Nguyễn Đức Kiên bị đề nghị 30 năm tù

ANTĐ - Hôm qua (27-5), phiên tòa sơ thẩm vụ “đại án” Nguyễn Đức Kiên chuyển sang phần tranh luận. Từ những phân tích, đánh giá vai trò phạm tội của từng bị cáo ở từng tội danh khác nhau, đại diện VKSND TP Hà Nội đã đề nghị tòa án áp dụng các mức án rất nghiêm khắc.

Cựu “sếp” Ngân hàng ACB tại phiên tòa hôm qua, 27-5

Cụ thể, Nguyễn Đức Kiên bị đề nghị xử phạt từ 18-24 tháng tù về tội “Kinh doanh trái phép”; từ 4 – 5 năm tù về tội “Trốn thuế”; 16 – 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 14 – 15 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt của cả 4 tội danh này, cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB bị đề nghị áp dụng chung là 30 năm tù giam. Ngoài ra, Nguyễn Đức Kiên còn bị đề nghị áp dụng hình phạt bổ sung tương ứng với các tội danh bị truy tố là phạt tiền, phạt từ 2 - 3 lần số tiền thuế đã trốn và cấm đảm nhiệm chức vụ về tài chính. Riêng số tiền trốn thuế 25 tỷ đồng tại Công ty B&B, VKS đề nghị HĐXX tuyên bố truy thu.   

Đối với nhóm bị cáo từng là lãnh đạo Ngân hàng ACB, Lý Xuân Hải bị đề nghị xử phạt từ 12 – 14 năm tù; Lê Vũ Kỳ bị đề nghị áp dụng từ 7 – 8 năm tù; Trịnh Kim Quang bị đề nghị xử phạt từ 6 – 7 năm tù và Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn cùng bị đề nghị áp dụng 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo, tất cả đều theo tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”. Với tội danh bị đưa ra truy tố là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Trần Ngọc Thanh bị đề nghị áp dụng từ 9 – 10 năm tù và Nguyễn Thị Hải Yến bị đề nghị xử phạt 7 – 8 năm tù giam. Ngoài hình phạt chính, hầu hết các bị cáo còn bị đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị tòa án áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ trong một thời gian nhất định… 

Đánh giá về từng hành vi phạm tội, đại diện VKSND TP Hà Nội nhìn nhận, mặc dù 6 công ty do Nguyễn Đức Kiên làm chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch HĐTV không có giấy phép kinh doanh về cổ phần, cổ phiếu, kinh doanh vàng cũng như hoạt động ủy thác đầu tư, góp vốn, song bị cáo Kiên vẫn cố ý thực hiện với nhiều thủ đoạn rất tinh vi. Ở hành vi này, Nguyễn Đức Kiên là người chịu trách nhiệm chính và trực tiếp thực hiện hoạt động kinh doanh trái phép. Đối với hành vi trốn thuế, trong năm 2009, Công ty B&B do Kiên làm chủ tịch HĐQT đã thực hiện việc kinh doanh giá vàng trên tài khoản ngoài lãnh thổ Việt Nam với Ngân hàng ACB. Thông qua đó, Công ty B&B đã thu được lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng. Để chiếm đoạt 25 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, bị cáo Kiên đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Công ty B&B với bà Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) nhằm chuyển toàn bộ phần lợi nhuận của doanh nghiệp sang cá nhân. Trong hành vi này, bị cáo Kiên với tư cách là Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật và là người trực tiếp điều hành mọi hoạt động của doanh nghiệp nên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn thuế.

Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 624 tỷ đồng của Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát, mặc dù biết rõ 20 triệu cổ phần đang thế chấp tại Ngân hàng ACB, song Nguyễn Đức Kiên, Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến vẫn ký hợp đồng chuyển nhượng cho đối tác. Và thực tế là Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát đã không nhận được số cổ phần này. Qua đó thể hiện Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

Đánh giá vai trò phạm tội của các bị cáo, đại diện VKS xác định Nguyễn Đức Kiên giữ vai trò khởi xướng, chủ mưu và có tính quyết định. Còn Trần Ngọc Thanh cùng Nguyễn Thị Hải Yến đảm nhiệm vai trò giúp sức và thực hành tội phạm theo sự chỉ đạo, sai khiến của bị cáo Kiên. Đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước, đại diện VKSND TP Hà Nội xác định Nguyễn Đức Kiên đã lợi dụng vị trí chi phối, ảnh hưởng của mình để cùng với Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ban hành nghị quyết ủy thác cho các nhân viên mang tiền đi gửi tại một số ngân hàng và cấp vốn cho Công ty CP Đầu tư chứng khoán ACB mua cổ phiếu của chính ngân hàng này. Sau đó, Lý Xuân Hải với tư cách Tổng giám đốc Ngân hàng ACB đã triển khai việc ủy thác cho 19 nhân viên mang tiền đi gửi và đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hết. Cũng theo xác định của đại diện VKS, tổng thiệt hại mà Ngân hàng ACB phải gánh chịu qua việc cố ý làm trái quy định Nhà nước của Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm là hơn 1.400 tỷ đồng. 

Đánh giá về sự thành khẩn của nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng ACB, đại diện VKS cho rằng Nguyễn Đức Kiên không thừa nhận tất cả các tội danh bị đưa ra truy tố. Điều đó thể hiện bị cáo này rất coi thường pháp luật. Bị cáo Lý Xuân Hải tuy thành khẩn khai nhận hành vi trong thực tế, nhưng lại cho rằng bản thân không phạm tội. Các bị cáo tiếp theo, trong quá trình điều tra và tại tòa đều thể hiện đã phần nào thừa nhận hành vi phạm tội gây ra. Riêng Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn, ngoài thành khẩn nhận tội thì tài liệu trong vụ án còn thể hiện mức độ phạm tội của 2 bị cáo này có phần hạn chế.

Đối với ông Trần Xuân Giá, do tòa có quyết định tạm đình chỉ vụ án và VKSND TP Hà Nội đã rút truy tố nên không đề cập xử lý. Trong chiều qua, các luật sư của Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến và Nguyễn Đức Kiên cũng đã bước đầu đưa ra quan điểm bào chữa cho các bị cáo này. Hôm nay (28-5), phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư.