, các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo được HĐXX xem xét trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng. Nhưng theo dư luận thì mức án mà HĐXX tuyên phạt các bị cáo vẫn còn quá nhẹ. Liệu có đủ để răn đe? 

Bời điều đó cũng thể hiện rõ trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng, cũng như HĐXX hôm nay cùng có chung một nhận định, các bị cáo trong vụ án đã gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội số tiền 16.569.000 đồng. 

Mặc dù thiệt hại về tiền không lớn nhưng những sai phạm trên của các bị cáo đã gây ảnh hưởng rất lớn về mặt uy tín, đạo đức nghề nghiệp của ngành y tế nói chung và Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức nói riêng, gây hoài nghi và làm giảm lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ y, bác sỹ, gây dư luận xấu. 

"Đây là bài học lớn của ngành, rất đau lòng, tôi thấy cán bộ ngành cần nhận thức rất sâu sắc về việc này để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh. Nhận thức của các bị cáo ở đây rất ấu trĩ, mơ hồ..." - vị đại diện Sở Y tế Hà Nội nói.