Nguy cơ tụt hậu

ANTĐ - Các nước đang phát triển đang phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu phát triển trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Đó là cảnh báo mới nhất của Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khoá 66, ông Nassir Abdulaziz Al-Nasser.

Hàng hóa của các nước phát triển đang chịu nhiều bất công khi xuất sang các nước phát triển

Phát biểu tại Cuộc đối thoại cấp cao lần thứ 5 về tài chính và phát triển tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) ngày 8-12, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Al-Nasser cho rằng, khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm gia tăng thêm khó khăn kinh tế, dẫn tới sự tụt hậu của các quốc gia đang phát triển. Ông Al-Nasser khẳng định, các nền kinh tế đang phát triển có nguy cơ tụt hậu do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nếu không có các nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước nghèo cũng như các dự án phát triển trên thế giới.

Ngoài việc thiếu hụt nguồn viện trợ ODA, theo ông Al-Nasser, các nền kinh tế đang phát triển với tiềm lực còn yếu kém rất dễ đổ vỡ trước tác động của các cú sốc khủng hoảng kinh tế từ các nước phát triển tràn sang. Bên cạnh đó là những khó khăn từ việc đảo chiều của các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỷ giá hối đoái bị áp đặt bất công và biến động mạnh theo chiều hướng tăng của giá cả hàng hóa.

Cùng ngày 8-12, tại Hội nghị các nhà hoạch định chính sách kinh tế cấp cao của 29 nước châu Á-Thái Bình Dương đang diễn ra ở Bangkok (Thái Lan), LHQ cảnh báo lạm phát cao, đặc biệt là giá lương thực và nhiên liệu tăng cao hiện nay có thể làm giảm tới 1,5% tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2011 và 2012 của châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, đây là khu vực có nhiều quốc gia đang phát triển với khoảng 1 tỷ người nghèo, chiếm tới 70% tổng số người nghèo trên toàn cầu.

Một trong những tác động tiêu cực của khủng hoảng và suy thoái kinh tế với các nước đang phát triển là dòng vốn FDI vốn rất cần thiết cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chưa hồi phục. Theo Tổ chức LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD), dù vốn FDI năm qua đã hồi phục với tổng đầu tư toàn cầu trên 1.300 tỷ USD song vẫn thấp hơn tới 40% so với đỉnh điểm trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007.

Trong khi phải đối mặt với những thách thức nặng nề thời khủng hoảng thì xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng cùng bất hợp lý của hệ thống buôn bán toàn cầu càng gây thêm khó khăn cho các nước đang phát triển, nhất là nước nghèo. Vì thế, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Al-Nasser cho rằng, cần cấp thiết kết thúc thành công Vòng đàm phán phát triển Doha để loại trừ các hàng rào buôn bán bất công đối với các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất (LDC).

Nhằm vượt qua nguy cơ tụt hậu cũng như kéo dài thêm thời gian hoàn thành các mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), ông Al-Nasser kêu gọi các nước đang phát triển tiếp tục thúc đẩy mạnh các biện pháp làm giảm đói nghèo và khuếch trương các cơ hội tạo việc làm hiệu quả. Phó Tổng Thư ký thường trực của LHQ

Asha-Rose Migiro cũng đề nghị các nước phát triển tìm giải pháp mới để thực hiện các cam kết viện trợ ODA, đồng thời không để tác động gây bất ổn định của cuộc khủng hoảng nợ từ các nước phát triển làm phương hại sự ổn định và tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển.