XÉT XỬ NHÓM CỰU CÁN BỘ DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT NHẬN TIỀN “BÔI TRƠN”:

Nguyên Chủ nhiệm dự án đường sắt nhiều lần "vòi vĩnh" nhà thầu

ANTĐ - Trong nửa ngày xét xử Phạm Hải Bằng cùng 5 cựu cán bộ đường sắt vào sáng nay 26-10, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã cơ bản thẩm vấn xong tất cả các bị cáo. Qua đó cho thấy, cựu Phó giám đốc BQL Dự án đường sắt đã nhiều lần “vòi vĩnh” phía nhà thầu tư vấn để trục lợi.

Phạm Hải Bằng bị tố “làm béo bụng” cá nhân

Trình bày về diễn tiến dự án đường sắt đô thị trên cao, tuyến số 01 (Yên Viên – Ngọc Hồi), Phạm Hải Bằng khai, sau khi được các cơ quan chức năng phê duyệt, ngày 9-9-2009, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật với liên danh 8 nhà thầu (gọi tắt là JKT), trong đó có 5 doanh nghiệp nước ngoài do Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đứng đầu.

Tiếp đến, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có các quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án và các tổ thẩm định chuyên ngành kỹ thuật đối với Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 01, giai đoạn 1. Khi ấy, với chức vụ Phó giám đốc Ban quản lý đường sắt (RPMU) nên Phạm Hữu Bằng được giao làm Chủ nhiệm dự án tuyến đường sắt số 01.

Các bị cáo từng là cán bộ dự án đường sắt tại phiên tòa

Phải khai báo về hành vi nhận tiền “bôi trơn” của mình, bị cáo Bằng tỏ ra rất loanh quanh khi cho rằng trong quá trình thương thảo hợp đồng, phía RPMU đã lường trước rất nhiều khó khăn sẽ phải gặp như phải tổ chức các cuộc hội họp, hội thảo, lấy ý kiến… và trao đổi với các nhà thầu để họ biết. Trên cơ sở ấy, đại diện JTC đã bày tỏ mong muốn hỗ trợ kinh phí cho đại diện chủ đầu tư.

Về số lần, số lượng và phương thức nhận tiền của các nhà thầu, Phạm Hải Bằng khai do thời gian đã lâu nên bị cáo không nhớ rõ, mà chỉ nhớ tổng số tiền nhận của JTC khoảng 11 tỷ đồng. Trong số tiền này, Bằng thừa nhận cầm giữ 5 tỷ đồng để chi tiêu vào những việc liên quan đến dự án, nhưng không nhớ là chi tiêu vào việc gì. Vì thế, nguyên Giám đốc RPMU xin chịu trách nhiệm về số tiền này.

Bị cáo Phạm Hải Bằng - nguyên Phó giám đốc BQL Dự án đường sắt

Bị HĐXX chất vấn về số tiền mà các nhà thầu phải “cống nộp”, Phạm Hải Bằng trước sau đều chỉ cho rằng không trực tiếp trao đổi, tác động hay ép buộc phía JTC, mà hoàn toàn do nhà thầu tự nguyện hỗ trợ. Trước sự quanh co của bị cáo, HĐXX đã buộc phải công bố lời khai của một số chuyên gia người Nhật liên quan (đã bị xử lý theo pháp luật Nhật Bản).

Theo đó, một cựu chuyên gia người Nhật, thuộc JTC khẳng định: “Chẳng phải ông Bằng đang làm béo cái bụng của cá nhân mình hay sao. Tôi nghĩ nếu không đưa tiền hối lộ cho ông Bằng thì đừng nói gì đến việc đạt được các thỏa thuận trong hợp đồng, mà ngay cả việc được tham gia dự án cũng không thể”.

Cũng theo lời khai của chuyên gia người Nhật, trong quá trình thực hiện dự án với RPMU, phía JTC nhiều lần bị nguyên Chủ nhiệm dự án tuyến đường sắt đô thị số 01 (giai đoạn 1) vòi vĩnh nên dù không muốn vẫn phải nhiều lần đưa tiền cho Phạm Hải Bằng.

Nguyên Giám đốc RPMU phủ nhận tội trạng

Là bị cáo thứ 4 bị thẩm vấn, Trần Văn Lục – Giám đốc BQL Dự án đường sắt (từ năm 1999 đến 2009) đã phủ nhận hành vi phạm tội của bản thân. Trước tòa, bị cáo Lục khẳng định không hề hay biết việc Phạm Hải Bằng cùng một số bị cáo liên quan nhận tiền từ các nhà thầu thiết kế. Theo bị cáo này, ông ta không bao giờ được Bằng báo cáo về việc nhận tiền “bôi trơn”.

Về số tiền hưởng lợi từ nguồn tiền lấy từ các nhà thầu liên danh, bị cáo Lục cũng khẳng định không hề “dính dáng” gì. Tuy nhiên, nguyên Giám đốc RPMU lại thừa nhận từng cầm 30 triệu đồng do Bằng biếu xén. Lý giải việc này, Lục khai vào dịp Tết Nguyên đán 2010, Bằng đến chúc tết và có mang theo gói quà. Tết xong, kiểm tra gói quà của cấp dưới biếu mới thấy có 30 triệu đồng trong phong bì.

Bị cáo Trần  Văn Lục  - nguyên Giám đốc BQL Dự án đường sắt

Để làm rõ hành vi phạm tội của Trần Văn Lục, HĐXX đã buộc phải gọi Phạm Hải Bằng đứng lên đối chất. Trả lời câu hỏi của tòa án, nguyên Phó giám đốc RPMU khẳng định: “Sau khi nhận tiền từ JTC, bị cáo đã báo ngay với anh Lục và còn nói rõ kế hoạch chi tiêu vào những việc hội họp, nghỉ mát của BQL dự án”. Được hỏi lại, Trần Văn Lục hồi đáp: “Bị cáo nghe rõ”.

Tương tự, bị cáo Trần Quốc Đông – nguyên Giám đốc RPMU (từ tháng 10-2009 đến tháng 6-2011) tuy thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố, nhưng cho rằng việc phải chịu tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là không thỏa đáng. Bởi theo bị cáo này, hành vi ấy phải là do chính bị cáo thực hiện chứ không phải chỉ nhận chút tiền trong những dịp lễ, tết.

Tuy nhiên theo hồ sơ vụ án cùng lời khai tại phiên tòa cho thấy, trong quá trình được giao trách nhiệm làm đại diện chủ đầu tư tuyến đường sắt đô thị 01, Trần Quốc Đông từng tham gia nhiều cuộc hội thảo, hội họp với các ban, ngành liên quan và còn ký duyệt 12 hóa đơn giải ngân cho liên danh nhà thầu.

Bị cáo Đông biết RPMU nhận tiền “bôi trơn” từ phía JTC là không đúng quy định, nhưng lại không có chỉ đạo chấm dứt việc này. Hơn nữa vào dịp Tết Nguyên đán 2010 và 2011, cựu Giám đốc RPMU đã 2 lần nhận tổng cộng 30 triệu đồng từ Phạm Hải Bằng và đây là số tiền trích ra từ tiền liên danh nhà thầu “bôi trơn” cho BQL Dự án đường sắt. Ngoài ra, Trần Quốc Đông cũng khẳng định, toàn bộ số tiền mà RPMU nhận từ liên danh các nhà thầu đều không được lập sổ sách theo quy định.  

Chiều nay (26-10), phiên xét xử tiếp tục ở phần thẩm vấn các bị cáo của luật sư.