Nguy hại sức khỏe khi dùng kháng sinh không đúng cách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều người khi bị bệnh đã tự ý mua thuốc kháng sinh uống. Điều này dẫn đến bệnh không khỏi và khó khăn trong việc chữa trị.

Uống kháng sinh nặng để nhanh khỏi bệnh

Khi bị bệnh, ai cũng muốn bệnh mau khỏi. Vì thế nhiều người cho rằng thuốc kháng sinh nặng mới là thuốc tốt và bệnh sẽ nhanh khỏi. Tuy nhiên, kháng sinh uống sai cũng như uống độc dược. Khi dùng liều cao thì cũng sẽ tỷ lệ thuận với nguy cơ gặp tác dụng phụ nhiều hơn. Nhẹ thì ngứa ngáy khó chịu, nổi ban, nặng có thể bị sốc phản vệ dẫn đến tử vong…

Chỉ dùng thuốc kháng sinh theo sự chỉ định của bác sĩ

Chỉ dùng thuốc kháng sinh theo sự chỉ định của bác sĩ

Uống kháng sinh không đủ liều

Kháng sinh có tác dụng tiêu diệt hoặc kìm khuẩn, nhưng phải được sử dụng đúng liều và đủ thời gian mới phát huy được tác dụng này. Nếu chỉ dùng kháng sinh đến khi triệu chứng bệnh giảm, dùng chưa đủ thời gian mà đã dừng thuốc, thì vi khuẩn có thể mới bị suy yếu, sẽ khỏe trở lại. Nguy hiểm hơn là dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh. Đó là lý do vì sao phải dùng kháng sinh đủ ngày, diệt tận gốc vi khuẩn.

Dùng thuốc theo sự mách bảo

Thường các phụ huynh hay chia sẻ với nhau về bệnh của con mình, vì thế nhiều phụ huynh mua thuốc về dùng cho con. Điều này là sai lầm lớn, bởi ngay cả khi bệnh giống hệt nhau thì việc dùng kháng sinh trên mỗi bệnh nhân cũng khác nhau. Mỗi bệnh nhân khi được kê đơn thuốc, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng sức khỏe hiện tại, các bệnh mắc kèm, quá khứ dùng thuốc… để đưa ra đơn thuốc phù hợp nhất. Bởi cùng bệnh, nhưng thuốc này có thể dùng tốt với bệnh nhân này, nhưng lại gây hại cho bệnh nhân khác.

Dùng lại thuốc của lần trước

Với tâm lý ngại đi khám bệnh, không ít các trường hợp bệnh nhân sử dụng lại thuốc của lần trước còn lại khi có triệu chứng bệnh giống nhau. Đây là một sai lầm lớn, bởi có thể bệnh lần sau dù có triệu chứng giống với lần trước nhưng chưa chắc đã phải cùng là một bệnh. Thậm chí, ngay cả khi bệnh đó tái phát thì việc dùng thuốc của lần sau chưa chắc đã giống lần trước. Hơn nữa, thuốc của lần dùng trước có thể đã quá hạn hoặc bảo quản không tốt thì chất lượng thuốc có thể đã bị thay đổi.

Tự ý đổi thuốc

Kháng sinh dù có mạnh đến đâu, cũng cần có thời gian nhất định để phát huy tác dụng. Nhiều bệnh nhân sau khi uống thuốc 1-2 ngày thấy bệnh chưa giảm đã sốt ruột muốn đổi thuốc ngay. Nếu tự ý đổi thuốc có thể gây ra hậu quả nặng nề, bởi cơ thể phải uống nhiều loại kháng sinh khác nhau trong một thời gian ngắn sẽ rất mệt mỏi. Vi khuẩn gây bệnh cũng có nhiều loại, mỗi loại lại cần một loại kháng sinh khác nhau. Việc dùng kháng sinh sai vừa không điều trị được bệnh, còn khiến bệnh nặng hơn mà vi khuẩn có điều kiện chống lại kháng sinh mạnh hơn.

Sai lầm dùng kháng sinh cho trẻ sơ sinh

Đối với trẻ sơ sinh, chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh khi nhiễm khuẩn hoặc có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Những trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng như nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, giang mai bẩm sinh, uốn ván sơ sinh nên dùng kháng sinh diệt khuẩn đường tĩnh mạch và phối hợp các loại kháng sinh với nhau. Nếu có điều kiện nên cấy vi khuẩn tìm tác nhân gây bệnh trước khi chỉ định dùng kháng sinh theo kinh nghiệm, đồng thời để có định hướng điều trị hiệu quả. Lưu ý cần thận trọng khi dùng những loại kháng sinh có độc tính cao đối với gan và thận; không được trộn lẫn các loại kháng sinh khác nhau khi dùng; phải ngưng ngay kháng sinh khi không có bằng chứng xác định về tình trạng nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh.

Dùng kháng sinh để phòng ngừa bệnh

Chỉ có những trường hợp đặc biệt thầy thuốc mới cho dùng thuốc kháng sinh gọi là phòng ngừa. Thí dụ, dùng kháng sinh phòng ngừa trong phẫu thuật do nguy cơ nhiễm khuẩn hậu phẫu. Hoặc người bị viêm nội mạc tim đã chữa khỏi vẫn phải dùng kháng sinh để ngừa tái nhiễm. Việc người dân tự ý mua thuốc kháng sinh và sử dụng tùy tiện là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh ngày càng phổ biến ở Việt Nam.

Phòng ngừa tác hại của kháng sinh bằng lợi khuẩn

Lợi khuẩn vào cơ thể tiết ra các enzyme giúp cơ thể hấp thu tốt hơn các chất dinh dưỡng trong quá trình tiêu hóa. Lợi khuẩn còn tổng hợp ra các vitamin, giúp tăng cảm giác ngon miệng. Thêm vào đó, lợi khuẩn đào thải các vi khuẩn có hại ra khỏi hệ vi sinh đường ruột. Đồng thời, chúng còn kích thích cơ thể tổng hợp kháng thể, tăng cường miễn dịch tự nhiên để giảm nguy cơ mắc bệnh. Một số thực phẩm giàu probiotics như kim chi, phô mát, sữa chua, các loại men vi sinh…